Bước đi chiến lược
Việc thành lập công ty trên là một phần quan trọng trong chiến lược dài hạn của Tập đoàn, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và tạo ra giá trị lâu dài cho cổ đông, đối tác và cộng đồng.
Theo đó, BCG Eco sẽ hoạt động chính trong lĩnh vực trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp. Công ty có vốn điều lệ 20 tỉ đồng, trong đó, Tập đoàn góp 5 tỉ đồng tương ứng 25% vốn điều lệ, BCG Land - công ty con của Bamboo Capital - góp 26% vốn điều lệ của BCG Eco. Nguồn vốn góp đến từ vốn tự có của Bamboo Capital.
Trụ sở của BCG Eco đặt cùng trụ sở của Bamboo Capital tại phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội đồng cổ đông 2024, ông Nguyễn Hồ Nam - chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn Bamboo Capital - chia sẻ, BCG đang tăng tốc trên hành trình ESG khi ứng dụng nền tảng hiện đại hàng đầu để theo dõi, phân tích và đánh giá được mức carbon phát thải tại các công ty thành viên. Báo cáo phát triển bền vững của Tập đoàn ngày càng được coi trọng và thực hiện với chuẩn mực cao và khắt khe hơn, đây là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển bền vững, phát triển xanh.
Tiếp nối chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn, BCG Eco chính thức ra đời với mục tiêu góp phần đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, khai thác tiềm năng từ thị trường tín chỉ carbon và thúc đẩy các sáng kiến về ESG.
Lĩnh vực kinh doanh tiềm năng
Thị trường tín chỉ carbon đang ngày càng trở thành một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng trên toàn cầu, và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Khi biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia và doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng hơn vào việc giảm thiểu khí thải carbon. Tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước, từ nay đến năm 2027, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng các quy định quản lý, vận hành thị trường carbon. Dự kiến đến năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ được đưa vào hoạt động. Điều này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện cam kết Net Zero, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiên phong trong việc phát triển và kinh doanh tín chỉ carbon.
Trong năm 2023, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng thế giới. Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon là rất lớn.
Nhận thức được tiềm năng to lớn này, BCG Eco đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đón đầu cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Với nền tảng vững chắc từ Tập đoàn và sự tư vấn từ đối tác quốc tế có kinh nghiệm, BCG Eco sẽ tận dụng giai đoạn chuẩn bị này để xây dựng năng lực, phát triển các dự án trồng rừng.
Bên cạnh đó, công ty đặt mục tiêu trở thành một đơn vị tư vấn độc lập, cung cấp các giải pháp toàn diện cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, thúc đẩy các sáng kiến ESG, đồng thời mở rộng các hoạt động kinh doanh liên quan đến phát triển bền vững.
Với sự hỗ trợ từ chính sách và khung pháp lý đang được hoàn thiện, công ty hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế và xã hội, đồng thời góp phần vào mục tiêu chung của Việt Nam trong việc đạt Net Zero vào năm 2050.
Đầu tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Bamboo Capital đã được vinh danh trong Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu năm 2024. Để đạt được danh hiệu này, Tập đoàn đã có nhiều hoạt động phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột ESG (môi trường - xã hội - quản trị) và chiến lược phát triển bền vững gắn kết chặt chẽ với mục tiêu kinh doanh.
Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động phát triển bền vững, tình hình kinh doanh của Tập đoàn cũng ghi nhận những chỉ số tích cực. Luỹ kế nửa đầu năm nay, Bamboo Capital ghi nhận 2.100 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 417 tỉ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm cuối tháng 6-2024, tổng tài sản của BCG tăng thêm 3.200 tỉ so đầu năm, lên 45.308 tỉ đồng. Trong đó lượng tiền mặt tăng mạnh 56% lên 1.180 tỉ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng lên 14.872 tỉ đồng.
Tập đoàn cũng vừa tăng vốn điều lệ từ 5.334 tỉ lên 8.002 tỉ đồng, nâng vốn chủ sở hữu lên gần 20.988 tỉ đồng. Trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm 518 tỉ đồng, thặng dư vốn cổ phần 867 tỉ đồng, vốn khác của chủ sở hữu 310 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận