31/01/2019 10:26 GMT+7

Asian Cup 2019 có mang châu Á lại gần nhau?

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - “Mang châu Á đến gần nhau” (Bringing Asia together) là khẩu hiệu của Asian Cup 2019. Nhưng những gì diễn ra trên đất Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) hơn 3 tuần qua dường như lại không được như vậy.

Asian Cup 2019 có mang châu Á lại gần nhau? - Ảnh 1.

Hình ảnh xấu xí trong trận bán kết thứ 2 khi CĐV UAE ném đồ vật vào cầu thủ Qatar (áo sậm) - Ảnh: AFP

Không mấy ai thắc mắc khi ban tổ chức Asian Cup 2019 chọn câu khẩu hiệu này. Đó là một câu khẩu hiệu quen thuộc của các sự kiện thể thao với hàm ý rộng lớn trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, du lịch... chứ không chỉ thể thao. 

"Mang châu Á đến gần nhau hơn" chắc chắn là một thông điệp mô tả tinh thần đoàn kết. Đó cũng là một tuyên ngôn trong ngành du lịch của UAE - quốc gia đóng vai trò quan trọng trên bản đồ các chuyến bay của thế giới với những hãng hàng không khổng lồ.

Thông điệp về sự đoàn kết lẽ ra đã hoàn hảo nếu không có những tranh cãi theo chân hành trình của đội tuyển nước chủ nhà. Tuy chuyện đội chủ nhà được ưu ái phần nào gần như là hiển nhiên ở các giải bóng đá, nhưng những gì diễn ra trên đất UAE thực sự quá trắng trợn. 

Ngay trong trận ra quân gặp Bahrain, UAE được trọng tài tặng hẳn một quả phạt đền hoàn toàn tưởng tượng vào cuối trận. Nếu không có quả phạt đền đó, đội chủ nhà thậm chí có thể bị loại sớm.

Đến trận gặp Kyrgyzstan, UAE lại hưởng thêm một quả phạt đền gây tranh cãi nữa của trọng tài. Và đó vẫn là một bàn thắng mang tính xoay chuyển trận đấu. Mỗi khi đội chủ nhà gặp khó khăn, y như rằng trọng tài xuất hiện.

Xấu xí nhất là câu chuyện hoàng tử UAE Sheikh Nahyan bin Zayed mua... sạch vé trận bán kết giữa họ và Qatar. Với căng thẳng chính trị giữa hai nước (UAE đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar từ năm 2017), gần như không có CĐV Qatar nào đến được Asian Cup 2019. 

Nhưng việc UAE tìm cách ngăn chặn không cho cả các CĐV trung lập cổ vũ cho đối thủ là một hành vi hẹp hòi, đi ngược lại tôn chỉ của thể thao. Không chỉ vậy, các CĐV UAE còn ném cả đồ vật vào các cầu thủ Qatar trong trận bán kết.

Ở World Cup 2018, Nga và các nước Tây Âu, đặc biệt là Anh, cũng xảy ra tình trạng căng thẳng tương tự. Nhưng rồi chủ nhà Nga đã cho thấy khả năng tổ chức tuyệt vời. Người hâm mộ Anh không gặp khó khăn nào trong việc theo chân cổ vũ đội nhà, từ quá trình nhập cảnh, rong chơi khắp các đường phố nước Nga cho đến phủ kín khán đài. An ninh cho cầu thủ lẫn CĐV Anh cũng là ưu tiên hàng đầu của ban tổ chức World Cup 2018.

Không tạo được nhiều hình ảnh đẹp, kỳ vọng du lịch của UAE cũng chẳng khấm khá gì với những khán đài trống vắng. Cho đến trước thềm trận chung kết, lượng khán giả trung bình của Asian Cup 2019 chỉ là 12.152 người/trận - một bước lùi thảm hại so với giải đấu trước đó 4 năm. 

Cụ thể, trên đất Úc, lượng CĐV trung bình Asian Cup 2015 là 22.053 người/trận. Ở Asian Cup 2011 mà Qatar chủ nhà là 12.668 người/trận. Asian Cup 2007 (VN, Thái Lan, Indonesia và Malaysia làm chủ nhà) là 22.632, còn Asian Cup 2004 (Trung Quốc) là 29.302.

Trước Asian Cup 2019, bóng đá UAE có được vị thế đáng kể trong lòng người hâm mộ châu lục. Nhưng những gì diễn ra suốt một tháng qua lại biến họ trở thành đội bóng "xấu xí" nhất giải. Trước thềm trận bán kết, nhiều CĐV trung lập tuyên bố sẽ ủng hộ Qatar vì cho rằng hành vi mua sạch vé của chủ nhà UAE là gian dối.

Và sau trận, tất cả đều hả hê, với hàng ngàn bình luận của người hâm mộ nhằm mỉa mai nước chủ nhà UAE trên các trang Facebook, Twitter. 

"Tôi nghĩ FIFA không nên tổ chức thêm một giải đấu nào nữa ở UAE. Việc ném giày vào cầu thủ là không thể chấp nhận" - nick zainab07 viết trên trang Twitter của FIFA. 

Sujit Dandapat - một CĐV Ấn Độ - viết trên fanpage của LĐBĐ châu Á (AFC): "Thật vui khi Qatar hủy diệt UAE, sự gian dối phải trả giá".

Asian Cup 2019 có nhiều bất ngờ thú vị, nhưng đó là nhờ vào quyết định thay đổi thể thức thi đấu của AFC. Còn với chủ nhà UAE, giải đấu năm nay là một bài học nhớ đời với họ!

Trận chung kết vắng khán giả?

Sau scandal vé trận bán kết Qatar thắng UAE 4-0 đêm 29-1, phía chủ nhà không đưa thêm thông báo nào về chuyện bán vé trận chung kết. Điều này cũng đồng nghĩa mọi chuyện sẽ diễn ra như thường lệ, với lượng vé phân bổ đều cho CĐV hai đội và CĐV trung lập.

Dù vậy, trận chung kết đang đứng trước nguy cơ ế vé khi cả Nhật lẫn Qatar đều có rất ít CĐV đến UAE. Trên trang web bán vé chính thức của ban tổ chức, giá vé trận chung kết dao động từ 75 AED (khoảng 470.000 đồng) đến 300 AED (1,9 triệu đồng). Còn trên các trang bán vé thứ cấp, giá vé cũng không đắt hơn, chứng tỏ nhu cầu vé là không hề cao.

Với Qatar, sự cổ vũ cho "chú ngựa ô" của giải tuy rất đông đảo nhưng có lẽ chỉ là qua màn hình tivi. Qatar đang bị các nước ở vùng Vịnh tẩy chay nên có rất ít CĐV các nước này ủng hộ họ.

Hi vọng của thầy trò HLV Felix Sanchez nằm ở lực lượng CĐV Iran - quốc gia đồng minh với Qatar và cũng đang muốn "giải sầu" sau khi đội nhà thua đậm Nhật ở bán kết. Trên các diễn đàn, nhiều CĐV Iran cũng tuyên bố sẽ ủng hộ Qatar.

Ngay cả Nhật cũng không có nhiều CĐV sang UAE cổ vũ đội nhà. Từ đầu giải đến giờ, các trận đấu của Nhật thường chỉ có khoảng 5.000-7.000 CĐV. Trận bán kết tuy có hơn 23.000 khán giả nhưng đa phần là CĐV Iran.

Nhưng dù đông hay vắng khán giả, các cầu thủ Qatar có thể yên tâm hướng đến một trận chung kết kịch tính bên trong sân cỏ, chứ không phải là đầy sức ép ở khán đài.

Bóng đá chiến thắng mọi thứ Bóng đá chiến thắng mọi thứ

TTO - Qatar đá bại chủ nhà UAE ở bán kết Asian Cup 2019 không chỉ đơn thuần là kết quả một trận đấu mà có thể xem đó như chiến thắng của bóng đá trước những"chiêu trò" bên ngoài sân đấu.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên