Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn - chuyên gia hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Bác sĩ Tuấn cung cấp
Khoảng vài tuần nay, điện thoại của bác sĩ Đặng Thanh Tuấn - chuyên gia hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - liên tục nhận cuộc gọi nhờ tư vấn của các học trò từ khắp nơi đang tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Trên Messenger, tin nhắn cũng "dội" về liên tục, hỏi ông về các "thủ thuật" điều trị hồi sức cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang thở máy.
Bác sĩ Tuấn được đánh giá là chuyên gia hồi sức nhi giàu kinh nghiệm ở Việt Nam hiện nay, đang công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
"Trong đợt dịch này có rất nhiều học trò của tôi, đều là các bác sĩ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, được phân công điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Trong phòng hồi sức, mỗi lần đứng trước tình huống phức tạp các em rất lúng túng và gọi điện hỏi tôi. Do quá nhiều em hỏi nên tôi quyết định mở lớp online để phổ biến, hỗ trợ các em làm nhiệm vụ" - bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn đang online dạy các bác sĩ trẻ điều chỉnh máy thở trong điều trị hồi sức cho bệnh nhân mắc COVID-19 - Ảnh: Bác sĩ Tuấn cung cấp
Bác sĩ Tuấn cho biết qua hai lần tổ chức dạy trực tuyến đã có khoảng 1.200 nhân viên y tế tham gia. Điều này cho thấy nhu cầu cập nhật kiến thức hồi sức khi chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 của nhân viên y tế hiện nay rất lớn.
Trong số những nhân viên này, có cả những người ở Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang), Khánh Hòa, Phú Yên… Và thường sẽ "hỏi đủ thứ" từ cấu tạo máy, lắp ráp, cài đặt; điều chỉnh các thông số như FIO2 (phân lượng oxy hít vào), thể tích khí lưu thông, áp lực đường thở…
"Có những nhân viên y tế ở các khoa khác chưa bao giờ sử dụng máy thở, khi được điều động tham gia hồi sức cho bệnh nhân mắc COVID-19 họ rất sợ. Do đó ngoài giảng lý thuyết trên mạng, tôi có nói với các bạn nếu trong quá trình điều trị có gì thắc mắc có thể hỏi bất cứ lúc nào, dù ngày hay đêm", bác sĩ Tuấn nói.
Một tin nhắn của học trò nhắn hỏi bác sĩ Tuấn một số thắc mắc khi vận hành máy thở bị trục trặc - Ảnh: Bác sĩ Tuấn cung cấp
Trước số ca mắc ngày một tăng, gây áp lực lên khối điều trị, đặc biệt là các bệnh nhân nặng cần phải thở máy, bác sĩ Tuấn cho rằng TP.HCM cần thành lập một trung tâm điều phối hồi sức về thở máy, sốc huyết, suy tim, ECMO, lọc máu… để kịp thời xử lý diến tiễn của người bệnh. Nhóm này hoạt động online và chỉ cần có ca bệnh bất thường là tiến hành hội chẩn.
"Chỉ cần thông qua camera, các chuyên gia có thể "bắt bệnh" yêu cầu nhân viên y tế hút đàm, xoay bệnh nhân hoặc điều chỉnh máy một chút là có thể cứu sống được bệnh nhân", bác sĩ Tuấn đề xuất.
TP.HCM vượt ngưỡng 17.000 ca mắc COVID-19
Bản tin sáng 14-7 của Bộ Y tế cho biết trong 12 giờ qua, cả nước ghi nhận 905 ca COVID-19 trong nước. TP.HCM vẫn là địa phương có số ca mắc cao nhất với 666 ca, nâng tổng số ca mắc từ ngày 27-4 đến nay là 17.239 ca.
Với số ca mắc ngày một tăng cao, TP.HCM đang chịu sức ép về chăm sóc điều trị bệnh nhân, đặc biệt là các ca nặng, nguy kịch.
Để giảm tải điều trị, Bộ Y tế chính thức cho phép TP.HCM thí điểm bệnh nhân COVID-19 (F0) không triệu chứng là nhân viên y tế được cách ly tại nhà và tự theo dõi, báo cáo sức khỏe hằng ngày.
Với F0 khác đang điều trị tại bệnh viện nhưng nếu tải lượng virus qua xét nghiệm ngày thứ 10 thấp, không còn khả năng lây nhiễm cũng được chuyển về cách ly tại nhà, tiếp tục xét nghiệm vào ngày thứ 14 và 21.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận