31/07/2016 09:24 GMT+7

Ba Quý trưởng thôn

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - “Nói về Ba Quý thì nói một buổi không hết, cứ gặp dân Bình Mỹ thì họ nói cho nghe. Còn nói gọn nhất về Ba Quý thì đó là người vì dân” - anh Nguyễn Quang Trung, phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), nói.

Ba Quý (trái) trò chuyện với người dân ở ngã ba Ba Quý, cạnh cái hồ ông bỏ tiền đào lấy nước tưới cho dân - Ảnh: TRẦN MAI
Ba Quý (trái) trò chuyện với người dân ở ngã ba Ba Quý, cạnh cái hồ ông bỏ tiền đào lấy nước tưới cho dân - Ảnh: TRẦN MAI

“Toàn tâm toàn ý, vì dân, không nghĩ đến bản thân mình là điều rất dễ nhận thấy ở chú Ba. Hiếm có vị trưởng thôn nào mà bầu cử đại biểu HĐND đạt sự tín nhiệm 100%. Những đóng góp của chú Ba trong những năm qua không thể kể hết được

Anh Nguyễn Quang Trung (phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn)

Ba Quý tên đầy đủ là Võ Văn Quý, hiện là trưởng thôn Thạch An (xã Bình Mỹ) tuổi đã ngoài lục tuần. Mãi đến khi 60 tuổi ông mới xin vào Đảng và trở thành một trưởng thôn có tiếng của Quảng Ngãi.

Người mở đường

Năm 2013, trong lần bầu trưởng thôn, Ba Quý thắng cử tuyệt đối khi được 100% người dân trong thôn chọn. Và kể từ đó đến nay, hơn 20km đường giao thông nông thôn ở xã Bình Mỹ đã được nâng cấp, mở rộng, thậm chí hơn một nửa được bêtông hóa. Hàng chục cây số đường mương ông tự bỏ tiền thuê máy đào làm cho dân.

“Năm tôi làm trưởng thôn trùng với thời điểm xã phát động xây dựng nông thôn mới. Tôi thấy nông thôn mới gì mà đường bé tí, xe công nông vào không lọt. Thế là tôi quyết định mở hết tuyến đường quanh thôn rộng 5-6m để xe tải vào được” - Ba Quý nói.

Nói là làm, Ba Quý đứng ra tổ chức họp dân đề nghị nhường đất mở rộng đường. Lúc đầu bà con không chịu phần vì lo chi phí làm đường, phần sợ mất đất. Ba Quý đứng lên nói thẳng: “Bà con nhường đất, còn tiền máy ủi, máy đào để tôi lo”. Thế là sáng hôm sau, Ba Quý thuê xe máy đào bắt đầu mở rộng 1,5km đường đầu tiên. Mở đến đâu, vận động người dân đến đó.

Tám Quả (80 tuổi), ông già gân mà chưa có cán bộ xã nào xoay chuyển được quyết tâm giữ vườn của ông, giờ đã hiến hơn 180m2 đất cho Ba Quý mở đường cắt ngang nhà. Ông Tám từng nói: “Đời nào ai mở đường đụng vào đất tui được”. Chính Ba Quý cũng nghĩ là không đụng được, vậy mà cuối cùng ông đã thuyết phục được ông Tám Quả cho đất làm đường.

Ba Quý mở thêm nhiều tuyến đường mới, lúc này một người dân là con em địa phương làm ăn xa biết chuyện, đề nghị giúp Ba Quý 100 tấn ximăng làm đường bêtông. Ba Quý mừng quá cỡ, lập tức liên hệ mua cát, đá về làm đường, rồi nhờ người giúp mình tính toán thiết kế làm đường.

“Tôi bỏ tiền túi hết, cứ làm cho dân thấy lợi họ mới làm theo. Còn đi vận động thì lâu lắm” - Ba Quý tâm sự. Người dân thấy việc ông làm, tự nguyện hỏi ông góp tiền để cùng làm.

Đi cùng Ba Quý vào một cánh đồng sâu hun hút cuối rẫy keo, nơi có cái hồ chưa nước lớn ngay một ngã ba rộng. Đây là nơi người dân đặt tên là “ngã ba Ba Quý”.

Ông Võ Văn Dương, một dân làng, cho biết: “Từ ngày anh Ba lên làm trưởng thôn, bà con tui tâm phục khẩu phục. Cũng nhờ có ảnh đào cái hồ nước này mà bà con có nước tưới, nên vừa rồi tui trúng vụ dưa được gần trăm triệu đồng”.

Đường dây nóng Ba Quý

Người dân và chính quyền Bình Mỹ ai cũng biết từ ngày lên làm trưởng thôn Ba Quý bỏ tiền túi gần 300 triệu đồng làm các công trình đường giao thông, đường nội đồng, đào mương, lo cho người nghèo, làm cổng chào...

Anh Nguyễn Quang Trung cho biết: “Ở đâu khó, ở đó có Ba Quý, không chỉ trong thôn mà cả xã. Ba Quý giờ “vượt biên” ra khỏi thôn mình, cùng xã làm nhiều việc khác nữa. Nhờ đó mà Bình Mỹ có lá cờ đầu về phong trào nông thôn mới toàn tỉnh”.

Không chỉ giỏi làm đường, làm mương. Ba Quý còn là đường dây nóng, ở Bình Mỹ gần như già trẻ, lớn bé gì cũng có số điện thoại của ông. Chuyện lớn chuyện nhỏ đều nhờ ông giải quyết. Từ lấn bờ rào, chuyện anh em tranh chấp đất đai cho đến mấy vụ thanh niên đánh nhau.

“Giờ xóm làng yên bình, ai không có việc, anh Ba đi xin việc cho. Ảnh nói là làm. Dân ai cũng giữ số điện thoại của ảnh để có việc là gọi tới giải quyết” - một người dân nói.

Ba Quý không bao giờ nói quá nhiều trong các cuộc họp dân, ông nói ngắn gọn nhất để bà con còn về đi làm. Thắc mắc gì chỉ cần alô là ông trả lời. Kể cả việc làm đường, mỗi hộ góp 5 triệu đồng bêtông hóa, nhưng ai nghèo khó Ba Quý tới động viên chứ không lấy tiền.

Chị Lê Thị Sương (40 tuổi), cuộc sống rất khó khăn, ngày góp tiền làm đường chỉ có 500.000 đồng đưa cho Ba Quý. Ông nhận và ghi vào sổ 5 triệu đồng, khi thống kê số tiền trước dân, ông bỏ tiền túi nộp cho chị Sương. Rồi ông đứng ra kêu gọi mọi người giúp chị Sương sửa lại nhà.

Chị Sương rất cảm kích: “Mẹ con tôi cảm ơn anh Ba lắm, không có ảnh giờ còn ở cái nhà lụp xụp”.

Ba Quý rất giỏi kêu gọi nguồn hỗ trợ địa phương, làm chuyện bao đồng cho dân nên người dân nói vui: “Ba Quý là ôsin và ăn xin”.

Khi hỏi chuyện này, ông cười khà khà: “Đó là bà con thương tui nên nói vậy. Tui xin cho bà con, rồi ăn cơm nhà đi làm chuyện công. Chứ bà con góp một trăm tui góp năm, bảy triệu đồng. Mình phải tiên phong bà con mới tín nhiệm”.

Ba Quý rất giỏi làm kinh tế, những vùng đồi núi khô cằn ngày trước người dân chê, ông đã cải tạo thành rẫy keo, cao su... nhờ có tiền từ làm ăn nên mới đóng góp nhiều cho địa phương như thế.

Đầu năm 2016, ông bán rẫy keo được hơn 100 triệu đồng, thế là bỏ tiền làm mương, xây cổng chào và thuê xe đào làm đường nội đồng hết hơn 70 triệu đồng.

Nói về việc làm này của mình, ông buột miệng đơn giản: “Chết có mang theo được đâu. Mình có tiền thì đóng góp cho bà con chứ để chi cho mục”.

Thủ tướng tặng bằng khen

Ông Võ Văn Quý từng được (nguyên) bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tặng bằng khen về những đóng góp xây dựng bêtông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015.

Ông đã nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp trong xây dựng nông thôn mới, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác của tỉnh, huyện, xã tặng với các lĩnh vực khác nhau.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên