20/10/2014 11:42 GMT+7

​Bắc Kinh sẽ không mạnh tay với Hong Kong

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TTO – Trung Quốc sẽ không tìm cách vội kết thúc tình trạng leo thang chính trị ở Hong Kong, nhằm tránh những rắc rối có thể xảy ra trước một số sự kiện quan trọng ở Bắc Kinh sắp tới.

Cảnh sát Hồng Kong đang có mặt ở quận Mong Kok khi biểu tình đang leo thang -  Ảnh: Reuters
Cảnh sát Hồng Kong đang có mặt ở quận Mong Kok khi biểu tình đang leo thang - Ảnh: Reuters

* Chính quyền Hong Kong đối thoại vào chiều tối mai (21-10)

Báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn các nguồn tin thân cận với chính quyền trung ương Bắc Kinh cho biết có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang quan ngại những “nhóm cực đoan” ở Hong Kong kích động “nền độc lập chính trị trên thực tế của Hong Kong dưới vỏ bọc dân chủ và có sự phối hợp tích cực với các lực lượng nước ngoài”.

Trung Quốc sẽ không cứng rắn

Hôm qua, lần đầu tiên Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc đề cập đến việc phong trào “chiếm đóng trung tâm” ở Hong kong đang nỗ lực tìm kiếm “nền độc lập chính trị ở Hong Kong”. Tờ báo cho rằng các nhà tổ chức biểu tình muốn “Hong Kong tự quyết và thậm chí còn muốn có độc lập”.

Ông Đổng Lập Khôn, cựu quan chức thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không muốn xảy sự cố ngoài ý muốn nếu các cuộc biểu tình tiếp tục trong thời gian hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11 tới.

“Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ xem xét nhiều chính sách liên quan đến Hong Kong. Chúng tôi đã nhấn mạnh quá nhiều về vấn đề hai chế độ nhưng bàn chưa đủ về vấn đề một đất nước” - ông Đổng nhận định.

Đồng tình với ý kiến này, một nhà nghiên cứu chính sách nội địa giấu tên của chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh rằng một số tổ chức và cá nhân ở Hong Kong có thể đang nghĩ rằng nếu hiện nay họ khiến cho cuộc biểu tình trở nên lớn hơn thì chính quyền trung ương sẽ bị ảnh hưởng từ áp lực quốc tế.

“Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp vì yêu cầu của những người biểu tình là trái luật nhưng giới lãnh đạo cũng sẽ tránh để đổ máu. Miễn là chúng tôi điều hành theo nguyên tắc “một đất nước hai chế độ” thì không quốc gia nào khác có thể trách cứ Trung Quốc về chuyện này” - nhà nghiên cứu trên khẳng định.

Biểu tình leo thang

Biểu tình ở quận Mong Kok đang leo thang khi các quan chức cấp cao của Hong Kong đang tham dự kỳ họp thường niên lần thứ 4 của Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18, diễn ra trong 4 ngày ở Bắc Kinh.

Hàng chục người, cả thường dân và cảnh sát Hồng Kong, đã bị thương trong các cuộc đụng độ trong những ngày qua. Nhiều quan chức Hồng Kong, trong đó có cả đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đều cho rằng “biểu tình ở Hồng Kong đang vượt ngoài tầm kiểm soát”.

Cảnh sát Hồng Kong cho biết đã bắt một thanh niên 23 tuổi ở khu Thiên Thủy Vi vì người này đã phát tán tin nhắn trên mạng kêu gọi người biểu tình buộc tội cảnh sát đã bao vây và làm tê liệt hệ thống xe lửa ở đặc khu này.

Cuộc đối thoại giữa chính quyền Hồng Kong và sinh viên dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng 18g đến 20g ngày 21-10 (theo giờ địa phương). Ông Alex Chu Vĩnh Khang, tổng bí thư Liên đoàn sinh viên Hồng Kong, cho biết chương trình sẽ truyền hình trực tiếp và các nhà sáng lập “phong trào chiến đóng Trung tâm” cũng như nhiều học giả Hong Kong đã nhận được thư mời đến xem cuộc đối thoại từ một căn phòng ở sát phòng diễn ra đối thoại.

Nói qua kênh truyền hình ATV World tối hôm qua, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh khẳng định rằng Bắc Kinh hoàn toàn tin tưởng vào khả năng xử lý các cuộc biểu tình của ông và chỉ trích thế lực bên ngoài đang nhúng tay vào tình hình biểu tình ở Hồng Kong. “Có những thế lực bên ngoài nhúng tay vào. Đây hoàn toàn không còn là phong trào trong nội địa Hong Kong nữa và nó đang vượt ngoài tầm kiểm soát” - ông Lương Chấn Anh nói qua truyền hình.

Đáp lại, Alex Chu Vĩnh Khang gọi những cáo buộc trên là hoàn toàn bịa đặt và tuyên bố biểu tình sẽ tiếp tục cho đến khi chính quyền Hồng Kong xem xét gói cải cách khả thi cho tình hình ở đặc khu này.

Trong khi đó, giới kinh doanh hàng hóa cao cấp quốc tế cho biết biểu tình ở Hồng Kong đang gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của họ ở thị trường châu Á.

Tập đoàn LVMH, đơn vị chủ của các nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Givenchy và Dior cho biết tổng doanh thu kinh doanh của họ trong quí III ở châu Á đã giảm 3% do kinh tế thế giới chững lại, đảo chính ở Thái Lan và giờ là biểu tình ở Hồng Kong.

Công ty đồng hồ Tag Heuer, thuộc tập đoàn LVHM quyết định sa thải 46 nhân viên ở Thụy Sĩ và nhãn hiệu đồng hồ Cartier cũng sẽ cắt giảm giờ lao động từ tháng 11-2014 do kinh doanh bị ảnh hưởng ở châu Á.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên