08/08/2018 11:50 GMT+7

Bài học 'đắt' từ việc cho không hình ảnh

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Hào hứng chụp ảnh chân dung miễn phí, để rồi hình ảnh đó được (hay bị) sử dụng trong nhiều mục đích thương mại khác nhau mà “khổ chủ” không hề hay biết. Đó là câu chuyện có thật đã xảy ra với cô gái người Nam Phi Shubnum Khan.

Bài học đắt từ việc cho không hình ảnh - Ảnh 1.

“Người mẫu bất đắc dĩ” Shubnum Khan trong bức ảnh do chính cô cung cấp cho báo chí

Dù không phải người mẫu quốc tế, nhưng chân dung của cô Khan (33 tuổi) đã xuất hiện đồng loạt trong nhiều mẩu quảng cáo của các cửa hàng McDonald ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, một trang web hẹn hò ở Pháp và cả chương trình du lịch ở Campuchia.

Cô còn là "mẫu chính" cho nhiều ngân hàng, phòng khám mắt, thậm chí poster quảng bá... chương trình nhập cư!

Trong hoàn cảnh khác, câu chuyện này đáng lẽ sẽ trở thành niềm tự hào với một cô gái trẻ như Khan. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là cô gái Nam Phi không hề biết chân dung mình được sử dụng với các mục đích trên, và tất nhiên cô cũng không nhận được một đồng bản quyền hình ảnh nào.

Tất cả xuất phát từ cái mà cô thừa nhận là "sai lầm ngu ngốc" cách đây 8 năm.

Cái thời được chụp ảnh đã vui

Trên Twitter cá nhân, cô Khan kể lại năm 2010 khi còn là sinh viên, cô đã cùng bạn bè tham gia dự án 100 chân dung miễn phí của một nhiếp ảnh gia. Quy trình rất đơn giản và nhanh gọn, "bạn ký một tờ giấy, bước vào chỗ chụp, tay nhiếp ảnh bảo cười lên đi" - Khan kể lại.

Người tham gia sẽ nhận được tấm ảnh của mình. Song điều Khan không biết, hay nói đúng hơn là vì không đọc kỹ nên cô bỏ qua những nội dung điều khoản trên đó mà không biết tờ giấy mình đã ký chính là thỏa thuận cho phép người chụp được toàn quyền sử dụng hình ảnh của cô.

Buổi chụp hình thời sinh viên nhanh chóng bị lãng quên cho đến năm 2012, khi một người bạn gửi cho Khan tờ quảng cáo có hình ảnh cô với nội dung quảng bá cho chương trình nhập cư ở Canada.

Sau đó, Khan bắt đầu tìm kiếm và phát hiện hình ảnh của mình ở khắp nơi, từ Mỹ, Anh, Brazil rồi đến Trung Quốc và Kenya.

Sau khi được bạn bè nhắc nhớ đến buổi chụp hình năm 2010, Khan liên hệ với nhiếp ảnh gia và người này cho biết chính cô đã ký đồng ý để anh được phép bán hình ảnh của cô cho các công ty chuyên cung cấp hình ảnh với mục đích thương mại.

Người chụp đồng ý gỡ bỏ hình ảnh của Khan ra khỏi trang web của anh. Còn cô gái Nam Phi, hiện là nhà văn sắp xuất bản quyển sách thứ hai, cho biết cô không trách gì nhiếp ảnh gia này.

"Tôi đã ký một văn bản mà không thèm đọc nó, thành ra tôi chỉ có thể tự trách mình" - Khan chia sẻ với Đài CNN (Mỹ).

Có lẽ vì hậu quả của sai lầm không quá lớn nên Khan đón nhận câu chuyện rất nhẹ nhàng, thậm chí còn thích thú khi gương mặt và quốc tịch Nam Phi của cô được dùng "linh hoạt" cho nhiều loại hình quảng cáo tại các quốc gia ở nhiều châu lục khác nhau.

Đọc trước khi ký

"Câu chuyện cảnh giác của Khan là minh chứng cho thấy các quyết định ta đưa ra chớp nhoáng có thể sẽ quay lại ám ảnh ta theo cách ta không bao giờ ngờ đến" - Đài CNN bình luận.

Bản thân "người mẫu ảnh bất đắc dĩ" cũng ngạc nhiên khi câu chuyện cô chia sẻ trên Twitter lại lan nhanh và được truyền thông thế giới chú ý.

Khan hi vọng câu chuyện của cô sẽ là lời cảnh tỉnh với người khác. "Hãy đọc những gì bạn ký và đừng tin vào phần lớn những gì bạn đọc trên mạng" - cô khuyên. Bài học lớn nhất, theo cô, là "đừng tham gia những buổi chụp ảnh miễn phí".

"Bạn nghĩ chuyện đâu có gì to tát, nhưng bạn có thể sẽ ký giấy đồng ý "cho không" gương mặt của mình như tôi đã làm" - Khan nói.

Điều khiến Khan không hài lòng là các nhà quảng cáo sử dụng hình ảnh của cô để làm giả phần "ý kiến khách hàng" cho sản phẩm của họ.

"Tôi không rõ việc làm giả những ý kiến này có phạm pháp không, nhưng việc này giúp tôi nhận ra các công ty đã lừa dối khách hàng như thế nào" - Khan chia sẻ việc hình ảnh cô tươi cười nói tốt về một sản phẩm mà cô chưa từng sử dụng.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên