TT - Tặng các cháu đang và sẽ vào lớp 1.
Niềm vui bé Q.A. được vào lớp 1 ở một trường tiểu học gần nhà nhanh chóng qua đi. Khi năm học thực sự đi vào nề nếp, cả gia đình, gồm cha mẹ cháu, cháu và tôi là bà trẻ của cháu, rơi vào khủng hoảng.
Không chỉ là thời khóa biểu của cháu giờ phải chính xác hơn, khuôn phép hơn mà còn cả một “trời” biến đổi mở ra trước mắt chúng tôi. Nhưng điều khủng khiếp, tồi tệ nhất không chỉ đối với Q.A. mà với mọi người trong gia đình là việc kèm dạy Q.A. mỗi tối của ba cháu. Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng nổi đứa trẻ 7 tuổi đó phải gò lưng, căng mắt đếm bao nhiêu ôli cho mỗi chữ cái nó phải học, trong khi đứng đằng sau lưng nó là ông “cai ngục” với cái thước gõ từng nhịp.
Các buổi học thường bị gián đoạn bởi tiếng khóc của đứa trẻ, bởi sự can thiệp, bởi những trận cãi nhau của người lớn về phương cách dạy học. Tôi thường hỏi người cha quá cầu toàn đó những câu hỏi mà tôi muốn hỏi tất cả những bậc cha mẹ:
- Nếu cháu đứng đầu lớp mà tinh thần luôn nơm nớp lo sợ khi ngồi vào bàn học, liệu chúng ta có nên trả cái giá đó không?
- Mới vào lớp 1, sự học đã là một gánh nặng cho trẻ, liệu trẻ có hứng thú hướng đến con đường học dài đăng đẳng trước mắt?
- Cô giáo em có thật sự ngồi đếm từng chữ, từng ôli và từng điểm dừng nhỏ nhặt nhất? Hay chỉ những sai biệt quá lớn mới là điều cô muốn nhắm tới?
- Khi cầm một lá thư, một tờ đơn, chúng ta có thật sự quan tâm xem chữ có tròn đầu, có kéo đến điểm dừng ở đâu, hay chỉ sự sạch sẽ, sự trình bày rõ ràng của người viết mới là điểm nhấn?
Vả lại, để thích nghi với thời đại, môi trường sống hiện đại, chỉ vài năm sau các em đã sử dụng máy tính để viết, liệu việc bỏ ra quá nhiều thì giờ cho một khả năng không sử dụng lâu dài có đáng công không?
Thay vì bỏ quá nhiều thì giờ, công sức để rèn cái chữ cho thật đẹp, thật đúng hàng, đúng ôli, nên chăng cha mẹ, thầy cô nên dùng chúng vào việc giáo dục cho trẻ biết vâng lời, lễ phép và các kỹ năng sống thì tốt biết bao.
Một người bạn Mỹ đã khoe với tôi một bức tranh với những dòng chữ nguệch ngoạc của đứa cháu 5 tuổi của bà, “xem này, Bird đã biết vẽ tranh, viết lời diễn tả cho bức tranh nữa đó”. Khi tôi hỏi bà sao không rèn chữ cho cháu, bà tròn mắt nhìn tôi nói: “Ồ, không. Đừng lo việc đó, cái quan trọng là nó biết diễn tả ý mình. Cái quan trọng là nó tự tin cầm bút!”.
Những ngày cuối tuần khi đi qua các trung tâm ngoại ngữ thấy vô số đứa trẻ đi học thêm, lưng đeo balô trĩu nặng mà lòng tôi trĩu nặng. Đâu rồi tuổi thơ của trẻ? Có phải vì thế mà trẻ em bây giờ thường già trước tuổi, hiểu đời quá sớm và lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Có phải vì thế mà chúng ta ít có người trẻ học lên cao, đi vào chuyên ngành ở các bậc sau đại học như tại các xứ mà trẻ con được dùng tay trái, được viết nguệch ngoạc khi mới làm quen với cây bút?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận