Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến (khoa nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội), việc say tàu xe bắt nguồn từ hệ thống thần kinh, những người có chứng rối loạn tiền đình, sức khỏe yếu thường dễ say xe hơn, điều này là do cơ địa của mỗi người.
"Khi người di chuyển bằng tàu xe qua các đoạn đường, não bộ cảm nhận sự di chuyển bất thường của cơ thể. Hệ thống cảm giác của cơ thể như mắt, tai trong, áp lực da... sẽ gửi thông điệp đến hệ thống thần kinh trung ương.
Những người không kiểm soát được sẽ xuất hiện triệu chứng say xe. Đa số triệu chứng say tàu xe sẽ hết trong khoảng một thời gian khi xe dừng lại. Thế nhưng, một số trường hợp vẫn có cảm giác chóng mặt, khó chịu kéo dài một vài ngày", bác sĩ Tiến giải thích.
4 cách giảm say xe
1- Không để bụng đói khi đi xe: Nhiều người cho rằng nếu không ăn gì sẽ không có gì để nôn ói. Tuy nhiên, đối với người có tiền sử say xe thì không nên, bởi khi đói bụng cơ thể sẽ mệt mỏi, cồn cào, có thể dễ dẫn đến tình trạng say xe hơn. Bên cạnh đó, nên hạn chế các loại thức ăn có mùi nồng, nặng.
2 - Chọn ghế trên, gần cửa sổ: Người say tàu xe nên ngồi ở ghế phía trên gần buồng lái để giảm rung lắc trong quá trình xe di chuyển. Tuyệt đối không sử dụng điện thoại, đọc sách khi di chuyển mà nên nhìn cảnh quan xung quanh.
3 - Hạn chế mùi xe: Mùi trên xe như mùi xăng, dầu... là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người say xe. Vì vậy, người dân nên đeo khẩu trang khi đi tàu xe (nên chọn khẩu trang loại khử mùi như khẩu trang than hoạt tính...), hoặc có thể ngửi một số mùi dễ chịu như bánh mì, vỏ chanh, cam.
4 - Thuốc chống say xe: Ngoài ra, đối với những người say tàu xe, có thể sử dụng thuốc chống say theo liều lượng và thời gian mà nhà sản xuất khuyên dùng để hạn chế tình trạng say.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận