Học sinh Thân Thế Công và Trương Phi Hùng (đôi bạn cùng lớp 12 vật lý Trường THPT chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) vừa đoạt huy chương vàng tại kỳ thi Olympic vật lý quốc tế năm 2024 tổ chức tại Iran.
Ngoài ra, trong kỳ thi Olympic hóa học quốc tế năm 2024 tại Saudi Arabia, Giáp Vũ Sơn Hà - lớp 12 chuyên hóa Trường THPT chuyên Bắc Giang - cũng xuất sắc giành huy chương vàng.
Cẩn thận từng chi tiết nhỏ
Nở nụ cười, Trương Phi Hùng kể với phóng viên Tuổi Trẻ khi biết kết quả, bạn vỡ òa xúc động, hạnh phúc vì công sức thời gian qua được đền đáp.
Có nền tảng toán học vững vàng, chuẩn bị kiến thức tốt nên những ngày thi ở Iran (21 đến 29-7) Hùng không ngợp phần lý thuyết, chỉ hơi lo lắng bài thực hành về đo nhiệt. Bởi đây là bài khó, mới, nhiều thao tác và không có cơ hội làm lại. Dành hầu hết thời gian cho ôn luyện lý thuyết, Hùng chỉ có khoảng hai tháng thực hành. Do vậy, nhiều buổi tối Hùng xuống phòng thí nghiệm để tự hoàn thiện kỹ năng.
Hùng luôn đặt tinh thần tự học, cẩn thận lên trên hết. Dù là chi tiết nhỏ như chỉnh bục thí nghiệm sao cho thẳng, kiểm tra dây điện có hở điện hay không... Có thành tích "khủng" nhưng Hùng nói vẫn "sợ" khi nhắc đến thuyết tương đối của nhà bác học Albert Einstein hay quang hình học.
"Để học tốt vật lý, mình nghĩ cần có nền tảng toán tốt vì toán là ngôn ngữ của vật lý. Toán diễn giải vật lý rõ ràng. Vật lý là môn lý thuyết đi đôi với thực hành, nắm rõ hiện tượng mới hiểu rõ. Nếu học một chiều, học thuộc thì không tiến xa được" - Trương Phi Hùng tâm sự.
Thi Olympic quốc tế với tâm lý học hỏi, giao lưu với bạn bè quốc tế, Hùng chia sẻ nhiều về đất nước, khí hậu, con người Việt Nam và không quên chia sẻ "bí kíp" học tốt.
Chẳng hạn, thầy cô Việt Nam truyền lửa, tận tâm chỉ dạy nhưng không sửa bài ngay mà yêu cầu học sinh trình bày cách giải theo cách hiểu cá nhân. Thầy không sửa bài, cho đáp án thụ động mà dẫn dắt, góp ý từng bước giải, lỗi logic trong tư duy...
Đổi lại, nhiều bạn ở đội Olympic Nga kể về cách rèn tính kỷ luật, kỷ cương. Đó là cơ chế thẻ vàng. Nếu học sinh đi muộn, hành xử thô lỗ sẽ nhận thẻ vàng. Nếu có hai thẻ vàng sẽ phải nhận thẻ đỏ và rời khỏi đội.
Tự nhắc mình khoác áo tuyển Việt Nam
Là bạn thân ngồi học cùng bàn ba năm THPT, cùng ăn "cơm tuyển" với Hùng, Thân Thế Công bày tỏ dù nắm chắc kiến thức nhưng cũng lo lắng vì dạng đề thi quốc tế nhiều câu hỏi dài trên nhiều trang giấy.
Giàu kinh nghiệm đi thi, Công cẩn thận dành thời gian kiểm tra lại từng số liệu, bước triển khai, xem chỗ nào trình bày chưa logic để không mất điểm số vì tự nhắc mình đang khoác màu áo của đội tuyển Việt Nam.
Công bộc bạch thường đặt mục tiêu từ sớm, đầu tư cho nền tảng toán học tốt, rèn luyện tư duy vật lý nhạy bén. Từ cấp THCS, Công đã tò mò, thắc mắc, hỏi thầy cô về các hiện tượng như tại sao trời mưa, tại sao cầu vồng nhiều màu, điện có từ đâu...
Công kể có bài khó, kiến thức mới, bạn thức tới 2 - 3h sáng để suy nghĩ, cuối cùng mệt quá, ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Không bỏ cuộc, sáng hôm sau, nam sinh gặp thầy giáo nhờ giải đáp, nghe đến khi nào hiểu thì thôi.
"Tôi luôn xác định cố gắng học tập, trau dồi tiếng Anh để sau này trở thành nhà nghiên cứu vật lý hoặc kỹ sư điện..." - Thân Thế Công chia sẻ.
Nói về tình bạn, Hùng và Công rôm rả về những lúc tranh cãi về bài học, quan điểm giải bài tập. Hùng mong ước trở thành kỹ sư CNTT, còn Công đặt mục tiêu trở thành kỹ sư điện hoặc nhà nghiên cứu vật lý trong tương lai. Dù bận học song hai bạn vẫn có những phút giây giải trí như đi xem phim ở rạp, nghe nhạc, đi bộ, dạo ngắm phố phường...
Theo thầy Nguyễn Văn Đóa - giáo viên vật lý Trường THPT chuyên Bắc Giang, cả Trương Phi Hùng và Thân Thế Công đều chứng tỏ năng lực, kiến thức tốt, bản lĩnh thi tài trước các thí sinh rất giỏi đến từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ...
Tuy nhiên, hai học sinh đôi lúc tính toán sai, đọc lướt, làm tắt những câu dễ dẫn tới mất điểm nên thầy trò thường ngồi lại trao đổi, chỉ ra lỗi sai để khắc phục. Thầy Đóa cho biết vật lý đòi hỏi đam mê, tư duy toán học sắc bén, liên tục đặt câu hỏi vì sao.
"Hiện tượng vật lý đã có, các em phải ghi nhớ kiến thức tổng quát và bản chất vật lý, cộng thêm rèn luyện tư duy toán học để nhanh chóng đưa ra kết quả...", thầy cho hay.
Sơn Hà và huy chương vàng hóa quốc tế
Trong kỳ thi Olympic hóa học quốc tế năm 2024 tại Saudi Arabia, Giáp Vũ Sơn Hà - Trường THPT chuyên Bắc Giang - cũng xuất sắc giành huy chương vàng.
Sơn Hà cho hay kỳ thi có nhiều phần khó, mới, lạ nhưng nhờ tâm lý ổn định, hít thở sâu, uống đủ nước nên có tâm trạng làm bài tốt nhất. Dù vậy, Hà hơi tiếc nuối khi xóa một bài làm do "không yên tâm", sau đó kết quả bài đó lại đúng.
"Hết giờ học trên lớp, tôi sẽ chọn ra những kiến thức trọng tâm, quan trọng nhất để tìm hiểu sâu qua sách vở, tài liệu trên mạng. Buổi tối là thời gian thích hợp để xem lại bài cũ vì yên tĩnh. Tùy tính chất cuộc thi, thời gian sẽ nhiều hay ít. Nếu vào giai đoạn gấp rút, tôi duy trì ôn luyện trong khoảng 19h - 24h tối để duy trì cường độ cao, quen với áp lực khi thi. Sau đợt học căng thẳng, tôi sẽ giảm 1 - 2 tiếng để giữ sức khỏe", Hà chia sẻ.
Vẫn khoác áo blouse trắng ở phòng thí nghiệm, thầy Vương Trường Sơn - giáo viên hóa học Trường THPT chuyên Bắc Giang -cho biết Sơn Hà rất thông minh, sáng tạo, tự tin, có khả năng tự phát hiện, tự đọc, tự nghiên cứu, khắc phục điểm yếu và đam mê môn hóa.
Từ lớp 10, Hà luôn hoàn thành nhanh chóng bài tập, sau đó còn tìm hiểu thêm kiến thức mới. Để đạt thành tích cao, Hà được thầy cô rèn giũa, bồi dưỡng, nhất là kỹ năng thực hành.
Những đôi dép tổ ong bình dị
Thầy Nguyễn Duy Phương kể rất ấn tượng với ba học sinh trên vì thói quen đi dép tổ ong. Dù thành tích cao, không ai có biểu hiện của ngôi sao mà hòa đồng, bình dị, ngoan ngoãn.
"Tôi còn nói khi nào kết thúc khóa học, các con cho thầy xin lại những đôi dép tổ ong đã từng đi. Thầy nói cho các thế hệ sau là các anh học giỏi giang như thế nhưng rất bình dị, đi dép tổ ong rẻ tiền. Không phải vì thế mà các em không chói sáng, vẫn chói sáng" - thầy Phương hồ hởi nói.
Kỳ tích chưa từng có
Theo thầy Nguyễn Duy Phương - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Giang, ba học sinh tham dự kỳ thi Olympic quốc tế của trường giành huy chương vàng là kỳ tích chưa từng có. "Khi nhận thông tin, không chỉ tôi mà các thầy cô của trường, các học sinh, ngành giáo dục Bắc Giang rất sung sướng, phấn khởi và tự hào với học sinh", thầy Phương nói.
Việc này có được nhờ sự quan tâm, đầu tư giáo dục của tỉnh Bắc Giang như tăng số buổi dạy của giáo sư, học bổng khuyến khích, chủ trương xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao ở khối THCS...
Với thành tích trên, ba em Thân Thế Công, Trương Phi Hùng, Giáp Vũ Sơn Hà nhận bằng khen và tiền thưởng (gần 121,7 triệu đồng/người) từ chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Ba em còn được các địa phương, hội khuyến học, hội đồng hương Bắc Giang, đại diện trường đại học, nhà hảo tâm tặng thưởng tiền, phần quà giá trị...
Tương tự, hai giáo viên trực tiếp bồi dưỡng là Nguyễn Văn Đóa và Vương Trường Sơn cũng nhận bằng khen và tiền thưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận