12/11/2015 10:53 GMT+7

Có cần thay bản dịch bài Nam quốc sơn hà?

ĐOÀN LÊ GIANG
ĐOÀN LÊ GIANG

TT - LTS: Dư luận mấy hôm nay ồn lên về bản dịch lạ bài Nam quốc sơn hà được sử dụng trong Sách giáo khoa (SGK) lớp 7.

Bìa cuốn Ngữ văn lớp 7 tập 1 và trang sách in bài thơ Nam quốc sơn hà - Ảnh: H.P.

Tuổi Trẻ giới thiệu những thông tin bổ ích của PGS-TS Đoàn Lê Giang để góp thêm một cái nhìn gợi mở về một bài thơ đã quá thân quen với mọi người dân Việt.

Bản dịch của hai nhà Hán học Lê Thước, Nam Trân in trong Thơ văn Lý Trần, tập 1 (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977) đã được các tác giả cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 (NXB Giáo Dục VN) chỉnh sửa một chút ở câu 1, như sau:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Tại sao người ta ồn ào vì nó? Là vì đây không phải là bản dịch quen thuộc trong SGK lớp 7 trước kia. Thực ra với người am hiểu thì chẳng có gì phải ồn ào lên như thế, vì một bài thơ chữ Hán có nhiều dị bản, nhiều cách hiểu, nhiều bản dịch thơ khác nhau là chuyện bình thường.

Để góp phần làm rõ hơn vấn đề này, tôi xin đưa ra một số thông tin và nhận định thế này.

1) Bài Nam quốc sơn hà có vấn đề về văn bản chữ Hán. Hiện nay có ít nhất 35 dị bản khác nhau, điều này đã được các nhà nghiên cứu có uy tín khảo sát nghiêm cẩn: GS Trần Nghĩa, GS Nguyễn Tài Cẩn, PGS Bùi Duy Tân, PGS Nguyễn Thị Oanh, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ... Việc này thì học trò lớp 7 không nên biết làm gì cho rắc rối.

2) Bài thơ này có nhiều bản dịch, nhưng kỳ lạ thay không ai dịch hay được - kể cả các bậc túc nho, các dịch giả cổ thi trứ danh như Nguyễn Đổng Chi, Lê Thước, Nam Trân, Bùi Duy Tân, Ngô Linh Ngọc, Đinh Gia Khánh...

Tất cả các bản dịch đều chưa đạt đến trình độ tín, đạt, nhã như mong muốn của nhiều người. Gần đây vài người mạo muội đưa ra bản dịch thử nghiệm của mình, nhưng chỉ đọc qua người ta đã thấy ngay là một “thảm họa dịch thuật”!

3) Bản dịch dùng cho SGK lớp 7 hiện nay do Lê Thước - Nam Trân dịch thực ra là một bản dịch không nổi tiếng, dù đã được dịch bởi hai bậc túc nho tài hoa trong việc dịch thơ và đã được hành thế khá lâu (công bố từ năm 1977, đưa vào SGK lớp 7 từ năm 2003).

- Câu 1: Các cụ dịch là “Núi sông Nam Việt vua Nam ở” (đúng niêm luật) được các tác giả SGK lớp 7 chỉnh lại thành: Sông núi nước Nam vua Nam ở.

Thuận tai hơn, nhưng thất niêm luật (chữ Nam thứ sáu đáng lý phải trắc).

- Câu 2: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Các cụ dịch là: Vằng vặc sách trời chia xứ sở. Như vậy là khác cách hiểu thông thường (rõ ràng, dứt khoát phân định trong sách trời - sách mà trời giáng xuống như một mặc khải). Trong khi đó Lê Thước - Nam Trân hiểu từ “thiên thư” không phải là sách trời ban xuống, mà là vị trí các chòm sao trên trời chia các nước, mỗi nước ở một vị trí các chòm sao khác nhau như chúng ta thường đọc thấy trong “Phân dã” của các sách địa lý cổ.

Vì vậy mới dịch chữ Tiệt nhiên thành Vằng vặc (Vằng vặc phân định bởi các chòm sao trên trời).Cách hiểu ấy là có cơ sở, nhưng cũng không tuyệt đối đúng hơn cách hiểu truyền thống.

- Câu 3: “Giặc dữ cớ sao phạm đến đây” thì dịch bình thường.

- Câu 4: “Chúng mày nhất định phải tan vỡ”. Dùng từ “tan vỡ” thì non quá, không hay bằng chữ “tơi bời” của bản dịch cũ, dù chữ “tơi bời” cũng không thật hay.

4) Kết luận: Các tác giả SGK thay cho bản dịch cũ bằng một bản dịch khác có cách hiểu lạ hơn, mà chưa hẳn đúng, đồng thời lại non hơn, dở hơn, thế thì thay làm gì?! “Vẽ rắn thêm chân”, bài học xưa đến nay chưa bao giờ cũ!

Theo tôi, tốt nhất là dùng lại bản dịch cũ và đề tên tác giả là “tương truyền của Lý Thường Kiệt”. Bài thơ này rất linh thiêng, bản dịch truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức nhiều thế hệ nên cũng không nên thay đổi làm gì, nhất là không chứng minh được tính cần thiết của sự thay đổi.

Lưu ý thêm: theo khảo sát của GS Trần Nghĩa thì câu 2 (âm Hán Việt) cần sửa lại chính xác thế này: “Tiệt nhiên phân định tại thiên thư”. Hơn nữa những ai ca ngợi bản dịch quen thuộc này cũng để ý một chút là nó bị thất niêm luật ở câu 1, 2, dù ngày nay thì niêm luật cũng không phải là vấn đề quan trọng nữa.

Vài ý kiến như vậy, mong các tác giả SGK thật sự cầu thị để kịp thời dùng lại bản dịch quen thuộc trong dịp tái bản tới đây.

Bản dịch quen thuộc trong SGK trước đây:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành đã định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

ĐOÀN LÊ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên