Tổng thống Mỹ Donald Trump lắng nghe trong khi bác sĩ Anthony Fauci chia sẻ thông tin tại cuộc họp báo hằng ngày về COVID-19 ở Nhà Trắng ngày 4-4-2020 - Ảnh: Reuters
Người đàn ông khả kính năm nay 79 tuổi đã có một sự nghiệp hơn 36 năm qua là chuyên gia về bệnh nhiễm. Trước khi phải ứng phó với đại dịch COVID-19, ông từng kinh qua các đại dịch lớn khác mà nhân loại đã trải, đó là HIV, SARS, MERS và Ebola.
Bắt đầu sự nghiệp là một nhà dịch tễ trẻ tại Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) trực thuộc Viện Sức khỏe quốc gia (NIH), ông Anthony Fauci sau đó trở thành lãnh đạo của cơ quan này từ năm 1984 tới nay.
Trải qua 6 đời tổng thống khác nhau, kể từ thời tổng thống Reagan, ông vẫn luôn là một trong những vị cố vấn chuyên môn quan trọng của các tổng thống Mỹ khi phải ứng phó với một dịch bệnh.
Khắc tinh của các đại dịch
Không phải tới bây giờ người dân Mỹ mới biết tới vị chuyên gia kỳ cựu này. Năm 2014, ông Fauci là người tham gia tuyến đầu chống dịch Ebola của Chính phủ Mỹ.
Theo chia sẻ của ông với tạp chí Sciencemag, khi đảm nhận điều trị trực tiếp cho người bệnh Ebola, ông muốn để mọi nhân viên ở NIAID thấy rằng ông sẽ không yêu cầu họ làm bất cứ việc gì mà bản thân ông không trực tiếp làm. Và "thật tuyệt vời, mãn nguyện khi được tham gia vào việc cứu sống một người" - ông nói. Khi đó tờ Financial Times đã gọi ông là "Kẻ thù tồi tệ nhất của Ebola".
Ông Fauci cũng chính là người đã giúp điều trị bệnh Ebola cho cô y tá người Mỹ gốc Việt Nina Phạm sau khi cô bị nhiễm Ebola trong lúc chăm sóc cho bệnh nhân người Liberia ở bang Texas (Mỹ). Gần đây hơn, ông cũng là người đã tham gia chiến dịch phản ứng với dịch bệnh Zika, loại bệnh do muỗi truyền.
Thực tế, theo Hãng tin AFP, ngay lúc này, ngoài việc quản lý viện nghiên cứu của mình, vị bác sĩ đã 79 tuổi vẫn tiếp tục tham gia điều trị bệnh trực tiếp cho các bệnh nhân ở Trung tâm lâm sàng của NIH tại Bethesda, bang Maryland.
Bây giờ, mục tiêu chính của ông Fauci trong chiến dịch chống COVID-19 là kéo chậm và tiến tới kiểm soát được sự lây lan của virus corona chủng mới, từ đó tạo thêm thời gian thiết yếu để giới khoa học có thể tìm ra vắcxin hay thuốc điều trị bệnh này.
Với chừng ấy thâm niên trong công việc, hẳn nhiên ông Fauci thuyết phục được hoàn toàn người dân Mỹ về mặt kiến thức chuyên môn nhưng có lẽ chính sự thẳng thắn, rõ ràng nhưng chừng mực và khách quan trong cách chia sẻ thông tin, quan điểm về dịch bệnh COVID-19 đã khiến ông trở thành "ngôi sao trên truyền hình" như Tổng thống Trump từng nói vui về ông.
Ví như mới đây nhất, trong khi trả lời phỏng vấn chương trình Face The Nation, ông không ngại nói thẳng: "Tôi sẽ không nói là chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta đang cố gắng để kiểm soát được nó".
Hẳn là nhiều người Mỹ yêu mến ông là vì thế. Họ gọi ông là "người anh hùng của nước Mỹ", hay "một báu vật quốc gia" dù ông luôn khiêm nhường từ chối.
Vị chuyên gia khả kính này cũng là người thường xuyên phải tìm cách "đính chính" một cách tế nhị, nhưng cũng thẳng thắn nhất có thể những phát biểu đôi khi hơi "bốc" quá của Tổng thống Trump trong các vấn đề liên quan tới dịch COVID-19.
Bất kể thực tế có những xung đột quan điểm về dịch bệnh, thậm chí đã có lúc bị nhà khoa học này "sửa lưng" nhưng có thể thấy ông Trump luôn có một sự quý mến và tôn trọng vị chuyên gia đầu ngành thường có mặt cạnh ông trong những buổi họp báo hằng ngày về dịch bệnh COVID-19 của Nhà Trắng.
"Ông ấy là một người tốt. Tôi rất quý ông ấy. Ông ấy sẽ sớm trở lại" - Tổng thống Trump đã nói như vậy trước báo giới trong một cuộc họp báo cuối tháng 3, khi các phóng viên hỏi vì sao ông Fauci không dự họp báo như thường lệ.
Y tá Nina Pham ôm cảm ơn bác sĩ Anthony Fauci bên ngoài Viện Sức khỏe quốc gia tại Bethesda, Maryland (Mỹ) sau khi nữ y tá gốc Việt được điều trị khỏi bệnh Ebola - Ảnh: AP
Làm việc 20 giờ mỗi ngày
Trong suốt nhiều năm, ông nổi tiếng với thời gian làm việc 16 giờ/ngày và cả thói quen tranh thủ "giải lao" (hẳn là của một cựu vận động viên marathon) bằng chạy bộ 7 dặm (11,2km) vào giờ nghỉ trưa để duy trì sức khỏe. Tuy nhiên trong những tuần gần đây, số giờ làm việc mỗi ngày của ông thậm chí còn kéo dài hơn.
"Nếu ai ai trên thế giới cũng như bác sĩ Anthony S. Fauci, sẽ chẳng cần tới thuốc Prozac" (thuốc trị bệnh tâm thần - PV), tờ New York Time từ năm 1994 đã viết như vậy để ca ngợi tinh thần và sức làm việc bền bỉ, dẻo dai của ông.
Ở tuổi suýt soát 80, ông vẫn không có dấu hiệu mòn mỏi của tuổi tác như lẽ thường. Theo Đài CNBC, "ông già gân" Anthony Fauci vẫn làm việc từ 19 đến 20 giờ mỗi ngày. Chỉ khác là, mục tiêu cần giải quyết của ông và các cộng sự bây giờ không còn là HIV/AIDS, căn bệnh mà nhờ nỗ lực của họ đã trở thành một thứ bệnh mãn tính có thể kiểm soát, mà là những diễn biến quá nóng của đại dịch COVID-19 hiện nay ở Mỹ.
Bao giờ cũng vậy, luôn ở bên ông cho tới hết những ngày làm việc dài đằng đẵng là bà Christine Grady, người vợ đã đồng hành với ông suốt 35 năm qua, cũng là một y tá và một nhà đạo đức học y khoa. Họ từng gặp nhau lần đầu bên giường bệnh nhân.
Bà Christine Grady, 67 tuổi, là người thường xuyên phải nhắc nhở chồng biết tự chăm sóc bản thân để không đuối sức trong những ngày căng thẳng này. "Tôi đã cố khuyên nhủ ông ấy nghỉ ngơi, uống nước, ăn đủ, ngủ và chọn lựa những gì ông ấy đồng ý cũng như nói không với một số điều" - bà Grady chia sẻ với Đài CNBC.
Bà Grady cho biết cả bà và chồng đều đang nỗ lực để giữ sức khỏe của bản thân trong khi cả hai cùng dốc sức cho những công việc đang rất căng thẳng. Là một chuyên gia đạo đức y khoa, bà Grady cho biết "có quá nhiều vấn đề thách thức cần phải giải quyết" ngay lúc này.
Ông kỳ vọng có thể giải quyết được đại dịch để "sớm trở về với một nhịp sống bình thường, khi tôi có thể tập thể thao theo cách mình muốn" như trong một lần chia sẻ của ông tại cuộc họp báo gần đây về đại dịch.
Con trai của dược sĩ
Ông Anthony Fauci sinh ngày 24-12-1940 trong một gia đình người Ý nhập cư ở Brooklyn (New York, Mỹ) có cha là dược sĩ. Ông "bắt đầu đi đưa thuốc từ lúc đủ tuổi được đi xe máy" như trong chia sẻ với tạp chí Holy Cross năm 2002. Năm 1966 ông tốt nghiệp thủ khoa Trường y khoa Weill thuộc Đại học Cornell. Năm 1968, ông về làm việc tại NIH và bắt đầu sự nghiệp với các bệnh miễn dịch.
Bác sĩ Fauci đã gắn bó và đạt rất nhiều thành tựu nghiên cứu cho ngành dịch tễ học của nước Mỹ. Năm 2008 ông được trao tặng Huân chương tự do của tổng thống, vinh dự cao quý nhất với một công dân Mỹ, vì những đóng góp quan trọng trong công cuộc chống dịch bệnh HIV/AIDS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận