21/10/2023 11:14 GMT+7

Bài báo khoa học được thưởng 35 triệu đồng bị tạp chí quốc tế rút lại

Một bài báo quốc tế của TS Huỳnh Văn Tiến - phó trưởng khoa công nghệ hóa học Trường đại học Công Thương TP.HCM - là tác giả đầu và các đồng tác giả Việt Nam bị rút lại. Trước đó, tác giả bài báo này được trường thưởng 35 triệu đồng.

Trường đại học Công Thương TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trường đại học Công Thương TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nhóm tác giả "rất tiếc về sự bất cẩn này và xin lỗi"

Tạp chí RSC Advances công bố rút lại bài báo khoa học có tên "New synthesis of 2-aroylbenzothiazoles via metal-free domino transformations of anilines, acetophenones, and elemental sulfur" của một nhóm tác giả Việt Nam, xuất bản ngày 14-5-2020.

Nhóm tác giả bài báo này gồm bảy người, trong đó TS Huỳnh Văn Tiến - phó trưởng khoa công nghệ hóa học Trường đại học Công Thương TP.HCM - là tác giả đầu và GS.TS Phan Thanh Sơn Nam - Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - là tác giả cuối, đồng thời là tác giả liên hệ.

Theo thông tin từ tạp chí, năm người trong nhóm tác giả, trong đó có Huỳnh Văn Tiến và Phan Thanh Sơn Nam xin rút lại toàn bộ bài viết này do kết quả không lặp lại được. Trong khi hai tác giả còn lại đã được thông báo về việc rút lại bài viết nhưng không phản hồi. 

Kết quả không lặp lại được cụ thể: "Không thể lặp lại các kết quả trong bảng 2 (sự tổng hợp các hợp chất 3aa–3df) khi sử dụng thuốc thử và dung môi mới mở. Có thể lý giải rằng các thuốc thử được báo cáo đã bị nhiễm tạp chất không xác định, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho phản ứng".

Các tác giả liên hệ rất tiếc về sự bất cẩn này và xin lỗi vì bất kỳ phiền phức nào đã gây ra cho độc giả.

Việc rút bài được xác nhận bởi Laura Fisher, biên tập viên điều hành RSC Advances.

Các tác giả không báo cáo với nhà trường việc rút lại bài báo

Liên quan đến việc rút lại bài báo này, một nhà khoa học đang làm việc tại Pháp cho biết nhóm tác giả bài báo trên đoán nguyên nhân khiến kết quả không lặp lại được có thể do hóa chất bị nhiễm bẩn. 

Đây là sai sót không cố ý. Nhiều nhóm khác khi phát hiện kết quả không lặp lại được, họ thường không làm gì cả vì xác suất bị phát hiện sai sót là thấp.

Việc chủ động rút bài sẽ tránh được rủi ro sau này có người khác phát hiện ra kết quả không lặp lại thì bài báo sẽ bị tạp chí gỡ chứ nhóm tác giả không còn cơ hội tự rút bài nữa.

"Tuy nhiên, nếu nhìn vào toàn bộ nghiên cứu của nhóm ông Phan Thanh Sơn Nam, việc tự rút bài này có thể cho thấy hoạt động nghiên cứu trong nhóm của ông ấy cần được điều chỉnh và quản lý tốt hơn. Đã có hơn 10 bài báo của ông Nam và cộng sự phải chỉnh sửa sau khi công bố do sai sót.

Nhiều bài báo khác của nhóm này cũng bị đặt nghi vấn trên PubPeer (trang web phi lợi nhuận cho phép người dùng thảo luận và đánh giá các nghiên cứu khoa học sau khi xuất bản)", vị này cho biết thêm.

Tuổi Trẻ Online đã nhiều lần liên hệ với ông Huỳnh Văn Tiến và ông Phan Thanh Sơn Nam bằng nhiều cách khác nhau nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công Thương TP.HCM, nhà trường hoàn toàn không biết thông tin việc bài báo khoa học trên của ông Huỳnh Văn Tiến cùng các cộng sự bị rút lại.

"Nhóm nghiên cứu chưa có báo cáo việc này với nhà trường. Theo thông tin từ Phòng khoa học công nghệ nhà trường, bài báo khoa học trên của thầy Huỳnh Văn Tiến được xuất bản từ năm 2020. Giảng viên có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế SCI-E theo quy định của trường được thưởng 35 triệu đồng/bài.

Việc bài báo quốc tế của giảng viên bị rút là ở trường chúng tôi chưa có tiền lệ. Nhà trường sẽ họp hội đồng khoa học để xem xét và có quyết định thu hồi tiền thưởng", ông Sơn cho hay.

Bài báo trên không có trong danh sách sản phẩm nghiệm thu

PGS.TS Bùi Mai Hương - trưởng phòng quản trị thương hiệu - truyền thông Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho hay GS Phan Thanh Sơn Nam hiện đang đi nghiên cứu với vai trò là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sydney, Úc. Hiện nhà trường chưa liên hệ được với ông Nam.

Liên quan tới thông tin Đại học Quốc gia TP.HCM có hỗ trợ tài chính thông qua dự án số NCM2019-20-01 được nhóm tác giả ghi trong bài báo khoa học bị rút lại trên, bà Hương cho biết: "Khi nghiệm thu khối lượng đề tài năm 2020 do hội đồng thông qua, bài báo trên không có trong danh sách sản phẩm nghiệm thu. Trước đó nhóm tác giả có đăng ký bài báo này, tuy nhiên sản phẩm nghiệm thu thì không có".

Trong khi đó, PGS.TS Lâm Quang Vinh - trưởng Ban Khoa học và Công nghệ Đại học Quốc gia TP.HCM, cho hay: "Đến nay GS Phan Thanh Sơn Nam chưa hề báo cáo gì về vụ việc này với Ban Khoa học và Công nghệ.

Việc bài báo này có được Đại học Quốc gia TP.HCM tài trợ kinh phí hay không chúng tôi sẽ kiểm tra lại".

Nhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị tố gian dốiNhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị tố gian dối

Sau khi Hội đồng giáo sư (GS) nhà nước công bố danh sách 695 ứng viên được hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023, giới khoa học tố nhiều ứng viên có biểu hiện khai gian dối thông tin về bài báo quốc tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên