19/11/2021 06:30 GMT+7

Bài học gì từ đợt dịch thứ 4 nhiều đau thương?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Đợt dịch thứ 4, đợt dịch lớn nhất, nhiều đau thương nhất kể từ đầu dịch COVID-19, khởi đầu bằng những dấu hiệu tưởng như rất vu vơ.Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ có những thời điểm ca tử vong tăng liên tục, ngỡ chừng bất lực...

Bài học gì từ đợt dịch thứ 4 nhiều đau thương? - Ảnh 1.

F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 1, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

1. Ngày 27-4, sau nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng, Yên Bái bất ngờ ghi nhận 1 người là lễ tân khách sạn lây nhiễm COVID-19 từ đoàn khách Ấn Độ cách ly tập trung tại đó. 

Trước đó vài ngày, một đoàn khách Trung Quốc cũng cách ly tại khách sạn này và đã về nước, 2 khách trong đoàn lây nhiễm COVID-19 nhưng khi hết cách ly đã di chuyển nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc...

Đợt dịch thứ 4 bùng phát.

2. Trả lời Tuổi Trẻ sau khi trở về từ TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ có những thời điểm ca tử vong tăng liên tục, căng thẳng cao độ, các ông tưởng như bất lực. Chủng virus gây đợt dịch này là chủng Delta, tần suất lây nhiễm tăng, số ca nặng cao hơn 234% so với chủng cũ, tỉ lệ tử vong cao hơn 132% so với chủng cũ.

Nhưng quan trọng hơn, phải thừa nhận đã có lúng túng trong giai đoạn đầu cao điểm của dịch. Tháng 7, khi Bộ Y tế đã có hướng dẫn cách ly tại nhà thí điểm cho Bắc Giang, Bắc Ninh và một số địa phương, các tỉnh thành dịch nặng nhất vẫn cách ly tập trung F1 khiến lây nhiễm trong khu cách ly tăng cao, có những ngày 1 khu cách ly ghi nhận gần 200 ca mới. 

Số ca mới tăng đồng nghĩa với số ca nặng tăng theo, hệ thống y tế không còn khả năng chống đỡ, tỉ lệ tử vong tăng lên.

"Một số bệnh viện còn lúng túng trong điều trị, chuyển viện, bác sĩ và điều dưỡng quá tải nên khó theo dõi, chăm sóc người bệnh. Trong khi đó số bệnh nhân lớn nên việc phân chia khoa điều trị, buồng bệnh chưa khoa học, thuận tiện cho chăm sóc bệnh nhân" - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nói trong buổi đánh giá nguyên nhân và tìm biện pháp giảm thiểu số ca tử vong.

3. Thời điểm số ca tử vong tăng cao, trong khi toàn quốc đang áp dụng mô hình tháp 3 tầng: bệnh nhân nhẹ, vừa và nặng thì TP.HCM áp dụng tháp 5 tầng, dẫn đến có những lúng túng khi chuyển viện. Đặc biệt nhiều tỉnh thành phía Nam thiếu bác sĩ hồi sức, có tỉnh chỉ có 4 bác sĩ chuyên khoa hồi sức, khi bệnh nhân nặng tăng không có nhân lực chăm sóc, điều trị.

Một bác sĩ tham gia đoàn chi viện chia sẻ có nơi 1 điều dưỡng chăm sóc 140 - 150 bệnh nhân, trong khi bệnh nhân cần hỗ trợ thở, cần cung cấp dinh dưỡng để tăng đề kháng. Nhưng với tỉ lệ điều dưỡng/bệnh nhân như trên, rất khó hỗ trợ. COVID-19 là bệnh lây, bệnh nhân vào bệnh viện không có người thân đi cùng để chăm sóc.

Một vấn đề nữa cũng làm gia tăng số mắc nhanh là lối sống và sinh hoạt của cư dân: phong tỏa "ngoài chặt trong lỏng", dân cư vẫn giao lưu và vẫn có lây nhiễm. Tỉ lệ người được tiêm vắc xin trong những ngày đầu tiên dịch nóng còn rất thấp vì lượng vắc xin ít ỏi. 

Mãi đến cuối tháng 7, nhờ ngoại giao vắc xin và các hợp đồng mua đến thời hạn nhận hàng, số lượng vắc xin về mới tăng lên. Cùng đó là mô hình "bệnh viện chị em", lập các trung tâm hồi sức COVID-19, chuyển hàng chục ngàn y bác sĩ từ mọi miền đến hỗ trợ vùng dịch phía Nam. 

Số mắc mới, số tử vong mỗi ngày đã giảm dần rồi nới giãn cách, trở lại "bình thường mới" thời gian gần đây.

4. Nhưng những thách thức không phải đã hết. Khi chúng ta tưởng niệm nạn nhân đã tử vong vì COVID-19 hôm nay, mỗi ngày hiện vẫn có gần 100 bệnh nhân nặng tử vong. So với cao điểm, số tử vong hằng ngày đã giảm 80%, nhưng nhiệm vụ của mỗi người dân là thực hiện hướng dẫn của ngành y tế, áp dụng 5K, đi tiêm vắc xin... để cùng với những giải pháp của Chính phủ, của Bộ Y tế, của các tỉnh thành phòng dịch tốt hơn, giảm thiểu tối đa số người tử vong vì COVID-19.

Tháng 1-2020, khi những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên xuất hiện và cả 3 đợt dịch đã trôi qua, ngay cả những người bi quan nhất cũng ít dám nghĩ đợt dịch thứ 4 lại nặng nề đến vậy. Và bây giờ, những ngày khó khăn chưa qua, chúng ta vẫn phải nỗ lực hằng ngày để những ngày không quên đã qua không quay lại lần nữa.

Bài học gì từ đợt dịch thứ 4 nhiều đau thương? - Ảnh 2.

* Cuộc chiến để lại nhiều bài học quý

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 là thách thức chưa từng có. Những đau thương, mất mát cũng chưa từng có. Thời điểm đó chúng tôi không còn đủ thời gian để hoang mang. Mỗi người một việc lao vào ngăn chặn những điều có thể xấu hơn xảy ra.

Rồi cuộc huy động lực lượng y tế cả nước chưa từng có trong lịch sử với hơn 80.000 người vừa điều trị, xét nghiệm, tiêm vắc xin cho người dân... Cuộc chiến để lại nhiều bài học quý về mặt chuyên môn, chiến thuật chống dịch.

Ông Tăng Chí Thượng (giám đốc Sở Y tế TP.HCM)

Điều đau xót nhất là chứng kiến bệnh nhân tử vong trước mắt mà mình bất lực. Chúng ta tổ chức lễ tưởng niệm cũng là để rút ra bài học trong cuộc chiến chống dịch vừa qua.

Tại TP.HCM ngay từ đầu dịch chúng ta cần có đủ oxy lỏng ở các tầng điều trị, đồng thời hình thành mô hình bệnh viện "2 trong 1" ở các quận, huyện. Cần tăng cường năng lực y tế cơ sở về kiến thức y học dự phòng, chuyên môn sơ cấp cứu ban đầu, tiêm chủng mở rộng, năng lực quản lý F1 và chăm sóc F0 tại nhà...

Đặc biệt cần ưu tiên chiến lược "đánh chặn từ xa", không chờ bệnh nhân trở nặng mới chuyển tuyến trên. Bởi lúc đó tỉ lệ cứu sống bệnh nhân rất thấp, chưa kể tốn kém nhân lực, vật lực rất lớn.

Ông Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy)

H.LỘC ghi

Giao thông đã trở lại bình thường

TP.HCM vừa cho phép xe ôm công nghệ hoạt động trở lại, vậy là các hoạt động giao thông đã gần như bình thường trở lại sau thời gian dài ảnh hưởng bởi COVID-19.

Cuối tháng 9-2021, khi TP.HCM chuẩn bị bình thường mới, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất cho người lao động đi làm hằng ngày giữa TP.HCM và 4 tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh để người lao động đi lại thuận lợi, góp phần khôi phục sản xuất; đồng thời tạo điều kiện cho người dân đi lại trong trường hợp cấp thiết như đón con, khám bệnh.

Tính đến nay các hoạt động vận tải xe khách, xe buýt... đã cơ bản khôi phục.

ĐỨC PHÚ

Động lực mãnh liệt thôi thúc chúng tôi sản xuất

Dù đã chủ động "học tập" những phương án mà các doanh nghiệp phía Bắc xử lý khi dịch COVID-19 bùng phát, nhưng đến khi phía Nam bắt đầu "lâm trận" thật sự với số ca lây nhiễm tăng rất mạnh, dẫn đến tình trạng giãn cách khốc liệt, chúng tôi đã rất lúng túng trước những tình huống thực tế xảy ra cho 1.500 công nhân ở 2 nhà máy chính đặt tại Long An và Bình Dương.

Chúng tôi chủ động sản xuất "3 tại chỗ" ngay từ đầu vì không thể để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản phẩm. Và quan trọng hơn: nếu chúng tôi ngưng sản xuất ngày nào thì người lao động sẽ không có thu nhập, hàng hóa đình trệ, dòng tiền tắc nghẽn, đưa đến nhiều hệ quả rất xấu mà không một doanh nghiệp nào muốn thấy.

Với các động lực mãnh liệt như vậy, chúng tôi đã nỗ lực hơn cả khả năng vốn có của mình để bảo vệ an toàn cho cả ngàn công nhân bằng các mũi vắc xin, chủ động phân loại F0, F1 ngay trong nhà máy khi phát hiện theo quy trình xử lý y tế đã được tập huấn.

Tất nhiên dù mọi thứ phát sinh đều tăng rất mạnh, đặc biệt là chi phí tổ chức sản xuất và đảm bảo các khoản phúc lợi để công nhân yên tâm ở lại nhà máy làm việc, nhưng nếu so với việc đóng cửa nhà máy, mất thị phần lẫn khách hàng, rõ ràng việc cần có một tâm thế chủ động sống chung với dịch bằng sự hiểu biết, bằng các khả năng xử lý thích ứng linh hoạt vẫn là giải pháp tối ưu.

Đại dịch cũng khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về việc cống hiến, đóng góp, chung tay vào các dự án phi lợi nhuận dành cho cộng đồng, người dân.

Đó cũng là trách nhiệm của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân khi chứng kiến nhiều tổn thất, mất mát mà COVID-19 gây ra, nhằm phần nào làm vơi đi những phận đời đã bị tổn thương, chia biệt đầy xót xa.

Ông Nguyễn Thanh Trung (chủ tịch HĐQT Tôn Đông Á)

T.V.NGHI ghi

TP.HCM cần lưu ý khả năng xuất hiện các biến thể mới của dịch COVID-19 TP.HCM cần lưu ý khả năng xuất hiện các biến thể mới của dịch COVID-19

TTO - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngành y tế TP.HCM cần tăng cường xét nghiệm điều tra dịch tễ cộng đồng ở những nơi nguy cơ cao như chợ truyền thống, trung tâm thương mại, trong đó cần chú ý sự xuất hiện các biến thể mới.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên