Chiều 4-3, một mạnh thường quân đã ủng hộ bà Ba hơn 100 bộ đồ trẻ em nên bà đã vào bệnh viện khác với lịch hàng tuần và trao cho các bệnh nhi có mặt - Ảnh: TỐ OANH
Từ năm 1985, Trung tâm Ung bướu TP.HCM - tiền thân của Bệnh viện Ung bướu - ra đời đã đón bước chân của bà. Khi ấy, bà còn là cô nhân viên Công ty Thuốc sát trùng VN. Đều đặn mỗi tuần, bà dành một buổi vào bệnh viện tặng quần áo mới cho bệnh nhi ung thư từ đồng lương ít ỏi của mình.
Hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè và những mạnh thường quân biết việc làm của bà tự nguyện góp thêm một chút để mỗi bệnh nhi cứ 20 ngày được bà Ba tặng bộ quần áo mới.
"Bé nào nhận đồ cũng vui, cha mẹ tụi nhỏ cũng vui. Tui thích được nhìn thấy ánh mắt lấp lánh, sáng trưng của tụi nhỏ."
Bà Nguyễn Thị Trinh
Trung tâm được nâng thành bệnh viện, khoa ung bướu nhi ra đời, số bệnh nhi mỗi ngày một tăng. Bà vào tuổi nghỉ hưu, nên đến bệnh viện hai buổi thứ ba và thứ năm trong tuần.
Bà chậm rãi đi từng phòng bệnh ghi tên bệnh nhi mới hay các bé đến "đáo hạn 20 ngày" kèm chú thích giới tính, tuổi và không quên ghi thêm chữ "Lớn" - "Nhỏ" theo vóc dáng để lựa cho từng bé bộ đồ thật vừa vặn.
Thời gian nối thời gian, sức khỏe nay yếu đi nhiều ở tuổi 75, nhưng bà vẫn chạy chiếc xe máy cà tàng chở quần áo trẻ con ra vào bệnh viện. Thấy bà xuất hiện đầu cửa hành lang khoa là tụi nhỏ reo hò, chạy đến quấn lấy bà, miệng ríu rít gọi: Bà Ba! Bà Ba! Bà Ba...
Hỏi bà: "Có nhiều thứ khác, sao bà chọn tặng quần áo cho tụi nhỏ?", bà nở nụ cười lộ hàm răng rụng mất mấy chiếc: "Ít tiền của mình ăn cái bánh cái kẹo cũng hết. Tụi nhỏ thích quần áo mới lắm".
Mẹ của bệnh nhi Phùng Ngọc Chi - mới 9 tuổi nhưng đã có 8 năm ở Bệnh viện Ung bướu - nhẩm đếm: "Riêng bé Chi được cả chục bộ đồ của bà Ba rồi".
Hộ lý Phượng của khoa nhi, hàng xóm của bà Ba ở con hẻm nhỏ đường Nguyễn Du, quận Gò Vấp, kể: "Bà Ba sống độc thân, tiết kiệm từng li từng chút, không dư dả gì nhưng hết lòng vì các bé bệnh nhi. Ở xóm ai cũng thương mến".
Nhiều phụ huynh đã kể cho bà nghe rằng trước khi mất, các bé chỉ muốn mặc bộ đồ của bà Ba cho. Và thật nhiều bộ đồ ấy đã được gia đình gửi theo các bé đi vào lòng đất.
Cứ hết năm, bà lại "thanh lý" những quyển tập học trò đã viết đầy ắp tên bệnh nhi. "Để lại làm gì, biết bao đứa nhỏ trong đó đã ra đi. Xem tên sẽ lại nhớ mặt, xót lòng lắm" - bà trầm ngâm.
Tết giờ thấy bà buồn dàu dàu. Hỏi ra mới biết ngày cận tết có mạnh thường quân bà gặp đôi ba lần khi vào bệnh viện nhờ đổi 100 phần tiền mới trao lì xì cho bệnh nhi, nhưng chưa chuyển lại phần tiền bà đã ứng.
Đó là khoản tiền tích lũy cuối cùng của bà (25 triệu đồng). Rồi mối quần áo trẻ em vừa bán vừa ủng hộ bà bao năm qua mới nghỉ bán.
Thứ ba tuần rồi là ngày hiếm hoi bà không vào bệnh viện, tối thứ tư bà lẩm bẩm: "Mai là thứ năm, mai lại vào ghi tên tụi nhỏ. Mà ghi rồi đồ đâu cho các bé? Tiền lương hưu cũng chưa tới kỳ nhận. Thôi cứ vào bệnh viện gặp tụi nhỏ lòng sẽ vui hơn".
Rồi bà mỉm cười, khẽ rung môi nhại lại cái cách các bé bệnh nhi hay ríu rít đón bà: "Bà Ba! Bà Ba! Bà Ba...".
Hỏi: "Tết bà có sắm cho mình đồ mới không?", bà chia sẻ: "Tui già rồi, nhiều năm qua chỉ vài bộ đồ mặc qua mặc lại là đủ, để dành tiền cho tụi nhỏ". "Vì sao bà chọn các bệnh nhi làm một phần trong cuộc sống của mình?", nét mặt bà giãn ra: "Thương lắm mấy nhỏ hôm nay thấy, mai lại không còn"...
Cuộc sống đơn chiếc vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bà đã chọn cách sống đem niềm vui đến cho người khác như niềm vui sống của chính bà.
Lan tỏa những câu chuyện đẹp, nhân văn, hay nhắc nhau còn đó những điều chỉ cần mỗi người thay đổi một chút thì cuộc sống này sẽ ấm áp hơn là một hành trình không thể thiếu sự đồng hành, chia sẻ của bạn đọc. Trân trọng mời bạn đọc cùng đóng góp tin bài, hình ảnh về email songtute@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận