04/04/2018 10:23 GMT+7

Bài học từ việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư

TS HOÀNG NGỌC VINH
TS HOÀNG NGỌC VINH

TTO - Sự không trung thực không chỉ gây ra tổn hại đối với hình ảnh giới trí thức mà còn làm xã hội mất lòng tin vào ngành giáo dục và những hệ lụy tiêu cực đến chất lượng giáo dục đại học và sau đại học.

Bài học từ việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 1.

Cuối cùng vụ lùm xùm về việc công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng đã ngã ngũ với 53 người được công nhận và 41 người chưa đủ điều kiện hoặc xin rút ra khỏi việc công nhận.

Những bài học nào ngành giáo dục cần bình tâm rút ra để mang lại hình ảnh và lòng tin trong xã hội vào giới trí thức nước nhà?

Bài học đầu tiên là bài học về đạo đức trung thực trong khoa học và trách nhiệm của các ứng viên, của mỗi cấp hội đồng, của cơ sở giáo dục đại học và của cơ quan quản lý nhà nước.

Trước hết chính các ứng cử viên tương lai cần rút kinh nghiệm cho bản thân về tiêu chuẩn trung thực trong khoa học.

Nếu trung thực với giá trị đích thực của mình, các ứng viên sẽ tự đánh giá công trình công bố, cũng như phẩm chất có đáng làm giáo sư hay phó giáo sư hay không để tránh cho bản thân và các hội đồng mất thời gian và những hệ lụy khác.

Chỉ cần ứng viên thiếu trung thực và lọt được vào danh sách công nhận đạt chuẩn, thì sau này chính những người đó sẽ lại tạo ra các tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân rởm trong tương lai.

Thanh tra vừa qua mới chỉ thanh tra hồ sơ kê khai đã phát hiện không ít hồ sơ bị "lỗi" kê khai, nếu thanh tra chuyên môn những công trình kê khai thì mấy ai dám chắc không còn có những hạt sạn trí trá của một số ứng viên nào đó.

Ở đây, thực tế kê khai thiếu giờ chuẩn hoặc công trình chỉ là một mặt của vấn đề mà điều đáng nói hơn là thuộc về phạm trù đạo đức của nhà khoa học và người thầy giáo.

Đối với mỗi cấp hội đồng rất cần trung thực, công tâm và có thái độ trách nhiệm với việc xem xét, đánh giá từng hồ sơ, đảm bảo kết luận khách quan nhất.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học lại càng cần phải trung thực trong xác nhận và chịu trách nhiệm với chữ ký xác nhận của mình. Những người có hành vi thiếu trung thực, vụ lợi trong xác nhận hồ sơ cũng cần phải được xử lý kỷ luật để làm gương cho người khác.

Sự không trung thực không chỉ gây ra tổn hại đối với hình ảnh giới trí thức mà còn làm xã hội mất lòng tin vào ngành giáo dục và những hệ lụy tiêu cực đến chất lượng giáo dục đại học và sau đại học.

Bài học thứ hai về công tác quản lý nhà nước. Quản lý hiệu quả đòi hỏi phải dùng cơ chế làm cho mọi hoạt động của từng hội đồng phải minh bạch, công khai trong việc công bố hồ sơ ứng viên, thành viên hội đồng, nhận xét đánh giá từ hội đồng cơ sở đến hội đồng cấp nhà nước.

Nếu sự công khai minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình của mỗi thành viên trong hội đồng được thực thi sẽ khó dẫn đến tình trạng thiên vị trong việc bỏ phiếu cũng như đánh giá.

Làm như vậy cũng là giữ uy tín cho chính các thành viên của hội đồng, để khỏi mang tiếng "đi đêm đi hôm" với các ứng viên và giữ uy tín cho ngành giáo dục.

Bài học nữa là về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý hồ sơ ứng viên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các khâu công việc từ việc đăng ký hồ sơ của ứng viên, xem xét đánh giá qua mạng, giảm bớt các giao dịch trực tiếp giữa ứng viên và các thành viên hội đồng.

Nhờ công khai, minh bạch hồ sơ ứng viên với các công trình nghiên cứu công bố, các đường link trích dẫn... khiến cho cả xã hội đều có thể giám sát và phá vỡ sự khép kín trong mỗi hội đồng như hiện nay.

TS HOÀNG NGỌC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên