07/11/2017 10:47 GMT+7

Bài toán tăng trưởng bao trùm và bất bình đẳng

TS Phùng Đức Tùng
TS Phùng Đức Tùng

Đó là hai thách thức lớn mà khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt, theo TS Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong.

Bài toán tăng trưởng bao trùm và bất bình đẳng - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào các đại biểu trong nước và quốc tế trước khi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017 sáng 7-11 tại Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

LTS: Nhân dịp Tuần lễ cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng, TS Phùng Đức Tùng, với 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển và giảm nghèo, đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết nêu rõ hai thách thức lớn mà khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt và tìm giải pháp ứng phó.

Báo động

Trong vài thập kỷ gần đây, Châu Á nổi nên như là một châu lục có tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục và đang là độc lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước Châu Á luôn ở mức cao từ 5% đến 5.5% / năm. Không nghi ngờ gì khi nói rằng " tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước Châu Á sẽ tiếp tục ở mức cao và vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới trong một vài thập kỷ tới".

Tuy nhiên, các quốc gia Châu Á đang đối mặt với một thách thức rất lớn ở thể kỷ 21 đó là giải quyết bài toán tăng trưởng bao trùm và giảm sự gia tăng bất bình đẳng.

Bất bình đẳng ở các nước Châu Á đã gia tăng nhanh chóng từ mức ngang bằng với mức bình quân của thế giới năm 1990 (GINI Châu Á là 0.35, mức trung bình thế giới là 0.36) thì nay nó đã cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới (GINI Châu Á là 0.47, mức trung bình thế giới là 0.37), trong đó Ấn Độ và Trung Quốc là 2 nước có mức độ bất bình đẳng cao nhất trong Châu lục (kể cả tốc độ gia tăng bất bình đẳng lẫn giá trị tuyệt đối).

Hệ số GINI của các nước Châu Á đang tiệm cận đến mức báo động (GINI trên 0.5) mà nó có thể gây ra bất ổn xã hội như các nước Châu Phi và Nam Mỹ nếu như các quốc gia Châu Á vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao mà không quan tâm đến vấn đề tăng trưởng bao trùm. Mô hình tăng trưởng kinh tế của các nước Châu Á hiện nay chủ yếu mang lại lợi ích cho nhóm người giàu dẫn đến phân hóa giàu nghèo đang gia tăng nhanh chóng, gia tăng xung đột lợi ích giữa các nhóm dân cư trong xã hội.

Hệ số GINI của Việt Nam năm 1993 là 0.33 thì đến năm 2016 đã tăng lên ở mức 0.44. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa nhóm 20% dân số giàu nhất so với 20% dân số nhóm nghèo nhất chỉ khoảng 4,4 lần thì đến năm 2016 đã tăng lên 10 lần. Vấn đề trên được xem là thách thức mà Chính phủ cần quan tâm, vì tăng trưởng như hiện tại sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người giàu mà không phải người nghèo. Theo đó, phân hoá sẽ ngày càng bị dãn rộng, dẫn đến rủi ro bất ổn lớn.

Nguyên nhân chính là chênh lệch về tiếp cận, chất lượng các dịch vụ công bao gồm giáo dục, y tế, các dịch vụ tài chính giữa người giàu và người nghèo và thị trường lao động không hoàn hảo. Các nước dành phần lớn ngân sách và tập trung nguồn lực đầu tư (hạ tầng, các chính sách ưu đãi và nguồn nhân lực) vào những tỉnh/ thành phố và những ngành mang lại hiệu quả cao nhất (lợi ích mang lại cao nhất từ một đồng vốn đầu tư). 

Kết quả là đầu tư của Chính phủ mang lại tăng trưởng kinh tế cao nhưng không đồng đều giữa các vùng, ngành và nhóm dân cư. Nếu so sánh về cho lĩnh vực an sinh xã hội và dịch vụ công, Châu Á là Châu lục có mức chi tiêu thấp thứ hai (chỉ cao hơn các nước ở Vùng Sa Mạc Sahara, thậm chí còn thấp hơn cả các nước Trung và Bắc Phi).

4 giải pháp chính

Để giải quyết những thách thức trên, các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính.

Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì Châu Á có mức đầu tư vào giáo dục cao thứ hai (chỉ sau các nước phát triển) chính vì vậy nâng cao cơ hội tiếp cận và chất lượng của giáo dục sẽ giúp cho mọi người dân tham gia được vào tiến trình phát triển kinh tế và được hưởng lợi từ tăng trưởng, giúp giảm được sự gia tăng của bất bình đẳng và bất ổn xã hội.

Hai là, đưa ra được chính sách tài khóa bao trùm bao gồm các chính sách tài khóa phân phối lại thu nhập hiệu quả, các chính sách thuế và chi tiêu của chính phủ cần cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và lợi ích đem lại cho các nhóm dân cư, tăng chi chi tiêu công nhiều hơn cho các chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ công cơ bản sẽ đảm bảo được việc phân phối lại thu nhập một cách hiệu quả.

Ba là, phát triển một thị trường lao động đầy đủ và minh bạch thông qua các chính sách tạo việc làm đặc biệt là các chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động, các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động và tạo việc làm bền vững (việc làm ở khu vực chính thức).

Cuối cùng, tăng cường mở cửa nền kinh tế sẽ giúp các quốc gia gia tăng tính cạnh tranh, tiếp cận được với các công nghệ mới và chuyển dịch được cơ cấu kinh tế từ các ngành có năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất cao hơn và từ đó dịch chuyển được lên trên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phùng Đức Tùng tốt nghiệp tiến sỹ Kinh tế tại trường Leibniz thuộc Đại học Hannover (Đức) với chuyên môn sâu về kinh tế lượng, đánh giá tác động, thiết kế và thực hiện các cuộc điều tra. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông tập trung vào giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội cho các dân tộc thiểu số, phúc lợi xã hội và nguy cơ đói nghèo. Ông đã có nhiều bài báo xuất bản trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành như American Economic Journal hay World Development.

Thế nào là tăng trưởng bao trùm?

Một trong những ưu tiên hợp tác APEC hàng đầu trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chưa vững chắc và bất bình đẳng gia tăng là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Đây cũng là một trong 4 mục tiêu chính của APEC 2017 được tổ chức tại VN.

Vậy tăng trưởng bao trùm là gì?

Thực tế, cụm từ tăng trưởng bao trùm được bắt đầu sử dụng từ khoảng vài năm gần đây, trong các báo cáo kinh tế của một số tổ chức quốc tế, đặc biệt là khá niệm này được đưa vào chương trình nghị sự của nhiều quốc gia.

Theo chuyên gia kinh tế Fulbright Việt Nam, cụm từ "tăng trưởng bao trùm" được nhắc đến đầu tiên trong các báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Ý nghĩa của nó nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững trên cơ sở tạo cơ hội cho tất cả đối tượng khác nhau, mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều được tham gia và được nhận lại một cách tương xứng từ các đóng góp của mình.

Theo Ban thư ký APEC, tính "bền vững" và "bao trùm" của phát triển được nhấn mạnh nhằm góp phần thực hiện Chiến lược APEC về tăng trưởng chất lượng giai đoạn đến năm 2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Cải cách cơ cấu và đổi mới sáng tạo cũng đóng vai trò rất quan trọng nhằm tạo năng động mới cho tăng trưởng, thông qua việc cải thiện năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm phân bổ nguồn lực hiệu quả. Đây là mô hình tăng trưởng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Tăng trưởng bao trùm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối tại APEC. Sau hai thập kỷ phát triển thần tốc của châu Á- Thái Bình Dương, điều cần thiết là phải đảm các nền kinh tế thành viên APEC ở mọi cấp độ nhận được các lợi ích của tăng trưởng và toàn cầu hoá.

Năm 2014, các lãnh đạo APEC đã thông qua tuyên bố về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng, trong đó cam kết thúc đẩy các dịch vụ tài chính bao trùm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cá nhân, và đối tác trong các vấn đề an ninh năng lượng và liên quan đến biển.

Năm 2015, hội nghị APEC tại Philippines cũng lấy chủ đề "Xây dựng các nền kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn". Các nỗ lực của APEC tập trung vào các động lực tăng triển bao trùm. Chẳng hạn, đầu tư vào phát triển con người giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương tiếp cận các kỹ năng cần thiết trong một thế giới số và ngày càng toàn cầu hoá.

Hay thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ hỗ trợ các cộng đồng bản địa hoặc vùng sâu vùng xa tham gia vào các thị trường toàn cầu.

TRẦN PHƯƠNG - NHƯ BÌNH


TS Phùng Đức Tùng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên