08/02/2012 07:46 GMT+7

Bài học về giám sát

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Vụ ông Đào Văn Hưng, chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN (EVN), bị cho thôi chức cho thấy động thái quản lý tập đoàn, tổng công ty của Chính phủ đã có thay đổi sau vụ Vinashin. Tuy nhiên để quản lý tốt hơn tài sản nhà nước, khẳng định sự nghiêm minh, cần rà soát cơ chế, xem xét trách nhiệm và công khai việc xử lý lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn khác nếu cũng đầu tư thua lỗ...

Đầu tư thua lỗ, chủ tịch EVN mất chứcEVN chưa bổ nhiệm tân chủ tịch

Hiện quy mô của các tập đoàn ngày càng tăng và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này ngày càng có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, việc xử lý ngay những cán bộ điều hành yếu kém là cần thiết nhưng đồng thời cũng cần tạo mô hình quản lý, giám sát chặt chẽ hơn. Trách nhiệm cũng phải rõ ràng từng khâu, từ các bộ ngành quản lý tới bộ máy kiểm soát ngay trong chính các tập đoàn. Đơn cử vụ ông Đào Văn Hưng, cần xem xét EVN có xin thẩm định của các cơ quan nhà nước không, nếu có thì trách nhiệm của các cơ quan hữu quan thế nào? Đặc biệt, ngoài khâu đề ra chủ trương, cần xem cả trách nhiệm khâu thực hiện, tránh dồn trách nhiệm cho một người, để sự việc qua nhanh chóng, êm đềm.

Theo đánh giá của các bộ ngành tại hội nghị tổng kết mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cơ chế quản lý, điều hành ngay trong tập đoàn cũng còn bất cập. Như theo quy định, các tập đoàn phải có chức danh kiểm soát viên nhưng nhiều tập đoàn vẫn chưa có cán bộ này với lý do chưa có quy định về tiêu chuẩn lương thưởng, cơ chế hoạt động...

Kiểm soát nội bộ trong tập đoàn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp kịp thời ngăn chặn, hạn chế các rủi ro, sai sót trong kinh doanh nhưng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư, công tác kiểm soát nội bộ cũng chưa được chú trọng đúng mức.

Sự việc ông Đào Văn Hưng bị thôi chức cho thấy cần có cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm linh động và nhanh nhạy hơn. Để đến khi kết quả kinh doanh thấy rõ sự thua lỗ, khó có khả năng phục hồi mới xử lý cán bộ thì thiệt hại đã không nhỏ, việc giải quyết hậu quả cần nguồn lực kinh tế lớn hơn.

Rõ ràng việc cho thôi chức cán bộ, kể cả lãnh đạo tập đoàn có khuyết điểm, cần được coi là việc bình thường. Tuy nhiên, nó sẽ chỉ bình thường và mang tính răn đe, tăng được trách nhiệm khi những người mắc khuyết điểm đều bị xử lý hoặc xem xét xử lý công khai cho dư luận biết như vụ việc chủ tịch EVN.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên