21/02/2017 10:42 GMT+7

'Bác sĩ nhi đồng' vào bài làm văn của học sinh lớp 3

NHẬT HUY
NHẬT HUY

TTO - “Dáng bác hơi tròn, phúc hậu, mắt bác to và sáng, với mái tóc xoăn bồng bềnh khiến bác trông giống một thi sĩ hơn là một bác sĩ”.

Bài văn tả bác sĩ Trương Hữu Khanh của bé Nguyễn Đăng Tiến

Đó là một đoạn trong bài văn của một học sinh lớp 3 tả bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.

Sẽ sống và làm việc như bác sĩ

Với đề bài “Kể về một người lao động trí óc”, cậu học sinh Nguyễn Đăng Tiến, lớp 3C, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, huyện Hóc Môn, TP.HCM, đã trút tình cảm, sự ngưỡng mộ, yêu quý của mình đối với vị bác sĩ bằng những câu chữ mộc mạc.

“Bác là người có đức tính cao quý như hiền lành, tốt bụng, thẳng tính, giỏi chuyên môn và tâm huyết với nghề. Mỗi ngày bác rất bận rộn với công việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhi, thỉnh thoảng lại phải đi công tác. Tuy công việc rất bận rộn nhưng bác không quên dành thời gian trả lời tư vấn giải đáp thắc mắc miễn phí của các ông bố bà mẹ về các bệnh trẻ thường gặp” - Đăng Tiến viết trong bài văn.

Những công việc xã hội từ thiện của bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng được cậu học sinh nhắc tới với sự trân trọng: “Bác còn tự bỏ tiền túi ra xây nhà vệ sinh cho học sinh vùng cao. Với một tâm thiện và trí tuệ giỏi giang, bác Khanh luôn nêu cao y đức cao quý của một người bác sĩ”.

Đăng Tiến kết thúc bài văn của mình bằng tình cảm đối với bác sĩ và quyết tâm học tập, làm việc như bác Khanh: “Với bí danh là “Bác sĩ mê con nít” trên tờ báo Nhi Đồng mà mỗi tuần em đều đọc và làm theo những lời bác dặn dò. Em rất yêu quý và tự hào về bác, em sẽ cố gắng học giỏi để sau này được sống và làm việc có ích như bác Khanh “.

Tác giả bài văn, bé Nguyễn Đăng Tiến cho biết bé thần tượng bác sĩ Khanh từ nhỏ, khi được ông khám và chữa lành bệnh tay chân miệng. Từ đó, bé bí mật “theo dõi” bác Khanh trên ti vi, báo, đài và cả Facebook của ba mẹ.

Dần dần, Tiến mê và mơ ước sau này sẽ trở thành bác sĩ như bác Khanh. Ở nhà bé có nguyên cả hộp đồ nghề y to đùng, thỉnh thoảng đưa ra hành nghề, dù là chỉ được chích thuốc cho mấy con gấu bông cũng đeo găng tay rất chuyên nghiệp.

“Thấy vui”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, người được coi là một trong những bác sĩ nhi nhiễm hàng đầu của Việt Nam hiện nay, cho hay tối 20-2, ông nhận được bài văn này từ một vị phụ huynh gởi đến fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng”.

“Một phụ huynh gởi qua tin nhắn trên fanpage, không biết bé mấy tuổi, ở đâu. Thấy cũng vui, nhất là chuyện bé nhắc đến “nick” của tôi trên báo Nhi đồng và quyết tâm sẽ làm theo những gì bác nói trên báo” - bác sĩ Khanh tiết lộ xuất xứ của bài văn đang làm xôn xao cộng đồng mạng, nhất là thời điểm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 đang đến gần.

Kể về việc phụ huynh đã gởi hình ảnh chụp bài văn, vị bác sĩ có hơn 30 năm làm việc tại khoa Nhiễm, khoa được coi là tiền phương của các bệnh dịch phổ biến ở trẻ, lần tìm lại tin nhắn. Phải mất hơn 30 phút ông mới “moi” ra được tin nhắn đó trong đống tin nhắn lên tới con số hàng trăm gởi về fanpage mỗi ngày.

Kèm theo 2 tấm hình chụp bài văn là câu chúc: “Chúc Bác có tuần làm việc mới thật vui vẻ hạnh phúc nhé, con trai tả Bác Khanh mà viết chữ xấu quá, hi hi”!

Bác sĩ Khanh cho biết cách đây hai năm ông mở fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” sau hơn 20 năm duy trì “phòng mạch 15.000” ở Hóc Môn, TP.HCM, như một sự tri ân nơi mình sinh ra và lớn lên. Sở dĩ có tên “phòng mạch 15.000” là vì trong mấy chục năm, tiền khám và tiền thuốc cho mỗi bệnh nhi tới khám vẫn chỉ là 15.000.

“Khi quyết định dừng phòng mạch, tôi gặp không ít thách thức, mà lớn nhất là tình cảm của phụ huynh và tụi nhỏ ở quê” - ông nói.

Đó là chưa kể “ca khó” là má ông, năm nay ngoài 90 tuổi, từ lâu đã coi phòng mạch là niềm vui, niềm tự hào mà con trai bà làm được cho quê hương, cũng là cách ông báo hiếu mẹ.

“Tôi dừng phòng mạch nhưng không dừng giúp đỡ bệnh nhân. Tôi sẽ báo hiếu mẹ trên… facebook”- bác sĩ Khanh quả quyết với cách nói rất… công dân mạng.

Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng”, điểm đến của nhiều phụ huynh trong và ngoài nước - Ảnh chụp màn hình

Nói là làm, ngay lập tức ông mở blog “Hỏi bác sĩ nhi đồng”, tư vấn miễn phí về các bệnh của trẻ, cách chăm sóc trẻ, tâm lý trẻ em... Hoạt động rộn ràng được chừng vài tháng thì nhiều hãng dược tìm đến (xin đăng quảng cáo), tin tặc “hỏi thăm”, và đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều trang “Hỏi bác sĩ nhi đồng” khác, na ná như trang của ông, cũng lấy hình ông đang khám bệnh làm hình đại diện. 

“Làm việc tốt nhiều khi cũng khó á” – đây là tiếng thở dài hiếm hoi ở vị bác sĩ có tiếng là “đầy lửa” cả trong công việc lẫn cuộc sống. “Chỉ riêng việc từ chối các hãng dược, các nhà sản xuất đồ dùng cho trẻ cũng đủ mệt rồi” - ông tâm sự.

Nhờ sự trợ giúp của cộng đồng, trang web “Hỏi bác sĩ nhi đồng” khá bài bản, chuyên nghiệp được lập ra với một ê kíp tình nguyện viên chăm chút, phát triển.

Ngoài ra, ông mở fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” trên facebook, mỗi ngày nhận hàng trăm tin nhắn, câu hỏi từ phụ huynh trong và ngoài nước. Bác sĩ Khanh cho biết mỗi ngày trung bình ông làm việc chừng 4-6 tiếng tại “phòng mạch online”, trong đó chừng 2 tiếng đầu giờ sáng, còn lại thì chiều tối và mang theo ipad rảnh thì trả lời.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (giữa) trong lần lên huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, xây nhà vệ sinh cho học sinh tiểu học - Ảnh: Lâm Thiên

Nói về chi tiết “bỏ tiền xây nhà vệ sinh cho trẻ vùng cao” mà bé Tiến viết trong bài văn, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay thực tế còn rất nhiều trường học không chú ý tới khâu vệ sinh, không ít trường xây nhà thiệt to, cổng hoành tráng, thiết bị học tập hiện đại nhưng nhà vệ sinh thì xập xệ, dơ dáy, thiếu nước, thiếu an toàn… Là bác sĩ nhiễm, ông biết nhiều bệnh tật sẽ phát sinh từ một việc nhỏ mà không nhỏ này.

“Tôi có dư chút đỉnh, không làm gì nên cùng với báo Tuổi Trẻ tìm đến các trường khó khăn, vùng sâu, vùng xa để xây giúp nhà vệ sinh, một phần để giải quyết cho các cháu việc quan trọng, phần nữa là để cùng xã hội chung tay tăng cường nhận thức, thay đổi hành động” - bác sĩ Khanh nói.

Cho đến nay, ông đã bỏ tiền túi hơn 100 triệu đồng để xây ba nhà vệ sinh ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Thời gian tới, nhiều nhà vệ sinh tương tự cũng sẽ được xây dựng vì như ông cho biết “ngoài tiền túi thì một số mạnh thường quân cũng đã ngỏ lời đồng hành trong công việc ý nghĩa này”.

Chị Võ Thái Vân, Hóc Môn, TP.HCM, mẹ bé Nguyễn Đăng Tiến:

Thần tượng bác Khanh

Nhà mình ở Hóc Môn. Lúc nhỏ Tiến bệnh suốt, con đường từ nhà tới phòng khám của bác sĩ Trương Hữu Khanh ở Hóc Môn đã trở thành quen thuộc.

Có lần bé bị tay chân miệng, uống thuốc của bác chỉ hai liều là hết luôn, gia đình mang ơn bác nhiều lắm.

Trong vùng ai bị ban đào, bệnh nhiễm mà vô tay bác Khanh thì khỏi lo.

Bác trở thành thần tượng của đại gia đình và xóm nhỏ nhà mình.

Gần đây, bác đóng cửa phòng khám, mỗi lần đi ngang qua đó, không ai bảo ai, cả nhà đều nhớ lại những kỷ niệm lúc con nhỏ trời nắng trời mưa đưa con đi khám ra sao…

NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên