06/02/2004 07:15 GMT+7

Bà Ngô Bá Thành - "người đàn bà thép" đã ra đi...

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ai trong số người chúng tôi hỏi cũng sửng sốt khi nghe tin bà luật sư Ngô Bá Thành đã ra đi. Dường như với mọi người, hình ảnh “người đàn bà thép” này luôn phải gắn liền những phong trào đấu tranh, những lý lẽ, yêu cầu đanh thép. Chỉ mới đây thôi, những kẻ hậu sinh như tôi vẫn còn được may mắn đọc báo, xem tivi về phong cách phát biểu của bà trong các kỳ họp Quốc hội...

tgJjnHbk.jpgPhóng to
Bà Ngô Bá Thành trong lần về thăm tịnh xá Ngọc Phương trước Tết Giáp Thân 2004
TT - Ai trong số người chúng tôi hỏi cũng sửng sốt khi nghe tin bà luật sư Ngô Bá Thành đã ra đi. Dường như với mọi người, hình ảnh “người đàn bà thép” này luôn phải gắn liền những phong trào đấu tranh, những lý lẽ, yêu cầu đanh thép. Chỉ mới đây thôi, những kẻ hậu sinh như tôi vẫn còn được may mắn đọc báo, xem tivi về phong cách phát biểu của bà trong các kỳ họp Quốc hội...

Người phụ nữ đòi quyền sống

Năm 1970, ngay giữa Sài Gòn, báo chí Sài Gòn đồng loạt đưa tin về buổi ra mắt Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống tại chùa Ấn Quang. Hơn 1.000 người đã tham dự buổi lễ ra mắt này, trong đó người ta nhận thấy những người tiêu biểu cho nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ, nhiều địa phương. Lần đầu tiên có một sự liên kết rộng rãi như vậy giữa những người phụ nữ, và họ liên kết lại để làm một việc rất giản dị, rất bức thiết, rất quyết liệt: đòi quyền sống...

Rất nhiều chị, trong đó có cả các ni sư, đã rơi nước mắt khi nghe bài phát biểu của bà Ngô Bá Thành trong vai trò chủ tịch ủy ban, một nhân sĩ yêu nước vốn đã nổi danh từ lâu về các phong trào đòi hòa bình, dân tộc tự quyết.

Lời lẽ lúc chân thành cảm động, lúc bén nhọn gay gắt, bà đã chỉ rõ những việc mà người phụ nữ không thể không làm để chung tay với phong trào đòi hòa bình: nói lên tiếng nói của mình, đòi lại quyền sống cho chồng con, em cháu và cho chính mình.

Từ đó, Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống (sau này được mở rộng ra thành Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống) đã trở thành một lực lượng đấu tranh đắc lực, một nỗi ngán ngại cho chính quyền Sài Gòn.

i1eh9DBz.jpgPhóng to
Bà Ngô Bá Thành (áo đen) cùng các ni cô tịnh xá Ngọc Phương trong một cuộc biểu tình ngồi trước Hạ nghị viện Sài Gòn năm 1972 (nay là Nhà hát TP) - Ảnh: TƯ LIÊU
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn lúc bấy giờ, cứ nhắc đi nhắc lại mãi rằng nếu phong trào của phụ nữ không có được bà Ngô Bá Thành, người có tài tổ chức một cách lớp lang, phối hợp tuyệt vời thì những phong trào quyết liệt của sinh viên học sinh (SV-HS) chắc sẽ không được nổi đình đám như thế.

Các má, các chị mua giấy màu để SV làm biểu ngữ, mua xăng, nguyên liệu cho SV làm bom xăng, tiếp tế lương thực, dụng cụ chống lựu đạn cay cho SV trong những đợt đấu tranh...

“Có chị Thành, vai trò hậu cần của các má phong trào được đẩy bật lên. Một lần Tổng hội SV của chúng tôi bị bao vây chặt lúc đang họp bàn triển khai phong trào đốt xe Mỹ ở 207 Hồng Bàng, cảnh sát vây kín xung quanh, quây dây kẽm gai vòng trong vòng ngoài.

Giữa lúc chúng tôi đang nát óc nghĩ cách thoát khỏi thì ai đó reo lên: chị Thành đến. Qua hàng rào kẽm gai, tôi thấy chị dẫn theo hàng ngàn người, từ SVHS, các ba má phong trào đến tăng ni, phật tử.

Chị lớn tiếng tranh luận với cảnh sát về pháp luật, hiến pháp nhưng chúng vẫn không hạ súng. Thế là chị ra hiệu cho mọi người ào lên giật súng, dùi cui, kéo dây kẽm gai... Cảnh sát chạy mất, chúng tôi được giải thoát”.

Một lần khác, Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống của bà Thành đã giải thoát được 21 SV bị giữ tại Viện Đại học trong cơn mưa lựu đạn cay... Ủy ban tổ chức nhiều đợt biểu tình để hỗ trợ đợt tuyệt thực đòi trả tự do cho các SV bị bắt, cho phong trào “Ký giả ăn mày”..., rồi đi làm lễ “Cầu nguyện hòa bình” ở tận Cái Nhum...

Bà Ngô Bá Thành (tên thật là Phạm Thị Thanh Vân, sinh 1931) - tiến sĩ luật Đại học Paris và Barcelona; phó tiến sĩ luật đối chiếu Đại học Columbia, New York; phó chủ tịch Hội Luật gia VN; ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN; ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT VN; nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, X...

Mất ngày 3-2-2004 tại Hà Nội.

Chị Trần Thị Lan, một người của tổ chức cách mạng trong đoàn chủ tịch của ủy ban, bảo rằng vai trò của bà Thành trong việc xây dựng và phát triển hoạt động của ủy ban rất lớn.

Tài diễn thuyết, vận động của bà đã lôi kéo được mọi tầng lớp từ công nhân, nông dân đến tiểu thương, trí thức, cả những người đang đương chức, có vai vế trong xã hội. Để mở rộng hoạt động, ủy ban đã đổi tên thành Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, đoàn chủ tịch đi khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông xây dựng được hàng loạt hệ thống chân rết lớn mạnh.

Áo dài và cái loa

In đậm hơn cả trong câu chuyện của bạn bè, anh chị em phong trào đã từng sát cánh bên bà Ngô Bá Thành là hình ảnh một người phụ nữ thật mạnh mẽ, tự tin, không e ngại, lo lắng, chùn bước trước một cản ngại nào.

Ni sư Ngoạt Liên bảo chắc chẳng bút mực nào kể hết chuyện về bà. Bà Thành trong câu chuyện của bạn bè là một phụ nữ bé nhỏ, thường xuyên xuất hiện ở hàng đầu các cuộc biểu tình với tà áo dài và một cái loa cầm tay, lý lẽ rất sắc bén, hành động rất bất ngờ, quả cảm.

Có lúc bà leo hẳn lên nóc xe buýt diễn thuyết; phía bên kia, cảnh sát cũng điều tới một chiếc xe, mở loa khuếch đại oang oang... rao bán mì con cua để át giọng.

Hàng chục lần bà đã bị bắt rồi lại được thả ra cũng nhờ tài diễn thuyết, đấu lý; hàng chục lần khác bà ra tòa để biện hộ và cãi trắng án cho SVHS, những người tham gia phong trào bị bắt.

Có lần bị giam ở khám Chí Hòa, bị gọi lên lấy khẩu cung, vừa bước vào phòng bà đã làm cả giám thị lẫn cảnh sát mất hồn khi rút chiếc guốc dưới chân ra đập nát tấm hình Nguyễn Văn Thiệu đang treo trên tường.

Những lý lẽ, phân tích sắc bén về hòa bình và chiến tranh ở VN bà đã mang đi diễn thuyết ở nhiều nơi trên thế giới. Những tuyên ngôn, tuyên cáo của phong trào được phát đi khắp nơi. Kể cả khi bị giam trong tù, bà vẫn dùng bình tưới cây làm loa, vẫn viết thư ngỏ gửi quản đốc trại giam, gửi các đoàn kiểm tra để đòi thuốc, đòi sự chăm sóc cho tù nhân...

Vậy nên không ngạc nhiên khi trong các kỳ họp Quốc hội của ta sau này, những bài phát biểu, thảo luận của bà luôn khuấy động không khí nghị trường.

Mới đây, nhiều người rất ấn tượng về thái độ quyết liệt của bà khi phản đối đạo luật nhân quyền được phía Mỹ đưa ra để gắn kết vào Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, khi bà gay gắt phản đối việc một tiểu bang ở Mỹ cho phép treo cờ ba sọc. Mấy chục năm trước bà đã được học tập ở Pháp, ở Mỹ và đã sử dụng những hiểu biết ấy để phục vụ VN.

Đọc lướt qua mạng Internet, tôi thấy vô số những bài viết đả kích bà từ những người Việt quá khích ở hải ngoại, lại càng hiểu hơn những áp lực, nguy hiểm của một thời mà bà phải đối mặt khi tổ chức và trực tiếp dẫn đầu những hoạt động chống lại chế độ Mỹ ngụy ngay giữa lòng Sài Gòn.

Vậy mà có lần một cuộc hội thảo quốc tế của Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống đã được tổ chức ngay tại nhà riêng của bà, tuyên ngôn chính trị đầu tiên của phong trào cũng đã được thảo ra ngay tại hội thảo này.

Ni sư Ngoạt Liên bảo từ hôm nghe tin bà Ngô Bá Thành mất, ni sư không ngủ được dù đã thấm nhuần quan niệm sinh tử.

Mới tết vừa rồi, bà còn đến tịnh xá Ngọc Phương hai lần, ăn cơm chay và hàn huyên chuyện cũ. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm thì luôn miệng kêu “trời” khi nghe tin bà mất. Người bạn, đồng chí chí cốt Trần Thị Lan của bà thì vội vã bay ngay ra Hà Nội... Chỉ ngần ấy là đủ để hiểu về những tiếc thương mà bà để lại...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên