14/05/2019 07:21 GMT+7

Balancing the Scales: Hai cán cân đè nặng nữ giới

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Nữ đạo diễn người Mỹ Sharon Rowen hiện đang ở TP.HCM để trình chiếu bộ phim nổi tiếng về bình đẳng giới của mình Balancing the Scales.

Balancing the Scales: Hai cán cân đè nặng nữ giới - Ảnh 1.

Nữ đạo diễn Sharon Rowen trò chuyện cùng khán giả tại buổi chiếu phim Balancing the Scales tại trung tâm Hoa Kỳ ngày 13-5 - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Balancing the Scales là bộ phim tài liệu ghi lại những chia sẻ của người trong cuộc dưới hình thức phỏng vấn, do Sharon Rowen thực hiện từ năm 1994 đến năm 2014.

Những người được phỏng vấn bao gồm nhiều luật sư, thẩm phán… với những câu chuyện đáng nhớ về những thách thức, những phân biệt đối xử mà họ phải chịu.

Sharon Rowen đã dành thời gian trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Online về Balancing the Scales, cũng như quan điểm của bà về bình đẳng giới ở Việt Nam và trên thế giới.

Trailer phim Balancing the scales

* Xin bà chia sẻ lý do mang bộ phim này đến Việt Nam?

- Sau khi nhận lời chương trình American Film Showcase đến đây, tôi bắt đầu tìm hiểu về văn hóa, luật pháp, những thách thức về bình đẳng giới ở Việt Nam và thật sự không ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng đó cũng là các vấn đề toàn cầu.

* Vây theo bà thì định kiến nào là phổ biến nhất đối với phụ nữ ở Việt Nam?

- Sau một buổi chiếu phim ở Hà Nội vào tuần trước, có người đến và nói với tôi rằng ở Việt Nam có câu "phụ nữ học cao khó lấy chồng".

Tôi nghĩ rằng đó cũng là kiểu định chung kìm hãm phụ nữ khỏi các vị trí lãnh đạo cũng như ở Mỹ, bởi vì định kiến văn hóa ở mọi nơi đều cho rằng phụ nữ phải khiêm tốn, cúi đầu và làm việc chăm chỉ. Khi họ có gia đình, họ sẽ lùi bước khỏi sự nghiệp để nuôi dạy con cái.

Ngoài ra, ở Việt Nam, tôi nghĩ còn một thách thức nữa cho phụ nữ là người Việt thường sống trong các đại gia đình nhiều thế hệ, và phụ nữ không chỉ chăm con mà còn phải chăm lo cho những người khác trong nhà.

Tất cả những điều trên đã khiến phụ nữ không thể khai thác hết năng lực nghề nghiệp của mình.

* Vậy theo bà thì có giải pháp nào cho chuyện đó không?

- Theo tôi, có ba cấp độ xã hội mà giải pháp cần xuất phát từ đó. Một là chính sách của chính phủ, ngoài ra, giải pháp còn có thể đến từ các tập đoàn và nhà tuyển dụng trong cách họ đối xử với nhân viên.

Liệu họ có chào đón phụ nữ làm lãnh đạo hay không, hay lại nói rằng "dù sao cô cũng sẽ có con nên chẳng có lý gì để tôi đẩy cô đến vị trí đó cả"?

Và cuối cùng, cá nhân cũng có thể cho giải pháp, như bản thân tôi làm bộ phim này để có thể nói với mọi người ở Mỹ và trên toàn thế giới những thách thức mà phụ nữ trẻ đang phải đối mặt.

Balancing the Scales: Hai cán cân đè nặng nữ giới - Ảnh 3.

Nữ đạo diễn Sharon Rowen trò chuyện về bình đẳng giới trong buổi chiếu phim Balancing the Scales tại trường đại học Hoa Sen sáng 13-5 - Ảnh: Ngọc Đông

* Xin bà chia sẻ thêm về ý tưởng làm bộ phim này?

- Tôi đã có 40 năm làm luật sư, và tôi cũng đã phải chịu cảnh phân biệt đối xử như trong phim vậy. Năm 1994, khi con gái tôi ra đời, tôi nảy ra ý định này vì tôi muốn con bé có nhiều cơ hội hơn mình, bởi vào cái thời mà tôi tốt nghiệp trường luật, các công ty luật lớn lúc đó không thuê phụ nữ.

Tôi nghĩ mình sẽ bắt đầu trò chuyện với một số người đã nỗ lực để thay đổi luật pháp về bình đẳng cho phụ nữ từ những năm 50, 60. Vào thời điểm đó, tôi đã nghĩ bộ phim của mình sẽ kể một câu chuyện "vinh quang", khi cuộc đấu tranh đã kết thúc và kể về những "nữ anh hùng" trong nghề luật.

Thế nhưng đến năm 2009, tức là 15 năm sau khi tôi bắt đầu, tôi phát hiện ra những thách thức đó vẫn luôn tồn tại từ thập niên 50 đến những năm 1990, và những phụ nữ trẻ trong nghề luật vẫn phải trải qua những thử thách tương tự.

Tôi nhận ra rằng mặc dù luật pháp đã có và mọi người cũng tin rằng phụ nữ đã đạt được sự bình đẳng hơn ở nơi làm việc, thì trên thực tế, số liệu thống kê cho thấy điều đó không đúng. Chỉ có 20 nhà lãnh đạo trong lĩnh vực luật là phụ nữ. Đối với tôi, đó là những con số rất đáng buồn.

Từ đó, tôi chuyển hướng bộ phim sang những thách thức và định kiến văn hóa tồn tại trong xã hội khiến phụ nữ không thể đạt được vị trí lãnh đạo từ cách đây hàng chục năm đến tận bây giờ.

* Trong cuộc chiến giành quyền cho phụ nữ, bà nghĩ định kiến nào là kinh khủng nhất?

- Có một vài điều khác nhau đang diễn ra ở Mỹ ngay lúc này. Một là nạn quấy rối tình dục, thông qua các phong trào như Me Too và Time's Up, chuyện này đang được chú ý. Trong 60 năm qua, vẫn còn nhiều người nghĩ phụ nữ sẽ cắn răng chịu đựng sự quấy rối thể xác và cưỡng hiếp.

Nhưng điều mà bộ phim của tôi nói đến, là tư duy ngăn cản phụ nữ khỏi các vị trí lãnh đạo, vẫn chưa được chú ý đầy đủ.

Balancing the Scales: Hai cán cân đè nặng nữ giới - Ảnh 4.

Nữ đạo diễn Sharon Rowen trò chuyện cùng báo giới tại buổi chiếu phim Balancing the Scales tại trung tâm Hoa Kỳ ngày 13-5 - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Hai cán cân chênh vênh

Trong Balancing the Scales tồn tại hai chiếc cán cân mà phụ nữ luôn phải đấu tranh để cân bằng. Một là cán cân bình đẳng với nam giới, từ thời mà những công ty luật lớn không tuyển nữ luật sư, hay từ lúc người ta nghĩ nữ giới đi học trường Luật Harvard chỉ để… kiếm chồng.

Một cán cân khác là sự lựa chọn giữa công việc và gia đình. Những nữ luật sư trẻ trong phim, vừa phải làm việc 80-100 tiếng mỗi tuần để được ghi nhận, vừa phải là vợ hiền mẹ đảm để duy trì hạnh phúc gia đình…

Theo chia sẻ của Sharon Rowen thì toàn bộ những nữ luật sư trong phim cuối cùng đều nghỉ hết việc ở các công ty lớn khi có con, bởi vì quá khó khăn để họ có thể cân bằng.

Bộ phim cũng phản ảnh sự phân biệt đối xử với phụ nữ từ chỗ rõ ràng đã dần "tiến hóa" lên tinh vi và ẩn ý hơn, như khi người ta nói với một nữ luật sư đồng tính rằng "việc cô đồng tính có lẽ sẽ tốt hơn vì người ta sẽ nhìn nhận cô như một người đàn ông". Sau tất cả, đàn ông vẫn được cho là "tốt" hơn phụ nữ trong nghề.

Bình đẳng giới không phải ở bông hoa Bình đẳng giới không phải ở bông hoa

TTO - Những bông hoa hay gói quà tặng ngày 8-3 chưa phải là chỉ dấu của bình đẳng giới. Điều cần phải thay đổi đầu tiên chính là những quan niệm, định kiến phân biệt trong suy nghĩ của những người đàn ông và cả trong chính phụ nữ.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên