25/02/2023 09:28 GMT+7

Gầy dựng tinh thần y khoa dấn thân

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín được đồng nghiệp yêu thương gọi là "bàn tay vàng" trong giới can thiệp tim bẩm sinh, một trong những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực này ở tầm châu lục và thế giới.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín

Những ngày này, khi nhiều người làm nghề y ngập tràn trong hoa và những lời tôn vinh nhân ngày 27-2, người bác sĩ đó lại đang cùng các cộng sự trẻ và học trò có mặt tại vùng sâu vùng xa Phú Yên, Khánh Hòa để tầm soát, khám tim miễn phí cho trẻ em và người nghèo. 

Đây là công việc ông "bắt" mình phải làm thường xuyên để gầy dựng cho bác sĩ trẻ cái mà ông gọi là "tinh thần y khoa dấn thân".

Đây là công việc ông "bắt" mình phải làm thường xuyên để gầy dựng cho bác sĩ trẻ cái mà ông gọi là "tinh thần y khoa dấn thân".

Ông là tiến sĩ, bác sĩ ĐỖ NGUYÊN TÍN - chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM, trưởng đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM. 

Trải lòng với Tuổi Trẻ về nghề y và đào tạo bác sĩ y khoa, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín khẳng định: "Làm ngành y có đặc tính gọi là đặc tính y khoa, đó chính là sự dấn thân. Cùng một tình huống, có người thấy cực khổ, nguy cơ lây nhiễm cao thì ngại, không muốn làm nhưng có người sẽ xông xáo đưa bệnh nhân vào phòng mổ, có thể máu me dính vô cũng được, miễn là cứu được người bệnh thì thấy vui. Cái đó gọi là đặc tính y khoa. Đặc tính đó giúp bác sĩ vượt qua những trắc trở, khó khăn để thành công với nghề".

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín: Dấn thân để bao dung hơn, cống hiến nhiều hơn

* Lịch làm việc kín mít với dày đặc các ca can thiệp tim mạch trong nước và thế giới, rồi giảng dạy, rồi đứng đầu một liên chi hội chuyên ngành, rồi hội nghị, hội thảo... nhưng gần như tháng nào cũng thấy ông đi khám bệnh từ thiện ở vùng sâu, vùng xa. Tại sao vậy, thưa ông?

- Mình xuất thân từ vùng sâu vùng xa cho nên thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn và éo le của những vùng này. Hướng theo tinh thần của Phật giáo dấn thân, mình muốn truyền tinh thần y khoa dấn thân. Thay vì ngồi một chỗ chờ bệnh nhân tới thì mình và các cộng sự trẻ, học trò tìm về với bệnh nhân. 

Đi như vậy không chỉ giúp cho người dân được khám, chữa bệnh mà còn giúp cho lớp trẻ gầy dựng tinh thần dấn thân, để cho bác sĩ trẻ thấy ngoài kia còn nhiều mảnh đời khó khăn, nhiều vùng quê cơ cực. Từ đó họ tự cảm thấy cần phải làm nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa.

Làm việc tại bệnh viện, bác sĩ chỉ thấy bệnh nhân cần mình, riết rồi cộng với những áp lực và quá tải, bác sĩ trở nên vô cảm lúc nào không hay, dễ sinh ra nạt nộ, la lối bệnh nhân. Đi ra ngoài, cái nhìn của họ đối với bệnh nhân sẽ bao dung hơn, cởi mở hơn, đồng cảm hơn.

* Đâu là điều khác biệt giữa chương trình từ thiện mà ông đang làm với các chương trình khác?

- Cái khác của chương trình này so với những chương trình khác đó là làm từ đầu cho đến khi kết thúc luôn. Bệnh nhân khi mình khám, phát hiện được bệnh tim bẩm sinh hoặc dị tật, ca nào cần can thiệp, ca nào cần phẫu thuật mình sẽ đưa về những bệnh viện có đầy đủ thiết bị để thực hiện. Tụi mình giúp cho họ cả về tài chính, đi lại và cả về chuyên môn. Cho vài viên thuốc hay giúp một điều gì đó thì chỉ là tạm thời thôi. Còn cứu một em bé dị tật tim trở lại bình thường thì rất có ý nghĩa.

Cũng may mắn là chi trả bảo hiểm của Việt Nam khá tốt. Những lúc không đủ kinh phí để thực hiện chương trình thì mình kêu gọi bạn bè ủng hộ. Cũng như nước giếng, múc mãi vẫn còn đầy, lòng tốt nếu biết lan tỏa thì sẽ chảy hoài. May là có nhiều người luôn sẵn sàng đồng hành nên chương trình chạy được dài hơi, chứ nếu chỉ phát hiện bệnh được rồi mà bế tắc trong kinh phí để can thiệp, mổ xẻ, để rồi trả đứa bé lại y chang như ban đầu thì thật buồn.

* Không chỉ các chương trình trong nước, được biết cũng đã không ít lần ông sang các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để làm từ thiện?

- Chuyến đi mới nhất của mình là Myanmar - nơi có rất nhiều bệnh nhân tim mạch và điều đau lòng là một quốc gia có hơn 60 triệu dân nhưng chỉ có một phòng can thiệp tim bẩm sinh. Đợt rồi mình làm 51 ca trong ba ngày, toàn bộ đều là ca nặng và khó. Mình qua không chỉ để làm cho bệnh nhân mà còn là huấn luyện cho ê kíp bên đó. 

Myanmar là một đất nước còn nhiều khó khăn. Không phải chuyến đi này mà rất nhiều chuyến đi khác mình tự bỏ tiền túi để đi. Lúc qua bên đó nói không sợ thì không phải nhưng hình ảnh những bệnh nhân thoi thóp vì không được can thiệp, không được phẫu thuật khiến mình phải lên đường. Đó là tinh thần dấn thân, chứ nếu mình sợ rồi ở nhà thì còn ai giúp họ?!

Ngoài Myanmar thì còn một số nước khác như Indonesia, Malaysia và cả những nước phát triển như Nhật Bản, Ý, châu Âu, cứ sắp xếp được là mình xách ba lô lên và đi. Những kỹ thuật họ chưa làm được thì mình qua giúp cho họ làm, một phần là chia sẻ kiến thức và kỹ năng, một phần cũng để học hỏi thêm từ các nước đó. 

Ví dụ ở Nhật Bản, mình làm ca đóng thông liên thất đầu tiên và chuyển giao kỹ thuật này cho Trường đại học Y khoa Showa. Đó cũng là một cách để thế giới biết rằng y học Việt Nam cũng có tiếng nói, có trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (trái) đang khám cho một bệnh nhi và truyền nghề cho đồng nghiệp trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (trái) đang khám cho một bệnh nhi và truyền nghề cho đồng nghiệp trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Gia đình em khá không?"

* Có người nói "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhiều người". Phải chăng ông đang làm điều này khi luôn đặt ra mục tiêu đào tạo, dẫn dắt, phát triển các cộng sự trẻ?

- Đúng vậy! Không chỉ trên giảng đường, trong bệnh viện mà cả những chuyến đi từ thiện, mình cố gắng đào tạo một thế hệ trẻ để các em có thể phát triển tốt và thay thế mình, tiếp tục phát triển ngành. 

Tuy nhiên con đường đi chông chênh, gian nan và phức tạp lắm với những thách thức về lửa nghề, về cơm áo gạo tiền và cả về những định kiến của xã hội. Cho nên có được học trò nào có tố chất thì mình quý và cưng học trò đó, đôi khi mình phải chiều chuộng học trò để họ theo nghề chứ không phải học trò chiều mình.

Khi nhận một học trò, mình đều hỏi "Gia đình em khá không?". Nhiều khi mấy em hiểu lầm nhưng thực sự nếu kinh tế khá giả, đầy đủ thì người ta mới nuôi được lòng đam mê trên con đường nhiều gập ghềnh này. Còn nếu kinh tế khó khăn quá thì đôi khi có đam mê nhưng người ta cũng phải bớt đi để còn lo cho cái khác, vì đãi ngộ xã hội chưa xứng đáng với công sức của bác sĩ. 

Không thể đòi hỏi đãi ngộ tốt đối với những người làm ngành y mà chỉ mong xã hội nhìn nhận đúng và đãi ngộ đúng những nỗ lực, hy sinh của nhân viên y tế, đặc biệt là trong những ngành khó khăn, gian khổ, lây nhiễm, độc hại...

* Đó có phải là lý do gần đây nổi lên "làn sóng" nhân viên y tế bỏ việc nhiều, nhất là sau đại dịch COVID-19? Theo ông, hậu quả của "làn sóng" này là gì?

- Người ta cứ kêu làm bác sĩ giàu cớ sao lại than lương thấp. Thật ra đã làm bác sĩ thường là người giỏi, họ có thể kiếm tiền bằng nhiều cách. Ngoài làm việc ở bệnh viện, họ có thể làm phòng mạch, hợp tác chỗ này chỗ kia để kiếm sống. Đổi lại, thời gian họ dành cho chuyên môn và bệnh nhân sẽ ít đi, lòng đam mê cũng teo tóp dần, cuối cùng người chịu thiệt vẫn là bệnh nhân. 

Nhìn cho rộng ra, nếu lấy bệnh nhân làm trung tâm thì phải đãi ngộ khác, phải trả lương xứng đáng để bác sĩ thay vì làm thêm thì đọc sách nhiều hơn, nâng cao kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ, dành nhiều thời gian hơn và khám cho bệnh nhân kỹ hơn thì bệnh nhân sẽ được hưởng lợi hơn.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (trái) khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo tại xã Thạch Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, vào tháng 10-2022  - Ảnh: P.S.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (trái) khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo tại xã Thạch Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, vào tháng 10-2022 - Ảnh: P.S.

Chỉ nhớ những ca thất bại

* Đã trực tiếp can thiệp cho hàng ngàn ca bệnh tim bẩm sinh, điều ông nhớ nhất là gì?

- Mình làm nghề thành công nhiều nhưng thất bại cũng không ít. Có những cái sai chỉ có mình biết thôi, trả giá lớn lắm, nhiều khi là cả sinh mạng bệnh nhân. Mình chỉ nhớ những ca thất bại, đó là cái mình phải học lại, phải chiêm nghiệm lại, phải dằn vặt bản thân mình. Có ca tử vong do sự kém hiểu biết của mình, lúc đó mình chưa nghĩ ra, chưa hiểu hết, tay nghề chưa cao...

Nghề y quan trọng nhất là dám nhìn nhận ra cái sai, dám trung thực nói ra cái sai để người khác giúp mình sửa, để mình và nhiều người khác học từ cái sai và sau này không lặp lại cái sai đó. Còn nếu mình giấu hoặc lờ đi nghĩa là sẽ đánh mất cơ hội sửa sai, học tập.

Cũng như các nghề khác, nghề y không thể không sai. Một em mới ra trường có thể làm sai nhưng không thể lặp lại cái sai đó tới 3 - 4 lần được. Bản thân mình cũng vậy, có thể sai một lần nhưng đừng để sai lần nữa, khi mình sai thì mình phải kêu gọi đồng đội để cứu bệnh nhân. 

Tính mạng của bệnh nhân là quan trọng. Nhiều ông bác sĩ vì sĩ diện quá cao, không muốn nói thiệt là mình sai nên giấu đi. Vậy thì ông đặt ông là trung tâm chứ không phải là bệnh nhân là trung tâm.

Thực ra những ca thành công thì mình cũng thích, vui được vài tiếng đồng hồ rồi quên luôn. Còn những ca thất bại mình nhớ cả đời.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (giữa) đang thực hiện ca can thiệp cho một bệnh nhân tim bẩm sinh mà ông phát hiện từ đợt khám từ thiện hồi tháng 12-2022. Ca can thiệp này diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vào ngày 24-2. Hôm nay (25-2) ông lại cùng cộng sự khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho trẻ em và bà con nghèo huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên - Ảnh: N.T.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (giữa) đang thực hiện ca can thiệp cho một bệnh nhân tim bẩm sinh mà ông phát hiện từ đợt khám từ thiện hồi tháng 12-2022. Ca can thiệp này diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vào ngày 24-2. Hôm nay (25-2) ông lại cùng cộng sự khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho trẻ em và bà con nghèo huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên - Ảnh: N.T.

* Nghe nói ông không mặn mà lắm với việc làm sếp, tại sao vậy?

- Không phải là từ chối làm sếp đâu, nói từ chối thì hóa ra mình chảnh quá. Thật ra mình muốn dành thời gian cho đam mê. Nếu mình tập trung vào công việc hành chánh, xử lý công việc trong khoa hay trong viện thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi đam mê của mình không nằm ở chỗ đó, mà nằm ở trên từng ca can thiệp, phòng can thiệp, trên từng bệnh nhân và xã hội rộng lớn ngoài kia.

Mình có nhiều đam mê lắm, nhưng thời gian và sức lực không cho phép. Chẳng hạn từ nhỏ đến lớn là mê đọc sách, giờ thời gian đọc sách bị hạn chế lại, sức khỏe cũng không cho mình đọc tới 2h-3h sáng nữa vì ngày mai còn công việc. Những đam mê khác cũng bớt dần đi, tuy nhiên nếu thiếu vắng đam mê thì cuộc đời nhàm chán lắm, nên cũng ráng mà giữ được ít nhiều...

Một bác sĩ, giáo viên hay trí thức quan trọng nhất là dám nhận trọng trách. Trí thức là phải dùng cái trí của mình để thức tỉnh xã hội, phải mở ra một cái nhìn mới, một hướng đi mới, phải quy tụ và phát triển được một cộng đồng để cùng giải quyết vấn đề cho xã hội. Nếu mình chỉ biết làm trong phòng mổ, làm đúng phần việc của mình xong rồi thôi thì sẽ không hiệu quả, không thể làm được gì hết.

Bác sĩ ĐỖ NGUYÊN TÍN

Bác sĩ đa năng

Tôi là học trò của thầy Đỗ Nguyên Tín từ hồi học bác sĩ nội trú. Thầy Tín là người truyền cảm hứng cho tôi theo chuyên ngành tim mạch nhi bẩm sinh. Tôi học được rất nhiều từ thầy, chuyên môn thì không bàn nữa vì thầy rất giỏi, mà điều đáng nói là sự xông xáo của thầy vì bệnh nhân.

Tôi nhớ nhiều khi tới 11h - 12h khuya, nếu có ca cấp cứu thì thầy vẫn chạy vô làm và làm tới sáng. Hỏi thầy làm bao nhiêu năm như thế sao không thấy mệt, thầy nói mệt thì mệt nhưng nhìn thành quả thì hết mệt. Bác sĩ tụi tôi phần nhiều chỉ biết chuyên môn thôi, còn thầy thì khác, rất đa năng mà đặc biệt là văn chương, âm nhạc...

(Bác sĩ Văn Thế Duy, khoa tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM)

Tầm ảnh hưởng quốc tế của bác sĩ Đỗ Nguyên Tín

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (phải) cùng các đồng nghiệp Iran - Ảnh: NVCC

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (phải) cùng các đồng nghiệp Iran - Ảnh: NVCC

Nhiều năm trước đại dịch COVID-19, hằng năm Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM đều tổ chức hội nghị quốc tế. Có lần tôi ngồi chủ tọa và lân la xuống trò chuyện với đại biểu nước ngoài.

Tôi nói với họ: "Theo tôi, đây là hội nghị bệnh tim bẩm sinh tốt nhất Việt Nam và cũng có vị thế ở châu Á. Còn ông bà nghĩ sao?". Nghe xong, tất cả họ phản đối tôi ngay: "Không, đây không phải là hội nghị tầm cỡ châu lục mà là tầm cỡ thế giới, thậm chí tốt nhất thế giới".

Tôi nghĩ họ không khen ngoại giao vì thực tế có lẽ không có hội nghị y học nào ở Việt Nam mà thu hút hơn 300 khách nước ngoài đến tham dự, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới về tim mạch nhi.

Một hội nghị có hơn chục báo cáo viên nước ngoài đã là vinh dự rồi, đàng này có hàng trăm báo cáo viên và khách quốc tế. Thực tế một phần cũng do hội nghị tổ chức tốt, có những ca bệnh hay và thu hút nhiều bài báo cáo xuất sắc. Nhưng nếu bác sĩ Đỗ Nguyên Tín không có tầm ảnh hưởng quốc tế thì có lẽ không nhiều người bỏ thời gian, tiền bạc lẫn công sức lặn lội đến nước ta tham dự và học hỏi".

(GS.TS TRƯƠNG QUANG BÌNH - nguyên phó giám đốc và hiện là cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

"Phép thử" nghề y'Phép thử' nghề y

TTO - Trong bối cảnh chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành y đang bị 'soi', đề xuất muốn được cấp chứng chỉ hành nghề phải trải qua kỳ thi quốc gia được xem như 'phép thử' cần thiết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên