14/10/2022 09:20 GMT+7

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Người mẹ 'điên' và cuộc chiến đòi công lý cho hai con

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Tại Ấn Độ, cứ mỗi lần có cuộc hội thảo nào về an toàn công cộng, vụ cháy rạp chiếu phim Uphaar lại được nhắc tới.

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Người mẹ điên và cuộc chiến đòi công lý cho hai con - Ảnh 1.

Bà Neelam Krishnamoorthy - chủ tịch AVUT và di ảnh hai con - Ảnh: thehindu.com

Thứ sáu ngày 13-6-1997, rạp Uphaar ở phía nam thủ đô Delhi công chiếu bộ phim Border. Đám cháy bùng lên tầng hầm. Khói lan toàn rạp. Các khán giả bị mắc kẹt bên trong do cửa đã bị khóa. 59 người chết và 103 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương do giẫm đạp nhau.

Chúng tôi đến gặp luật sư KTS Tulsi và luật sư đã khuyên chúng tôi nên tập hợp lại nếu muốn tấn công vào nạn chạy chọt giấy phép trong ngành xây dựng.

Bà NEELAM

Hai con đi xem phim và không trở về nữa

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Người mẹ điên và cuộc chiến đòi công lý cho hai con - Ảnh 3.

Rạp chiếu phim Uphaar trong vụ cháy Ảnh: PTI

Trong ngôi nhà của bà Neelam và ông Shekhar Krishnamoorthy ở Noida (bang Uttar Pradesh), di ảnh hai người con thân yêu được đặt trang trọng trên chiếc tủ gỗ trong phòng khách. Cô chị Unnati 17 tuổi và cậu em Ujjwal mới 13 tuổi đã thiệt mạng trong vụ cháy rạp 25 năm về trước.

Unnati vừa học xong lớp 12 và đăng ký học khóa thư ký công ty, còn Ujjwal ước mơ một ngày sẽ trở thành kỹ sư hàng hải. Vợ chồng bà Neelam thường mua vé xem phim cho con. Bà nhớ lại: "Mọi chuyện bắt đầu như một ngày bình thường và giống như cách tôi vẫn làm, tôi đặt vé cho các con đi xem phim và không bao giờ nhận ra rằng tôi đang mua vé cho tụi nó đi vào cõi chết".

Sau vụ cháy một tòa nhà cao tầng ở khu Rajendra Place năm 1983, một cuộc kiểm tra an toàn đã được thực hiện trên toàn Delhi. Kết quả sau kiểm tra, giấy phép của rạp Uphaar đã bị hủy bỏ vì rạp có đến 10 vi phạm nghiêm trọng. Chẳng bao lâu sau giấy phép đã được cấp lại. Khi thảm kịch cháy rạp xảy ra vào năm 1997, trên thực tế không có vi phạm nào được khắc phục.

Sau thời gian khóc thương hai con, vợ chồng bà Neelam khởi đầu một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Mặc dù đang bị chấn thương tâm lý vì mất con, họ vẫn quan tâm tìm hiểu tình tiết câu chuyện cháy rạp do những người sống sót kể lại. 

Người thì nói bộ phim vẫn chiếu trong khi lửa hoành hành. Người khác cho rằng cửa rạp bị đóng chặt. Người khác nữa lại kể có nhiều người chạy ra ngoài mà không bị thương. 

Bà Neelam đánh giá như vậy nhiều khán giả có thể đã được cứu sống chứ không phải chấp nhận cái chết. Họ quyết định khởi kiện chủ rạp và thảo luận kế hoạch với bạn bè luật sư.

Trang web Bar and Bench (trang web về thông tin pháp luật hàng đầu của Ấn Độ) mô tả khi chuẩn bị kiện ra tòa, thậm chí họ còn không phân biệt vụ án dân sự khác vụ án hình sự như thế nào. 

Bà Neelam thú nhận: "Tôi không biết tòa án hoạt động ra sao, tôi không biết gì hết. Anh Shekhar cũng vậy. Nhưng tôi nhận thức rõ quyền của chúng tôi cần được bảo vệ và tôi nhận ra quyền sống của các con tôi đã bị tước đoạt".

May mắn thay hai vợ chồng bà Neelam đã gặp được luật sư nổi tiếng giàu kinh nghiệm KTS Tulsi. Bà giải thích với báo The New Indian Express (Ấn Độ) như sau: "Chúng tôi đến gặp luật sư KTS Tulsi và luật sư đã khuyên chúng tôi nên tập hợp lại nếu muốn tấn công vào nạn chạy chọt giấy phép trong ngành xây dựng". 

Thời bấy giờ chưa có Internet. Công việc đầu tiên của họ là đọc báo. Họ sàng lọc các cột cáo phó trên báo, ghi lại tên và số điện thoại của các gia đình nạn nhân vụ cháy và liên lạc hỏi ý kiến. Cuối cùng chín gia đình của 28 nạn nhân đã đồng lòng lập ra Hiệp hội Các nạn nhân thảm kịch Uphaar (AVUT).

Ngày 30-6-1997, AVUT ra đời. Quyết định đầu tiên của AVUT là đệ trình đơn kiện dân sự. Ngày 3-7-1997, kết quả điều tra vụ cháy rạp đã có. Bà Neelam đề nghị được biết kết quả điều tra nhưng bị từ chối. Bà khiếu nại với tòa án cấp cao Delhi và thành công. Tòa còn chỉ định người đại diện đưa hai vợ chồng bà đến thăm lại hiện trường rạp Uphaar bị cháy.

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Người mẹ điên và cuộc chiến đòi công lý cho hai con - Ảnh 4.

Sushil Ansal (trái) và Gopal Ansal phải đối mặt với nhiều phiên tòa kết tội - Ảnh: indianexpress.com

25 năm đeo đuổi vụ kiện và các mức án tréo ngoe

Khi luật sư Ram Jethmalani bảo vệ quyền lợi cho gia đình Ansal chủ rạp vốn là một luật gia kỳ cựu (đã quá cố) gọi bà là "người đàn bà mất trí", bà Neelam đã đáp trả: "Đúng vậy, tôi bị điên. Gia đình Ansal và luật sư của họ đã làm cho tôi mất trí bằng cách liên tục đe dọa tôi, dọa nạt và giả mạo bằng chứng để trói buộc công lý. Nếu đấu tranh đòi công lý cho các trẻ em trong nhiều năm nay là điên rồ thì đúng là tôi điên rồi".

Theo báo The Hindustan Times (Ấn Độ), năm 2001 Cục Điều tra trung ương (CBI) đã đề nghị truy tố 13 người, trong đó có hai anh em chủ rạp Sushil Ansal và Gopal Ansal. 10 năm sau vụ cháy, vào tháng 11-2007 tòa sơ thẩm kết án họ mỗi người hai năm tù cùng nhiều đồng phạm. 

Đây là mức án tối đa về tội vô ý làm chết người theo Bộ luật hình sự Ấn Độ. Tuy nhiên, họ không bị bắt giam vì tòa cho rằng đây là hành vi phạm tội có thể nộp tiền bảo lãnh.

Tháng 12-2008, tòa án cấp cao Delhi lại giảm án xuống còn một năm. AVUT đã đại diện cho gia đình các nạn nhân kháng cáo. Năm 2015, tòa án tối cao tăng hình phạt từ một năm tù lên hai năm nhưng phán quyết nếu hai anh em nhà Ansal nộp phạt mỗi người 300 triệu rupee (khoảng 3,7 triệu USD) trong vòng ba tháng thì án tù sẽ giảm bằng thời gian thụ án vì các bị cáo đã cao tuổi.

Năm 2017, dựa trên các kiến nghị xem xét lại bản án của AVUT và CBI, tòa án tối cao phán quyết Gopal Ansal phải quay trở lại nhà tù thụ án một năm nhưng Sushil Ansal đã ngồi tù hơn năm tháng thì được miễn thụ án do tuổi đã cao. Tòa giữ nguyên khoản bồi thường đã tuyên. Năm 2020, bản kiến nghị xem xét lại phán quyết năm 2017 lại bị bác bỏ.

Theo điều tra, để đạt được kết quả thuận lợi trong các phiên tòa xét xử vụ cháy, hai anh em nhà Ansal đã câu kết với nhân viên tòa án sửa biên bản của cảnh sát. Do đó vào tháng 11-2021, tòa án cấp quận Patiala thuộc lãnh thổ Delhi tiếp tục tuyên phạt họ bảy năm tù và phải nộp phạt mỗi người 22,5 triệu rupee (khoảng 280.000 USD). 

Theo phán quyết mới nhất được công bố ngày 19-7-2022, họ đã được trả tự do vì đã thụ án xong (hơn tám tháng).

Những kỷ niệm đau thương đã được vợ chồng bà Neelam kể lại trong tác phẩm Trial By Fire dày 264 trang xuất bản vào tháng 9-2016. 

Sushil Ansal hiện nay 77 tuổi và Gopal Ansal 68 tuổi, dù vậy bà Neelam vẫn cho rằng không thể trả tự do cho họ vì lý do tuổi tác bởi cuộc đấu tranh đòi công lý kéo dài nhiều năm mới đưa được họ ra trước vành móng ngựa.

Tháng 10-2011, tòa án tối cao yêu cầu hai anh em nhà Ansal phải có trách nhiệm liên đới cùng cơ quan điện lực Delhi bồi thường 1 triệu rupee (12.300 USD) cho mỗi người chết trên 20 tuổi và 0,75 triệu rupee (9.200 USD) cho người dưới 20 tuổi. Người bị thương được bồi thường 100.000 rupee.

Ngoài việc đòi bồi thường, AVUT còn đấu tranh để xây dựng hai trung tâm điều trị chấn thương. AVUT đang đấu tranh để Chính phủ Ấn Độ ban hành một đạo luật về ngăn ngừa các thảm kịch do con người gây ra tại nơi công cộng.

****************

"Tại sao lại là anh ấy (chị ấy) chứ không phải là tôi?". Những người sống sót cho dù là người may mắn nhưng vẫn bị chấn thương tâm lý. Nỗi ám ảnh đeo đẳng họ có khi cả đời.

>> Kỳ tới: Nỗi ám ảnh kéo dài hơn nửa thế kỷ

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 2: Tình người trong khói độc hỏa hoạn Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 2: Tình người trong khói độc hỏa hoạn

TTO - Khách sạn - sòng bạc MGM Grand cao 26 tầng với 2.078 phòng khách sạn ở Las Vegas (Mỹ) bốc cháy sáng sớm ngày 21-11-1980.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên