27/02/2023 09:11 GMT+7

Bác sĩ giúp hàng ngàn bệnh nhân giảm nhẹ nỗi đau

Hơn 30 năm làm việc tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc bệnh viện này, đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân ung thư.

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh tặng quà cho bệnh nhi - Ảnh: H.D

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh tặng quà cho bệnh nhi - Ảnh: H.D

Điều mà TS Quốc Thịnh luôn tâm niệm là làm sao ngày càng giảm nhẹ được nỗi đau cho bệnh nhân và có nhiều bác sĩ thấu hiểu được nỗi đau của người bệnh.

Niềm vui của người bác sĩ chính là nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân, giúp bệnh nhân có cuộc sống hạnh phúc sau này.

Bác sĩ QUỐC THỊNH

Thương ba, con chọn ngành y!

Sinh ra trong một gia đình nghèo có tám anh chị em, ba mẹ bươn chải cuộc sống, phải làm việc vất vả đến tận khuya, cậu bé Thịnh ngày đó luôn cố gắng học tập để "thoát" khỏi cảnh nghèo khó. Từ nhỏ, cậu bé Thịnh đã phụ giúp gia đình nhiều công việc như đan lát, buôn bán những dụng cụ lặt vặt ngoài chợ...

Nhiều lần học bài đến nửa đêm và chứng kiến ba bị bệnh suyễn hành hạ, cậu bé Thịnh thấy "thương ba lắm" nhưng không biết làm thế nào để giúp ba... Ước mơ trở thành bác sĩ dần hình thành từ những lần thương ba như thế! Năm 18 tuổi (năm 1981), bác sĩ Thịnh bây giờ là một trong năm người thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao nhất của Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM).

Với điểm thi vào Trường đại học Y Dược TP.HCM đạt 27/30 điểm, ông cũng là một trong năm người đỗ đầu của Trường đại học Y Dược TP.HCM năm ấy.

Năm 1989, ông về Bệnh viện Ung bướu làm việc và gắn bó với bệnh viện suốt từ lúc mới ra trường đến nay. Lúc đó, bệnh viện mới thành lập được bốn năm, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thuốc men thiếu thốn... Điều trị cho bệnh nhân trong hoàn cảnh như vậy, bác sĩ càng thương yêu bệnh nhân.

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh

Cố gắng hết mình

Ba năm đầu về công tác tại bệnh viện, bác sĩ Thịnh được luân chuyển khoa từ hóa trị, phẫu thuật đến xạ trị. Cuối cùng, ông được phân công về khoa xạ trị vì cần đào tạo bác sĩ để phát triển chuyên ngành mới. Dù nhận nhiệm vụ nào, bác sĩ cũng luôn cố gắng, chăm chỉ, học hỏi, tìm tòi những kiến thức mới trong chuyên ngành.

Ông luôn quan niệm "bác sĩ phải thấu hiểu được nỗi đau của bệnh nhân. Ngoài thấu hiểu, bác sĩ cần phải có chuyên môn thật tốt để giúp người bệnh điều trị hiệu quả nhất".

Năm 1994, ông được ban giám đốc định hướng cho đi tu nghiệp tại Pháp vì có nhiều suất học bổng cho ngành y ở Pháp. Tuy nhiên, ông lại không biết tiếng Pháp, quá trình học trước đó ông chỉ tham khảo tài liệu bằng tiếng Anh. Nhưng với mục tiêu có thể học hỏi được chuyên ngành xạ trị tốt, chỉ sau một năm đi học tiếng Pháp, ông đã sử dụng được tiếng Pháp. Sau đó, ông qua Pháp học chuyên về xạ trị trong một năm rưỡi.

"Hiện nay Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tự hào là một trong những trung tâm xạ trị làm được nhiều kỹ thuật cao cấp như xạ phẫu, xạ trị điều biến liều...", TS Quốc Thịnh vui vẻ nói.

Sau này khi lên vị trí phó giám đốc bệnh viện, bác sĩ Quốc Thịnh đã tạo mối quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế để đưa nhiều bác sĩ trong bệnh viện đi đào tạo ở Pháp, Nhật, Hàn Quốc...

Bác sĩ phải biết đau với nỗi đau của bệnh nhân

"Bất cứ một bệnh nhân nào mới nghe tin mắc bệnh ung thư đều cảm thấy suy sụp, đau đớn. Bác sĩ phải hiểu nỗi đau của bệnh nhân, để giúp bệnh nhân chia sẻ được nỗi đau này", bác sĩ Quốc Thịnh trầm tư nói.

Khi tiếp xúc với bệnh nhân, ông luôn có cảm nhận của riêng mình với từng bệnh nhân. Ông luôn nhìn bệnh nhân với ánh mắt chia sẻ, có thể vỗ vai bệnh nhân hoặc với cử chỉ thân mật như nắm bàn tay bệnh nhân để thông báo những tin xấu. Nhưng thường với những trường hợp nặng, khó điều trị, ông không giải thích trực diện cho bệnh nhân mà sẽ mời người nhà lên trao đổi để sau này người nhà chia sẻ từng chút một với bệnh nhân...

"Sở dĩ có nhiều bệnh nhân phản ứng, bức xúc với bác sĩ, nhân viên y tế là do nhìn thấy thái độ hoặc cách giải thích không chứa đựng bên trong đó một cảm xúc, sự chia sẻ với bệnh nhân", bác sĩ Quốc Thịnh nhận định.

Vì thương yêu và thấu hiểu được nỗi đau của bệnh nhân, ông là một trong những người tiên phong xây dựng khoa chăm sóc giảm nhẹ tại Bệnh viện Ung bướu. Nhờ có nhiều cơ duyên làm việc với các đồng nghiệp Trường đại học Harvard, bác sĩ Quốc Thịnh dần học hỏi rồi hình thành khoa chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh viện vào năm 2011 để chăm sóc cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

"Trước đây, khi các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị thất bại, bệnh nhân được trả về, phải tự xoay xở, phải chịu đựng chứ không ai kiểm soát đau cho người bệnh.

Trong khi có đến 85% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đều bị đau. Như vậy, không có khoa chăm sóc giảm nhẹ là bị khiếm khuyết trong cách điều trị ung thư" - bác sĩ Quốc Thịnh nhấn mạnh.

Sau đó, bác sĩ Quốc Thịnh còn đề xuất mở bộ môn chăm sóc giảm nhẹ (năm 2018) cho Trường đại học Y Dược TP.HCM để không chỉ các bác sĩ điều trị bệnh ung thư mà bác sĩ các chuyên khoa khác nữa cũng có thể giảm nhẹ nỗi đau cho bệnh nhân. Hiện chủ nhiệm danh dự của bộ môn này là giáo sư Eric Krakauer (Trường đại học Harvard) - người đã giúp Việt Nam nhiều về chăm sóc giảm nhẹ, còn bác sĩ Quốc Thịnh là phó bộ môn nhưng điều hành bộ môn này...

Bác sĩ Quốc Thịnh cũng thành lập Hội Y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam và cũng là chủ tịch hội này.

Niềm vui của bác sĩ chính là nụ cười của bệnh nhân

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu, anh chứng kiến nhiều bệnh nhân đau và chết trước mặt mà không làm được gì như bệnh nhân ung thư bị xuất huyết ồ ạt, bệnh nhân suy kiệt dần mòn và chết... Là một bác sĩ, anh luôn cố gắng làm mọi điều tốt nhất cho người bệnh.

Bác sĩ Quốc Thịnh vẫn nhớ mãi trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị H., 16 tuổi, ngụ ở tỉnh Đắk Lắk năm ấy. Cô gái có gương mặt xinh xắn này đến Bệnh viện Ung bướu điều trị bệnh ung thư phần mềm (Sarcoma).

Cô gái trẻ đã được phẫu thuật và bác sĩ Quốc Thịnh đã xạ trị vào vùng mổ cho cô. Sức khỏe cô ổn định và được xuất viện. Hai năm sau, cô quay lại bệnh viện với tình trạng hai chân bị yếu, không đi được do bị di căn xương.

Lúc này, bác sĩ Quốc Thịnh đã đi học ở Pháp về. Ông biết di căn xương phải xạ trị nhanh, sớm cho bệnh nhân. Ông đã trực tiếp xạ trị vào vùng di căn, giúp cô hết đau. Cô đi lại được và được xuất viện.

14 năm sau, cô quay lại bệnh viện không vì đi điều trị mà tìm thăm ông. Cô cười thật tươi khoe với ông rằng cô đã có một gia đình hạnh phúc và đã có hai con.

Bác sĩ nhìn bệnh nhân của mình cười và kể về gia đình, một cảm xúc hạnh phúc đến với ông thật bất ngờ! Điều trị cho người mắc bệnh ung thư đúng là khó khăn, nhưng bác sĩ cứ tìm mọi cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và vẫn có những trường hợp may mắn như cô gái đó.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Diễm (trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Phong cách làm việc chuyên nghiệp nhưng rất tinh tế và gần gũi

Tôi đã được làm việc với TS Quốc Thịnh gần 20 năm. Anh là một người có phong cách làm việc quy chuẩn, tư duy nhạy bén, phù hợp với thực tiễn.

Trong công việc anh rất quyết liệt, nghiêm khắc, nói được làm được và có lối sống giản dị, hòa đồng, lắng nghe và chia sẻ với đồng nghiệp.

Đối với bệnh nhân, anh là người thầy thuốc rất nhiệt tình, đau cùng nỗi đau của bệnh nhân.

Trong nhiều năm, bác sĩ Quốc Thịnh cùng con gái (cũng theo nghề y) hay đến khoa nhi của bệnh viện thăm, động viên, tặng tiền và quà cho nhiều cháu bé mắc bệnh ung thư nằm điều trị tại đây.

Gầy dựng tinh thần y khoa dấn thânGầy dựng tinh thần y khoa dấn thân

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín được đồng nghiệp yêu thương gọi là "bàn tay vàng" trong giới can thiệp tim bẩm sinh, một trong những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực này ở tầm châu lục và thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên