11/07/2016 08:24 GMT+7

Bán cả rừng nguyên sinh dưới dạng rừng nghèo

SƠN BÌNH - VĂN BÌNH
SƠN BÌNH - VĂN BÌNH

TTO - Sáng 10-7, tổ công tác Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an tiếp tục phát hiện một đường dây khai thác gỗ trái phép trong phạm vi 6 tiểu khu rừng với diện tích hàng chục hecta đất rừng.

Tổ công tác kiểm tra điểm tập kết gỗ của Công ty Thành Chí - Ảnh: SƠN BÌNH
Tổ công tác kiểm tra điểm tập kết gỗ của Công ty Thành Chí - Ảnh: SƠN BÌNH

Tổ công tác của C49B cùng Công an tỉnh Lâm Đồng đi hàng chục kilômet từ TP Bảo Lộc đến một khu khai thác, tập kết gỗ trái phép tại xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm).

Đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, cơ quan chức năng phát hiện một bãi đất trống rộng nhiều hecta, thuộc tiểu khu 398.

Tại đây, hàng trăm cây gỗ lớn nhỏ bị đốn hạ chất thành từng đống, nhiều cây có dấu búa của kiểm lâm nhưng nhiều cây cũng không rõ nguồn gốc. Xung quanh là một dãy nhà xây dựng kiên cố cùng những lán trại tạm bợ...

Đại úy Nguyễn Văn Đạt, phó Phòng 3 (C49B), cho biết trong quá trình trinh sát nắm tình hình, phát hiện trên vùng lõi của khu rừng tự nhiên xã Lộc Bắc lại có một diện tích lớn rừng bị khai thác gỗ mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng các cửa rừng.

C49B đã lập kế hoạch đấu tranh, chặn đứng việc ai đã “hợp thức hóa” khu rừng bán cho công ty tư nhân khai thác gỗ trong thời gian qua.

Điều tra ban đầu cho thấy khu rừng này thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc (Lâm trường Lộc Bắc) là đơn vị được Nhà nước giao quản lý rừng.

Rất nhiều loại gỗ không được đóng dấu búa kiểm lâm, không được xác nhận về chủng loại cây để trà trộn.

Và cũng có nhiều loại gỗ cực quý hiếm, nhiều năm tuổi. Tổ công tác đã đến đây kiểm tra đánh giá lại làm căn cứ, tham mưu cho các cơ quan ban ngành xử lý.

Cơ quan chức năng kiểm tra điểm tập kết gỗ - Ảnh: SƠN BÌNH
Cơ quan chức năng kiểm tra điểm tập kết gỗ - Ảnh: SƠN BÌNH

Trong đó, các tiểu khu 398, 418, 419 lại không có báo cáo tác động môi trường của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhưng đã được Lâm trường Lộc Bắc ký hợp đồng bán trái phép, giao cho Công ty TNHH MTV Thành Chí (Công ty Thành Chí, tại TP Bảo Lộc) khai thác.

Hợp đồng không hề có quyết định khai thác rừng, không được phép của cơ quan nhà nước. Đến nay, Công ty Thành Chí đã khai thác khoảng 70% diện tích của 56ha rừng.

Còn các tiểu khu 390, 391, 395 (thuộc xã Lộc Bắc) cũng được Lâm trường Lộc Bắc giao cho Công ty Thành Chí khai thác gỗ. Tuy ba tiểu khu này có thẩm định báo cáo tác động môi trường nhưng là vào năm 2013.

Đến nay, sau ba năm báo cáo này đã hết thời hạn, còn Lâm trường Lộc Bắc không lấy lại được rừng, Công ty Thành Chí lại đứng ra thay mặt cho đơn vị quản lý rừng Lâm trường Lộc Bắc, hợp đồng để làm đánh giá tác động môi trường.

Dù chỉ có hợp đồng, chưa khảo sát đánh giá về rừng nhưng đã ra quyết định cho Công ty Thành Chí khai thác tận thu, khai thác lâm sản từ rừng tự nhiên để trồng cây cao su.

“Qua điều tra ban đầu của C49B, hồ sơ mà Công ty Thành Chí được cấp phép khai thác rừng được cho là rừng nghèo nhưng ở đây không phải là rừng nghèo, mà là rừng nguyên sinh. Như vậy là vi phạm nghiêm trọng” - đại úy Đạt nói.

Có mặt tại bãi tập kết gỗ trái phép mà C49B phát hiện, đại tá Phan Thanh Chương - trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Lâm Đồng - cho biết tại hiện trường có nhiều cây gỗ các kích cỡ khác nhau, có cây đã được kéo ra bãi, có cây cũng có đóng búa của kiểm lâm, có cây không có đóng búa.

Xét về quy trình thì chưa đảm bảo. Hiện chờ kết quả đo đếm của kiểm lâm đối chiếu với sổ sách để biết chính xác sai phạm.

“Đối với chúng tôi, rừng như thế này mà để khai thác coi như rừng nghèo thì có vấn đề. Cả khu rừng xung quanh đều là rừng nguyên sinh nhưng bây giờ cho khai thác đất sản xuất thì cần phải xem lại toàn diện để có những đánh giá chính xác.

Đặc biệt khi chúng tôi kiểm tra thì dự án đến nay chưa nhận được đánh giá báo cáo tác động môi trường của cơ sở” - đại tá Chương nói.

Giám đốc Công ty Thành Chí nói gì?

PV báo Tuổi Trẻ đã trực tiếp phỏng vấn ông Trần Sách Đoan, giám đốc Công ty Thành Chí, cũng có mặt tại điểm tập kết gỗ mà ông khai thác trong rừng sâu.

* Ông nói về việc khai thác rừng nhưng không làm báo cáo tác động môi trường?

- Để tăng tiến độ trồng cây cao su thì Công ty lâm nghiệp cũng đã cùng với chúng tôi hợp đồng với đơn vị tác động môi trường rồi. Thực sự là có sai sót nhưng là do đẩy nhanh tiến độ để trồng cho kịp cây cao su.

* Việc trồng cao su giữa rừng sâu có quan trọng đến mức mình phải bỏ qua thủ tục làm tác động môi trường?

- Không phải mình cần phải làm nhanh, mà Nhà nước cấp phép cho mình trễ một năm thì cũng thiệt thòi cho doanh nghiệp. Rừng nghèo kiệt nên mình được khai thác để trồng cây cao su.

* Theo ông, rừng này có nghèo thật không?

- Nghèo thật chứ. Bây giờ cứ tính 1ha đất rừng ra bao nhiêu mét khối gỗ thì là rừng nghèo, ra bao nhiêu mét khối gỗ thì là rừng giàu. Gỗ ở đây nhỏ, không có giá trị kinh tế cao.

* Nhưng cơ quan chức năng đã kiểm tra điểm tập kết gỗ mà ông đang khai thác. Trong đó có nhiều cây gỗ to và đặc biệt bên trong nhà còn có hai tấm ván gỗ quý hiếm rất lớn?

- Những cái gỗ đó là lính thợ rừng đi làm về rồi nó lấy về để nó nằm ngủ chứ cái đấy không phải buôn bán, không phải phá rừng. Tôi cũng ngỡ ngàng bởi hai khúc gỗ đó chỉ để cho công nhân nằm thôi.

* Nhưng từ đâu có gỗ quý đó?

- Cái đó tôi không biết. Còn đây là rừng nghèo, các đơn vị tư vấn thiết kế cũng đi thẩm định, tư vấn thiết kế. Rồi cả Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cũng đi thẩm định mới cho làm. Chứ còn rừng này (chỉ rừng xung quanh chỗ đốn hạ - PV) là rừng giàu ai cho làm được!

Khai thác giữa rừng nguyên sinh

Theo C49B, điểm tập kết gỗ mà Công ty Thành Chí khai thác nằm giữa cánh rừng nguyên sinh của tiểu khu 398, tiếp giáp với những cánh rừng phòng hộ của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có cánh rừng ở tiểu khu 390 cạnh thủy điện Đồng Nai 5 mà C49B đã triệt phá rạng sáng 8-7 khi bắt quả tang gần 20 lâm tặc.

Clip do phòng Truyền hình thực hiện

SƠN BÌNH - VĂN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên