15/12/2022 09:53 GMT+7

'Bà đỡ' cho công nghiệp Việt

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Để tạo nội lực cho nền công nghiệp cả nước, nhiều quốc gia đã tạo những "bà đỡ" cho doanh nghiệp. Mô hình trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp ở Việt Nam bước đầu được hình thành, đem lại niềm hy vọng mới.

Bà đỡ cho công nghiệp Việt - Ảnh 1.

Khu kỹ thuật để thử nghiệm sản phẩm cơ khí của IDC - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) ở phía Bắc trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhiều khóa đào tạo học viên về xây dựng nhà máy thông minh và thiết kế sản phẩm đang diễn ra.

Những kết nối bước đầu

Cầm trên tay một linh kiện được sản xuất, chế tạo bởi những chiếc máy phay CNC ba trục có độ chính xác cao, ông Cao Văn Bình, quyền giám đốc IDC, cho hay đây là chi tiết linh kiện trong bộ áo khuôn được các chuyên gia kỹ thuật của trung tâm tiến hành gia công, thử nghiệm.

Sau khi được phay thô, chi tiết linh kiện này sẽ được chuyển sang máy phay tinh với độ chính xác và tinh xảo cao hơn, trước khi chuyển qua máy đo tọa độ không gian 3 chiều để kiểm tra thông số kỹ thuật của sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng cho những đơn hàng đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao.

Chính thức ra mắt vào năm 2019, IDC được xem là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam về hỗ trợ phát triển công nghiệp với mục tiêu thực hiện Chương trình công nghiệp hỗ trợ trong nước, từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh việc hỗ trợ công tác quản lý như xây dựng các chính sách pháp luật, theo ông Bình, IDC còn cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp như điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu; tư vấn nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp; tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn phát triển sản xuất, kinh doanh...

IDC đã phối hợp với Công ty Samsung Việt Nam đào tạo các chuyên gia tư vấn (tư vấn viên) cải tiến sản xuất, đến nay đã đào tạo được 447 chuyên gia tư vấn. Trung tâm này cũng phối hợp với Công ty Samsung Việt Nam, Viện Kiteck Hàn Quốc để đào tạo nâng cao trình độ cho hàng trăm nhân lực trong ngành khuôn mẫu; chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến với gần 400 doanh nghiệp.

"Đặc biệt, IDC triển khai các hoạt động kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức triển lãm thường niên như Triển lãm VIMEXPO với mục tiêu kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và cung ứng toàn cầu", ông Bình cho biết thêm.

Mang lại nhiều kết quả tích cực

Đưa chúng tôi tham quan phòng kỹ thuật - nơi tập trung nhiều máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại của IDC, anh Chung - một chuyên gia kỹ thuật tại IDC - cho biết với những doanh nghiệp có nhu cầu kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm thì sẽ được sử dụng thiết bị này để đo, kiểm tra kích thước, phân tích xác định thông số vật liệu; xác định khuyết tật, thiết kế, nghiên cứu phát triển khuôn mẫu và các chi tiết cơ khí chính xác.

Chỉ vào hai chiếc máy được đặt trong phòng lạnh đặc biệt, ông Cao Văn Bình cho biết đây là máy X-Ray nhằm "siêu âm" để nhận biết được những khuyết tật của sản phẩm mà bằng cảm quan thông thường không thể nhìn thấy, đồng thời kiểm tra độ bền vật liệu, độ rỗ bề mặt hay kết cấu có đủ đảm bảo điều kiện hay không.

Riêng máy CNC năm trục sẽ giúp gia công các chi tiết khuôn mẫu cần có độ chính xác cao, các chi tiết khuôn mẫu có kích thước nhỏ và yêu cầu cao về độ khó, độ tinh xảo. Đây được xem là những thiết bị hiện đại nhất thế giới, được Nhà nước đầu tư và đưa vào sử dụng phục vụ quá trình đào tạo chuyên gia về khuôn mẫu và đo kiểm.

Anh Đức - một học viên thực hành - cho biết việc học lý thuyết gắn với thực hành mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt khi ứng dụng và sử dụng hệ thống máy móc hiện đại được IDC đầu tư giúp việc thiết kế, chế tạo sản phẩm khuôn mẫu đạt độ chính xác cao hơn, giảm tỉ lệ sai, lỗi trong quá trình sản xuất, từ đó tăng chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.

Theo bà Nguyễn Thị Bảy - trưởng phòng quản lý sản xuất của JK Việt Nam, được công ty cử đi đào tạo về phát triển nhà máy thông minh tại IDC, nhiều doanh nghiệp sản xuất đều mong muốn xây dựng nhà máy thông minh, chuẩn hóa quy trình sản xuất, số hóa để thiết kế hệ thống và vận hành. Ngay cả JK cũng chỉ mới số hóa được một phần, đó là hệ thống quản lý kho thông minh.

Vẫn cần khai thông cơ chế

Tuy nhiên, ông Cao Văn Bình cho hay việc mở rộng cho doanh nghiệp được tiếp cận hệ thống máy móc dùng chung để thử nghiệm sản phẩm lại đang bị ràng buộc bởi những cơ chế, chính sách. Cho đến nay, IDC chỉ mới ban hành định mức kinh tế kỹ thuật... để áp dụng trong nội bộ, chủ yếu phục vụ hoạt động đào tạo học viên chứ chưa thể mở rộng để nhiều doanh nghiệp đến đăng ký sử dụng máy móc cho thử nghiệm sản phẩm.

Để xây dựng được chi phí dùng chung với các thiết bị này, theo ông Bình, cần có thời gian nghiên cứu đánh giá. Mô hình hoạt động của IDC là đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, trung tâm cần phải thực hiện việc cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Nhưng theo quy định, lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ chưa nằm trong danh mục, nên cần tính toán bổ sung. Anh Nguyễn Văn Thành - Công ty TNHH công nghệ Thành Thắng - đánh giá cao vai trò các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm vì doanh nghiệp đang gặp khó trong khâu này dù vừa nhận được một số đơn hàng nhờ làn sóng chuyển dịch đầu tư.

Đây cũng là khâu góp phần quyết định việc doanh nghiệp có giành được đơn hàng hay không. Vì đối với mỗi sản phẩm, nhà mua hàng sẽ đưa thiết kế, bản vẽ để doanh nghiệp sản xuất theo mẫu thiết kế. Với những linh kiện khuôn mẫu có độ phức tạp, chi tiết gia công yêu cầu kỹ thuật cao, nếu không có máy móc thiết bị để thử nghiệm thì doanh nghiệp gần như bế tắc.

"Phải thử nghiệm được sản phẩm mới đầu tư tiền để mở rộng sản xuất hay nhận những đơn hàng có giá trị gia tăng cao. Do đó, Nhà nước cần phát triển, tạo điều kiện để có những khu thử nghiệm sản phẩm thuận lợi với đầy đủ máy móc để doanh nghiệp có thể thuê với chi phí phù hợp. Điều này giúp chúng tôi giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu và đưa ra định hướng kinh doanh hiệu quả hơn", anh Thành đề nghị.

Góp phần vào nhiều hợp đồng, liên kết

Trong 3 năm triển khai, mỗi năm có hơn 100 doanh nghiệp hỗ trợ và hơn 50 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đầu chuỗi ngành ô tô, cơ khí, điện tử được IDC tư vấn chuyên sâu.

Nhờ đó đã có nhiều đơn hàng, hợp đồng được ký kết giữa các bên như Công ty cổ phần Innotek kết nối thành công với Công ty TNHH Denso VN, Công ty TNHH Toyota VN và Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH cao su Giải Phóng trở thành nhà cung cấp cho Công ty ô tô Toyota VN...

Công nghiệp hóa tại Việt Nam cần vượt 'bẫy' gia công lắp ráp Công nghiệp hóa tại Việt Nam cần vượt "bẫy" gia công lắp ráp

TTO - "Việt Nam cần tiên phong phát triển một số ngành công nghiệp mới dựa trên lợi thế quốc gia như con đường mà Nhật Bản, Hàn Quốc từng làm, hay chỉ dừng lại ở việc trở thành công xưởng của thế giới?".

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên