25/09/2004 00:01 GMT+7

Bắc cầu qua sông Hậu

Nhóm PV ĐBSCL
Nhóm PV ĐBSCL

TT - Ngày hôm nay, 25-9-2004, sự kiện trọng đại mà người dân đồng bằng sông Cửu Long bao năm chờ đợi đã trở thành hiện thực: cầu Cần Thơ chính thức khởi công xây dựng sau rất nhiều lần, nhiều năm “hẹn”.

r4wo4ZIX.jpgPhóng to
Mô hình cầu Cần Thơ
TT - Ngày hôm nay, 25-9-2004, sự kiện trọng đại mà người dân đồng bằng sông Cửu Long bao năm chờ đợi đã trở thành hiện thực: cầu Cần Thơ chính thức khởi công xây dựng sau rất nhiều lần, nhiều năm “hẹn”.

Đây là cây cầu dài nhất, hiện đại nhất vùng ĐBSCL, và cũng là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Người sẽ bớt khổ

Mấy ngày qua, nhân dân vùng ĐBSCL, đặc biệt là Cần Thơ và Vĩnh Long, háo hức vui mừng trước sự kiện xây cầu Cần Thơ. Ông Ba Hiệp, một cư dân sống lâu năm ở đây, không giấu được vẻ vui mừng: “Chờ đợi ngày này lâu lắm rồi!

Trước đây nghe nói làm vào năm 2001, rồi 2002... nhưng chờ hoài không thấy. Đến năm 2004 lại nghe báo chí nói đầu năm, sau đó lại nói dời đến quí 2...

Bây giờ thấy công nhân mở đường, san cát mới chắc là làm thiệt. Tui mừng quá, gần 70 tuổi rồi không biết còn sống đến ngày thấy cây cầu không nữa”.

Những người mà chúng tôi gặp đều có cùng suy nghĩ: khi cầu Cần Thơ hoàn thành, thời gian vận chuyển hàng hóa sẽ nhanh chóng, thuận tiện, chi phí vận chuyển giảm, hàng hóa không bị hư hỏng (nhất là rau, tôm cá, trái cây...), hành khách sẽ không tốn nhiều thời gian như khi phải đợi phà...

Anh Đoàn Hoàng Long - chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp máy nông ngư cơ cho nông dân nhiều tỉnh ĐBSCL - cho biết: “Chúng tôi thường chuyên chở hàng hóa bằng xe tải nhưng mỗi khi kẹt phà, xe tải không được ưu tiên nên chúng tôi phải chờ đợi hàng giờ, hàng hóa vận chuyển đến các nơi thường bị chậm trễ tốn rất nhiều thời gian”.

Một tài xế chuyên chở tôm giống từ Phan Thiết phân phối xuống các tỉnh miền Tây tâm sự: “Mỗi khi qua phà chúng tôi phải tốn 30.000-40.000 đồng mua vé nhưng có khi tới bến phà, xe bị kẹt hơn một giờ, nhiều tôm giống của chúng tôi bị chết gây thiệt hại không nhỏ”.

Đến khu vực cầu Cần Thơ sẽ đi qua, chúng tôi thấy mọi việc đã sẵn sàng. Các đơn vị thi công đã mở lộ cát chạy thẳng từ đường Quang Trung (Cần Thơ) vào nơi làm cầu.

Quanh khu vực này giờ chỉ còn là vùng đất trống chờ ngày những trụ cầu mọc lên. Cách đó không xa, khu tái định cư cho những hộ trong vùng dự án cũng đã mọc lên tươm tất.

Để “đón gió” cầu Cần Thơ, chính quyền hai địa phương có cầu đi qua đang rục rịch triển khai những dự án nhằm thu hút đầu tư.

Tại Cần Thơ, khu đô thị mới nam sông Cần Thơ với diện tích 2.000ha đã gần như lấp đầy bởi 26 dự án lớn.

Ông Trần Thanh Hoàng, trưởng Ban quản lý khu đô thị mới nam sông Cần Thơ - nói: “Cầu Cần Thơ hoàn thành sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, nhiều nhà đầu tư sẽ đến hợp tác, làm ăn. Hiện nay có 5-6 đồ án đang triển khai xây dựng, và sắp tới nhịp độ xây dựng sẽ mạnh mẽ hơn vì cầu Cần Thơ đi xuyên qua giữa khu đô thị mới”.

Ngoài khu đô thị này, cảng biển Cái Cui nằm gần đó cũng là một cách “đón gió”. Hiện nay cảng này đã hoàn thành 80% khối lượng xây lắp và có thể dùng làm nơi tập kết vật liệu cho xây cầu Cần Thơ.

Khi cầu Cần Thơ hoàn thành cũng là lúc cảng Cái Cui sẽ phát huy hiệu quả. Không chỉ thế, địa phương còn muốn “nắm” các nhà đầu tư lại với mình khi ban hành hàng loạt chính sách đãi ngộ nhân tài, khuyến khích đầu tư bằng cải cách thủ tục hành chính, giảm giá thuê đất, thuế ở mức ưu đãi... và tập trung cho cơ sở hạ tầng.

Ông Võ Thanh Tòng, chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: “Phải kéo những “chiếc xe đầu tư” đỗ lại nơi chân cầu, chứ không thả dốc chạy dài sang những nơi khác”.

Còn phía bờ Vĩnh Long, chính quyền huyện Bình Minh cho biết hiện có nhiều nhà đầu tư đang xin giấy phép vào xây dựng, tìm cơ hội làm ăn mai này khi cầu hoàn thành.

Đến thời điểm này cảng Bình Minh đã đưa vào hoạt động. Các dự án du lịch của Công ty thương mại Minh Linh, doanh nghiệp Hải Diệp cũng đã được cấp phép đầu tư.

Ông Lưu Quang Sang, phó chủ tịch huyện Bình Minh, cho biết: “Hiện nay kinh tế của huyện đang chuyển biến mạnh. Khi cầu Cần Thơ hoàn thành thì khu vực này sẽ phát triển hơn nữa, các suất đầu tư vào địa phương cũng sẽ ngày một nhiều”.

LfqgxoCi.jpgPhóng to
Chuẩn bị khởi công cầu Cần Thơ
Hàng hóa sẽ đi xa

Nếu cầu Mỹ Thuận là cầu được thiết kế theo kiểu dây văng hiện đại, lớn nhất khu vực thời điểm bấy giờ và bắc qua một trong hai con sông chính của khu vực, thì cầu Cần Thơ sắp tới lại có một vị thế khác: cầu lớn và dài nhất vùng, giá trị nhất, hiện đại nhất... nối liền hai bờ qua con sông Hậu.

Khi xây dựng cầu Mỹ Thuận, nhiều người đã thấy rằng có được cầu thì nền kinh tế của đồng bằng sẽ được cải thiện nhanh chóng, hàng hóa nông sản, thủy hải sản... nhanh chóng được xuất ra khỏi vùng, vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngày càng nhiều hơn.

Và mới đây, báo cáo của ông Paul Kelly, bí thư thứ nhất Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAID), cho thấy mức độ sử dụng cầu cao hơn dự kiến trong năm 2002, mỗi ngày có khoảng trên 20.000 phương tiện qua lại, tiết kiệm được khoảng 15 triệu giờ đi lại cho các phương tiện và làm lợi 10 triệu đôla Úc nhờ chi phí vận hành phương tiện và hư hỏng hàng hóa giảm.

Khi cầu Cần Thơ hoàn thành, không chỉ hai địa phương có cầu đi qua hưởng lợi mà các tỉnh nam sông Hậu cũng sẽ bắt được nhịp phát triển chung.

Khi đó, tuyến quốc lộ dọc theo sông Hậu chạy về Sóc Trăng, tuyến từ Cần Thơ theo kênh xáng Xà No đi Hậu Giang và đoạn từ Cà Mau mở thẳng ra Đất Mũi... hoàn thành sẽ mở đường cho hàng nông, thủy, hải sản đồng bằng đi xa.

Rồi đường bay quốc tế từ sân bay Trà Nóc được khai thông, cảng biển Hoàng Diệu được mở rộng, cửa luồng Định An được nạo vét sâu... là những tín hiệu song song đáng mừng.

Vài nét về công trình cầu Cần Thơ

* Vị trí: bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ, cách bến phà Cần Thơ hiện tại 3,2km về phía hạ lưu. * Chiều dài toàn bộ tuyến dự án là 15,85km; tổng chiều dài cầu 2.750m, trong đó cầu dây văng dài 1.010m, cầu dẫn 1.630m. * Khổ cầu rộng 23,1m trong đó có bốn làn xe, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m.* Khổ thông thuyền: 30mx300m và 39mx110m.* Tốc độ xe chạy theo thiết kế: 80km/g (qua các khu dân cư 60km/g). * Kỹ thuật: cầu được thiết kế vĩnh cửu theo dạng dây văng, mặt cầu hỗn hợp dầm thép và bêtông cốt thép dự ứng lực. * Trụ tháp: dạng hình chữ Y ngược, cao 164,8m tính từ bệ cọc.* Vốn đầu tư: khoảng 300 triệu USD, tương đương 4.841 tỉ đồng (bao gồm cả phần viện trợ JICA).* Thời gian thực hiện: 2004-2008.

*Hiện nay, mỗi ngày bình quân có 3.500 lượt ôtô, 7.000 môtô, hơn 20.000 hành khách qua phà Cần Thơ. Theo ước tính của các chuyên gia, một chuyến vượt sông Hậu qua cầu Cần Thơ sẽ tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 20.400 đồng mỗi ôtô, giảm mất mát giá trị hàng hóa mỗi ôtô 12.394 đồng, rút ngắn thời gian so với đi phà khoảng 32 phút...

Như vậy, nếu tính lượng khách và phương tiện qua phà tăng trung bình 15%/năm thì đến năm 2008 (thời điểm cầu hoàn thành) mỗi ngày tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, việc vượt sông nhanh hơn còn giúp hàng hóa - chủ yếu là nông sản, thực phẩm của vùng ĐBSCL - không giảm sút chất lượng nhiều, sẽ tiêu thụ được với giá trị cao hơn, đầu ra dễ dàng hơn.

Nhóm PV ĐBSCL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên