17/10/2022 09:23 GMT+7

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 6: Hỏa hoạn, tội ác và trừng phạt

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Ra tòa, hai bị cáo khai đã cải tạo tầng hầm thành vũ trường khoảng năm 2012, nhưng không hề xin phép chính quyền cũng như không thông báo gì với chủ cho thuê.

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 6: Hỏa hoạn, tội ác và trừng phạt - Ảnh 1.

Biển tưởng niệm ghi tên 14 nạn nhân thiệt mạng được đặt trong khu phố nơi có quán bar Le Cuba Libre - Ảnh: Radio France

Ngày 11-9-2019, bị cáo Nacer Boutrif 48 tuổi và em trai Amirouche 40 tuổi - nguyên quản lý quán bar Le Cuba Libre - bước vào phòng xử án.

Hai bị cáo mặc áo sơ mi xanh cúi gằm nhìn xuống giày. Bầu không khí im lặng bao trùm. Những tiếng xì xào từ các băng ghế chật ních gia đình các nạn nhân im bặt.

Xúc động và đau buồn sau vụ cháy khủng khiếp ở Rouen, tôi bày tỏ tình đoàn kết và lòng tiếc thương đối với gia đình các nạn nhân.

Tổng thống FRANÇOIS HOLLANDE

Thảm kịch từ ngọn nến sinh nhật dưới tầng hầm

Hôm ấy là ngày thứ ba trong phiên tòa xét xử vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra dưới tầng hầm rộng 24m2 được dùng làm vũ trường dưới quán bar Le Cuba Libre tọa lạc gần sông Seine ở Rouen (tỉnh Seine-Maritime thuộc vùng tây bắc nước Pháp) vào đêm 6-8-2016. 

Hai bị cáo bị truy tố về tội vô ý làm chết người do cố tình vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng hoặc bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật.

Nữ thẩm phán chủ tọa phiên tòa đọc tên 14 nạn nhân thiệt mạng do chết ngạt hoặc chết cháy và 5 nạn nhân bị thương may mắn sống sót. Phần lớn là các bạn trẻ hẹn nhau hôm đó đến dự tiệc sinh nhật lần thứ 20 của cô bạn Ophélie, một trong các nạn nhân không may thiệt mạng. 

Khoảng 0h30, một khách mời cầm chiếc bánh sinh nhật có cắm hai cây nến phun lửa đi xuống cầu thang dốc và hẹp dẫn đến tầng hầm nhưng chẳng may trượt ngã. 

Tia lửa bắn lên trần nhà ốp đầy mút xốp cách âm dễ cháy. Trong nháy mắt lửa đã lan ra khắp tầng hầm trong lúc một cánh cửa thoát hiểm duy nhất đã bị khóa.

Lần lượt trả lời thẩm phán, hai bị cáo Nacer và Amirouche Boutrif đã kể lại câu chuyện mở quán bar nhỏ Le Cuba Libre trong khu phố. Người anh sang nhượng lại cơ sở kinh doanh này vào cuối năm 2003 và đến năm 2015 chuyển cho người em quản lý. 

Họ đã cải tạo tầng hầm thành vũ trường khoảng năm 2012, nhưng không hề xin phép chính quyền cũng như không thông báo gì với chủ cho thuê.

Bị cáo Nacer khai trước tòa: "Tầng hầm giống như một căn phòng bổ sung, chúng tôi chỉ tổ chức nhảy buổi tối có DJ vào cuối tuần". 

Nacer trốn tránh trách nhiệm: "Quả thật tôi đã giấu chuyện đó với chủ nhà bởi vì tôi được biết có thể bị chấm dứt hợp đồng hoặc tăng tiền thuê nhà nhưng với cảnh sát thì tôi đã nói thật". 

Bị cáo viện dẫn đã từng bị cảnh sát kiểm tra nhưng rồi cho qua và nhân viên DJ đã từng quảng cáo địa điểm vũ trường trên Facebook rồi biện bạch rằng "mọi người ai cũng biết chuyện đó".

Báo Le Parisien nhận xét quá trình thẩm vấn đã nêu bật bức tranh toàn cảnh về 13 năm kinh doanh cẩu thả của hai bị cáo. Điều quan tâm duy nhất đối với họ là giảm bớt tiếng ồn vì hàng xóm đã từng than phiền nhiều lần. 

Để giảm tiếng nhạc, họ đã sử dụng tấm thạch cao, bông thủy tinh và sau đó là các tấm mút xốp dễ cháy. Mỗi khi có tiền, Nacer lại đầu tư cải tạo mặt tiền, lắp cầu thang dốc dẫn từ tầng hầm hoặc ốp các tấm mút xốp.

Người em Amirouche giải thích hết sức ngây ngô: "Tôi không ý thức. Trong tâm trí tôi cứ tưởng đã làm đúng luật". 

Luật sư chất vấn có khi nào bị cáo nghĩ đến nguy cơ xảy ra hỏa hoạn hay chưa. Amirouche trả lời: "Không bao giờ! Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ xảy ra cháy. Nếu tôi biết, tôi đã đóng cửa".

Cuối cùng khi chủ tọa cao giọng, người anh Nacer thừa nhận "đã không tôn trọng các quy tắc". Luật sư bên nguyên cáo hỏi vặn: "Biết đó là trái phép nhưng vẫn tiếp tục làm vì tiền à?". Nacer chối: "Không phải vậy!". 

Luật sư hỏi tiếp: "Vậy tại sao lại có tấm biển "chỗ riêng tư" gắn trên cửa tầng hầm? Để tránh kiểm tra à?". Bị cáo biện bạch: "Không phải. Khi cảnh sát nói với tôi là không nên, tôi đã gỡ xuống. Tôi cam kết đóng cửa nhưng vì cảnh sát không quay lại nữa nên tôi nghĩ chắc chuyện không quá tệ...".

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 6: Hỏa hoạn, tội ác và trừng phạt - Ảnh 3.

Gia đình các nạn nhân tham dự phiên tòa năm 2019 - Ảnh: Twitter

Lần đầu tiên bồi thường thiệt hại về nỗi thống khổ

Chiều ngày 22-10-2019, thẩm phán phán quyết hai bị cáo Nacer và Amirouche đã cố tình vi phạm các quy định về an toàn dù không mong muốn hậu quả xảy ra, và chính hành vi không tuân thủ các quy tắc là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều nạn nhân. 

Hai bị cáo bị kết án mỗi người 5 năm tù, trong đó 2 năm được hưởng án treo, và bị cấm quản lý các cơ sở có chức năng đón tiếp công chúng. 

Đây là mức án cao nhất của tội danh vô ý làm chết người và vô ý gây thương tích có tình tiết tăng nặng theo bộ luật hình sự Pháp. Hai bị cáo không kháng án.

Vụ cháy quán bar Le Cuba Libre ở Rouen đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Pháp. Trung tuần tháng 12-2016, bà Juliette Méadel - quốc vụ khanh phụ trách công tác hỗ trợ các nạn nhân - đã thành lập một nhóm công tác gồm các chuyên gia, đại diện gia đình các nạn nhân và các bộ liên quan nhằm giúp đỡ gia đình các nạn nhân.

Theo đề nghị sau đó của nhóm công tác, cuối tháng 2-2017 bà đã ký thỏa thuận khung về bồi thường cho các nạn nhân vụ cháy nhằm bảo đảm bồi thường nhanh chóng và minh bạch. 

Thỏa thuận bồi thường đã được các bên công tố viên, công ty bảo hiểm và các luật sư ký kết với sự hiện diện của Hiệp hội Giúp đỡ các nạn nhân và thông tin về các vấn đề hình sự (AVIPP), Liên đoàn Hỗ trợ các nạn nhân và hòa giải quốc gia (INAVEM) và Liên đoàn Các nạn nhân tai nạn tập thể quốc gia (FENVAC).

Điều đặc biệt là trong các khoản bồi thường thiệt hại, thỏa thuận khung công nhận khoản bồi thường thiệt hại về nỗi thống khổ, tức công nhận nỗi đau khổ do ý thức về cái chết cận kề. 

Bà Juliette Méadel giải thích thiệt hại về nỗi thống khổ nghĩa là "khi bạn nhìn thấy cái chết đến trước mắt" vào lúc lửa hừng hực cháy và điều này đã tạo "cú sốc chấn thương tâm lý" đến mức cần được bồi thường. Đây là lần đầu tiên thiệt hại về nỗi thống khổ trong vụ hỏa hoạn được công nhận bồi thường.

Theo thỏa thuận khung, Công ty bảo hiểm AXA (đơn vị bảo hiểm cho quán bar) đã cam kết chi trả bồi thường các khoản thiệt hại được thẩm phán công nhận đồng thời thanh toán toàn bộ chi phí tang lễ. 

Thỏa thuận khung quy định công ty bảo hiểm sẽ chi trả một khoản tiền trên cơ sở các trường hợp hỏa hoạn thông thường đã xảy ra. Sau đó có hai cách, hoặc các gia đình chấp nhận số tiền này, hoặc họ không chấp nhận và vẫn được hưởng 80% số tiền được đề xuất. 

Đến khi quá trình tố tụng hình sự kết thúc, các gia đình có thể yêu cầu bồi thường đầy đủ.

Phải bồi thường

Theo Đài phát thanh France Bleu, trong phán quyết tháng 10-2019, tòa án hình sự thành phố Rouen công nhận các khoản tiền bồi thường cho nhiều thiệt hại khác nhau đã được hai bị cáo và Công ty bảo hiểm AXA chi trả cho gia đình các nạn nhân. Chỉ tính riêng số tiền bồi thường cho cha mẹ các nạn nhân đã lên đến gần 1,5 triệu euro.

---------------------

Cô sinh viên Cleo Soffia gia nhập đội tình nguyện viên cứu hỏa từ năm 15 tuổi. Ông Richard Greatorex bị cụt một tay nhưng vẫn tham gia chữa cháy. Họ cống hiến vì cộng đồng bất chấp hiểm nguy.

Kỳ tới: Sống chết với đam mê cứu hỏa

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 5: Hoàn chỉnh pháp luật ngăn ngừa hỏa hoạn Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 5: Hoàn chỉnh pháp luật ngăn ngừa hỏa hoạn

TTO - Các vụ cháy thảm khốc là lời cảnh tỉnh về vấn đề cần thiết phải thực thi nghiêm ngặt các quy tắc phòng cháy chữa cháy, đồng thời thúc đẩy thay đổi quy chuẩn trong phòng cháy chữa cháy và xây dựng.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên