Thương học trò nghèo nhưng ham học, cô Thủy tranh thủ những buổi trưa ở lại trường dạy bồi dưỡng kiến thức cho các em. Dần dần trở thành thói quen, mỗi buổi trưa khi cô Thủy ở lại trường, học sinh thường mang bài học đến nhờ cô hướng dẫn. Sau này số lượng học sinh hỏi bài ngày càng nhiều nên cô Thủy nhờ những giáo viên trong tổ thông báo em nào có nhu cầu học thì tập hợp thành lớp để các cô bồi dưỡng thêm.
Cô Thủy nói thời gian cao điểm thường bắt đầu từ cuối học kỳ I. Lúc đó học sinh bắt đầu lộ ra những lỗ hổng kiến thức và tìm giáo viên để hỏi. “Nghị lực của các em giữ chân mình suốt mấy chục năm qua. Nhìn các em lam lũ, quanh năm không có đôi dép mới nhưng vẫn miệt mài học tập và thành đạt mình thương lắm. Mình còn bám trường là vì muốn cho các em thêm kiến thức và động lực để bám trường, bám lớp dù cuộc sống các em nhiều khó khăn”.
Cũng như cô Thủy, cô Nguyễn Thị Phúc (giáo viên dạy hóa Trường THPT Chợ Gạo, Tiền Giang) đã gắn bó với ngôi trường này suốt mười mấy năm trời. Cô Phúc nhớ như in niên khóa 1999-2002. Đó là niên khóa mà lớp do cô chủ nhiệm đậu đại học 42/45 học sinh.
Cô Phúc kể thời gian đó hầu như đêm nào cô cũng ở trường với học trò đến tối mới về. Cô tập hợp học sinh vào lớp, mỗi nhóm một góc ngồi nghiên cứu bài tập, phần nào không rõ thì trao đổi với nhau hoặc hỏi cô. Riêng những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì cô “kéo” hẳn về nhà trọ của mình để làm gia sư.
Sau này cô phải lo cho gia đình nên không ở nhà trọ nữa. Mỗi ngày cô phải đi quãng đường xa hơn 20km đến trường. Tranh thủ buổi trưa rảnh rỗi, cô đến chỉ bài cho những học sinh nhà xa ở lại trường nghỉ. Cô thường xuyên dặn học sinh vào lớp sớm khoảng một tiết học để cô củng cố những kiến thức khó. Buổi tối cô lên mạng tìm thông tin và trao đổi với học sinh. Cô nói học sinh có học thêm nhiều thế nào nhưng không tự nghiền ngẫm cái mình đã học thì vô nghĩa. Chính những câu hỏi mà các em điện thoại, gửi email hay chủ động trao đổi với giáo viên mới là kiến thức vàng gắn bó với các em sau này.
Cô Phúc tâm sự nhìn những thế hệ học sinh lần lượt ra trường và thành đạt, cô cảm thấy mình đã làm được một điều gì đó rất ý nghĩa. Cô nói giọng chắc nịch. “Ngày xưa khi học phổ thông mình cũng khó khăn và được một người thầy giúp đỡ tận tình. Từ đó mình luôn đặt mục tiêu sau này nếu đi dạy cũng giống như thầy. Phải dạy làm sao để một học sinh nghèo nhưng vẫn có đủ kiến thức đi thi và phải đậu đại học như bạn bè”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận