22/06/2021 07:43 GMT+7

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ cuối: Bắc có Bút Tre, Nam có Ba Phi

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - "Bắc có Bút Tre, Nam có Ba Phi", chuyện ông già "dóc bà cố" mà lại được cho là hổng hề... nói xạo trong rừng U Minh chẳng ngờ lại trở thành phong trào sáng tác theo môtíp bác Ba Phi.

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ cuối: Bắc có Bút Tre, Nam có Ba Phi - Ảnh 1.

Nhà văn Anh Động và vợ - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Người viết truyện "vua nói dóc"

Còn nhớ tháng 11-2002, tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo về bác Ba Phi với quy mô hoành tráng. Ban tổ chức đã đặt hàng các cây bút tên tuổi trong giới nghiên cứu văn hóa, văn học, lịch sử khắp cả nước. Buổi hội thảo tổ chức tại hội trường UBND tỉnh cũng đón sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng..

Hội thảo sôi nổi với những tham luận mang tính học thuật cao thâm của các vị học rộng, hiểu nhiều. Nhiều người phân tích các giá trị học thuật, tầm vóc của "vua nói dóc Ba Phi" và giá trị lưu truyền cho đời sau. Có người còn cao hứng đánh giá ông già Ba Phi phải đạt tầm văn hóa của thế giới. Nhiều người nghe mà gật gù về những ý kiến táo bạo y hệt kiểu Ba Phi.

Các bài tham luận đang trơn tru, nổ vang như tiếng pháo đêm 30 thì đến lượt ông Anh Động, một nhà văn kháng chiến nổi tiếng từng hoạt động ở xứ U Minh. Tên tuổi Anh Động thì đã nổi như cồn rồi. Không cần đến bài nói hôm đó thì ông cũng đã quá nổi tiếng. 

Thế nhưng, hôm đó ông làm cho nhiều người suýt... té ghế vì sững sờ với tuyên bố hàng loạt truyện nổi tiếng mang thương hiệu bác Ba Phi kỳ thực là do ông sáng tác. Ông nói thuyết phục, có sách, có chứng đàng hoàng.

"Giội bom" kiểu Anh Động này hơi ngặt. Bởi trước ông, nhiều vị học hàm, học vị đã trót trích dẫn các tác phẩm ấy để phân tích cái hay, cái đẹp, cái giá trị trong truyện bác Ba Phi. Giờ hóa ra họ lại nghiên cứu truyện của Anh Động à! Rồi những người phát biểu sau đã chuẩn bị bao nhiêu là ý tưởng, câu từ "nỉ non mà lộng lẫy" để phân tích truyện bác Ba Phi, chưa gì hết Anh Động nói đó là do ông sáng tác thì phát biểu làm gì nữa. 

Những mẩu truyện như Ếch chê vịt hôi lông, Ổ ong đóng kèo da, Ôm cổ rắn, Nếp dẻo, Cắt lưỡi nai... quá nổi tiếng rồi, đinh ninh là của Ba Phi rồi. Giờ ông Anh Động trưng ra là do ổng sáng tác, thế có chết không. Giờ thì người ta nghi ngờ cái nào của Ba Phi, cái nào là của Anh Động?

Nhà văn Anh Động kể rằng trong một trại sáng tác sau giải phóng, ông gặp nhà văn Nguyễn Tuân. Anh Động kể với Nguyễn Tuân về cái thời kháng chiến ông hoạt động miệt rừng, có gặp ông già huyền thoại chuyên kể chuyện vui theo một môtíp rất riêng.

"Bắc có Bút Tre, Nam có Ba Phi", Anh Động giới thiệu với Nguyễn Tuân như vậy. Khỏi phải nói, nghe kể thôi nhà văn Nguyễn Tuân đã khoái chí, xúi Anh Động về ghi chép lại những câu chuyện truyền miệng trong dân gian để lưu giữ cho nhân thế. Không thì một mai lại mai một.

Được lời, Anh Động hứng khởi đem ý tưởng chép chuyện bác Ba Phi nói với nhà thơ Bảo Định Giang, kể cả cuộc trao đổi của mình với nhà văn Nguyễn Tuân. Nghe chuyện, Bảo Định Giang tâm đắc bảo ông cứ về ghi chép lại chuyện bác Ba Phi. "Ông viết được bao nhiêu, tôi đăng bấy nhiêu", Anh Động nhớ lại.

Do trước đó truyện bác Ba Phi chỉ được truyền miệng nên tam sao thất bổn cũng có, mà ai đó tự kể theo "kiểu bác Ba Phi" cũng không chừng. Lặn lội về lại xứ Kinh Ngang, Đá Bạc, Anh Động đã ghi chép lại 19 mẩu chuyện bác Ba Phi qua lời kể của những người chứng kiến. Ông thú thiệt rằng những mẩu chuyện đó được người kể nói là "nghe từ bác Ba Phi", chứ hổng biết có thật của ông già U Minh này bao nhiêu phần trăm.

Từ 19 truyện ghi chép lại, như Heo đi cày, Ếch ca vọng cổ, Cá lóc ăn dừa khô..., Anh Động phát triển thêm thành 42 truyện nhưng vẫn ghi là truyện bác Ba Phi. Để phong phú, hấp dẫn hơn, ông đẻ thêm ra nhân vật thằng Đậu, cháu gọi ông Ba Phi bằng ông nội.

Không ngờ truyện kể bác Ba Phi được đọc giả thích thú. Nhiều báo, tạp chí đăng truyện bác Ba Phi rất ăn khách. Các NXB Kim Đồng, Sông Bé, Thanh Niên, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Văn hóa - Thông Tin... liên tục tái bản với số lượng khổng lồ. Sách truyện bác Ba Phi được in nhiều khổ, bán khắp các bến tàu, bến xe, vào trong nhà trường, theo hành trang bộ đội...

Cùng với đó là nhân vật thằng Đậu, rồi vợ thằng Đậu cũng đi vào nhiều tác phẩm truyện, kịch, cải lương, phim ảnh... Đến mức nhiều người tìm về quê Lung Tràm, Cà Mau cứ đòi tìm vợ chồng thằng Đậu cho bằng được.

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ cuối: Bắc có Bút Tre, Nam có Ba Phi - Ảnh 2.

Rừng U Minh thêm phần kỳ bí nhờ truyện kể bác Ba Phi - Ảnh: THANH DŨNG

"Công đoàn" bác Ba Phi

Đăng cạn nguồn truyện bác Ba Phi mà người đọc vẫn gửi thư yêu cầu, báo Minh Hải (nay là Bạc Liêu - Cà Mau) do TBT Phan Anh Tuấn chủ bút đã mở hẳn chuyên mục "con cháu Bác Ba Phi kể chuyện". Huy động nhiều cây viết có tên tuổi trong và ngoài tỉnh tham gia viết, ông Phan Anh Tuấn cũng "chủ xị" những chuyện kể mang màu sắc bác Ba Phi mỗi kỳ báo.

Cái thời rần rần truyện bác Ba Phi ấy đã nuôi sống nhiều cây viết ở miệt đất phía Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Mỹ Hồng, vợ nhà văn Anh Động, cũng là người cùng xứ với ông Ba Phi, kể những ngày đi đâu cũng gặp, cũng nghe kể truyện bác Ba Phi. Có lần đi công tác về, ông Anh Động đã mang về cái tivi màu - phần thưởng của nhà xuất bản cho "hiện tượng sách" này.

Nhà ông bà lập tức trở thành điểm trình chiếu truyền hình cho xóm giềng gần xa đến xem. Thời đất nước mới thống nhất, nhiều thiếu thốn, nhưng những gia đình cán bộ từ vùng bưng biền ra thành thị vẫn vô tư, hào sảng lắm. 

Bà Mỹ Hồng kể chuyện bác Ba Phi làm "công đoàn nhà" bà. Năm 1978, chồng đi công tác xa, bà ở nhà nuôi 3 con nheo nhóc. Đứa lớp 1, đứa mẫu giáo, đứa ẵm trên tay. Lại ngay mùa dịch bệnh, con bà sốt cả tháng trời.

Bức bí qua, bà mới đến phòng văn nghệ của Ty Văn hóa Minh Hải (nơi nhà văn Anh Động công tác) xin ứng lương của chồng để lo thuốc men cho con. Không ngờ bà đến nơi, gặp nhà thơ Lê Chí đưa cho xấp tiền bằng hai tháng lương của chồng và bảo: "Tiền nhuận bút bác Ba Phi của thằng Động in trên báo Văn Nghệ TP.HCM hằng tuần. Nhân tiện đi công tác anh nhận về cho nó luôn". 

"Cầm tiền trên tay, tôi sung sướng đến ứa nước mắt, mừng là có số tiền cứu nguy trong lúc khó khăn. Vui vì hoài bão công trình biên soạn đề tài bác Ba Phi đã thành công bước đầu", bà Mỹ Hồng chia sẻ. Bà thừa nhận do chăm con nhỏ nheo nhóc nên bà không có thời gian san sẻ công việc của chồng.

Đến năm 1986 khi Anh Động đi học dài hạn, ở nhà đám nhỏ mắc bạo bệnh, phải chuyển viện lên TP.HCM. Ngay lúc bí bách, bà Hồng nhận được giấy báo lãnh nhuận bút truyện bác Ba Phi của NXB Sông Bé. Vậy là một lần nữa, bác Ba Phi lại cứu nguy cho gia đình bà. Ôn lại chuyện, con gái bà Hồng ngây thơ hỏi: "Ông Ba Phi là công đoàn nhà mình hả tía?".

Ròng rã nhiều thập niên, chuyện kể Bác Ba Phi được thế hệ hậu sinh văn bản hóa, được phát triển thêm thành một "trường phái truyện kể Bác Ba Phi". Những câu chuyện dung dị, vui tươi, các tình tiết được phóng đại một cách bất ngờ. 

Người đọc ai cũng biết đó là tưởng tượng, đó là bịa, đó là nói quá... rồi nói ông Ba Phi nói dóc. Tuy nhiên, những người rành xứ U Minh thì hiểu những chuyện "dóc bà cố" đó đều có phần cơ sở trên sản vật thiên nhiên đầy nhóc ở miệt rừng này.

Xuyên suốt từ thời khai hoang mở đất, xuyên qua hai cuộc chiến, qua thời nghèo khó..., những câu chuyện kể bác Ba Phi đã dung dưỡng biết bao tâm hồn những người từng biết hoặc chưa từng đặt chân đến rừng U Minh. 

Người ta gọi ông già "vua nói dóc" mà không "xạo mấy" là cũng phần có lý. Qua chuyện kể của ông già U Minh, hiện lên một thế giới thiên nhiên, con người với những tình tiết đầy ly kỳ mà dân dã, hào sảng. Đọc bác Ba Phi, người ta bật cười và nói: Đời vui thiệt!

Bác Ba Phi cứu nguy nhà văn đúng lúc

Lần khác, khi các con đứa học Hà Nội, đứa trúng tuyển ở Nha Trang mà nhà bà lại không có tiền cho các con đóng học phí. Đang không biết chạy tiền ở đâu ra thì NXB Kim Đồng lại gửi giấy báo nhận nhuận bút cho tiểu thuyết bác Ba Phi và thưởng tiền cho sách "best seller". Lại một lần nữa, bác Ba Phi xuất hiện đúng lúc cứu nguy nhà văn.

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 3: Bác Ba Phi ở xứ Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 3: Bác Ba Phi ở xứ 'lười biếng cũng hổng đói'

TTO - Những câu chuyện chừng "dóc bà cố" của bác Ba Phi được thế hệ hậu sinh truyền kể tiếp bằng chuyện thiệt từ thực tế cuộc sống.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên