18/01/2022 08:03 GMT+7

ASEAN tăng cường hợp tác tuần duyên?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Indonesia đang thúc đẩy điều mà giới quan sát gọi là khối A5 hay tiểu đa phương ASEAN về vấn đề Biển Đông, trong đó đẩy mạnh hợp tác tuần duyên nhằm gia tăng sự đoàn kết giữa các quốc gia có lợi ích ở vùng biển này.

ASEAN tăng cường hợp tác tuần duyên? - Ảnh 1.

Tàu tuần duyên USCGC Bertholf của Mỹ cập cảng Manila (Philippines) sau cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn và an ninh hàng hải với Philippines gần bãi Scarborough vào năm 2019 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Cuối năm ngoái, giới quan sát chú ý thông tin người đứng đầu Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia mời tư lệnh các lực lượng tuần duyên/cảnh sát biển của Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Singapore dự một hội nghị hàng hải vào tháng 2-2022 để "chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy tình anh em".

Chưa nước nào xác nhận tham gia

Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam nằm trong khái niệm mới của giới chuyên gia là nhóm A5 - quốc gia có các vấn đề về lãnh thổ và hàng hải với Trung Quốc.

Singapore, một quốc gia khác trong khu vực ASEAN được mời, tuy không tranh chấp lãnh thổ với nước nào ở Biển Đông nhưng lại có tiếng nói mạnh mẽ trong việc bảo vệ các tuyến đường biển quốc tế tự do và rộng mở đi qua khu vực.

Sebastian Strangio, cây bút chuyên về Đông Nam Á của tạp chí The Diplomat, nhận định lời mời của Indonesia tương đương một lời kêu gọi đoàn kết giữa các nước ASEAN quanh Biển Đông, trước mức độ nghiêm trọng của những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với vùng đặc quyền kinh tế các nước.

Những thách thức như vậy đã được chỉ ra trong nhiều bài phân tích, với các động thái tổng hợp lại tạo thành điều mà giới chuyên gia gọi là "chiến lược vùng xám" của Trung Quốc.

Sử dụng chủ yếu các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển ngụy trang tàu cá ở tuyến đầu và tàu hải quân ở tuyến hai, Trung Quốc đang thúc đẩy các yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, giữa các nước ASEAN lại nổi lên vấn đề tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng ngoại giao là nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không quản lý (IUU) ở khu vực Biển Đông.

Những vụ Malaysia hay Indonesia bắt giữ tàu cá của nước khác tại vùng biển chồng lấn, đánh chìm tàu và giam giữ người khiến một số nhà phân tích lo lắng về sự căng thẳng ngoại giao giữa các quốc gia ở Đông Nam Á.

Ông Satya Pramata, một quan chức cao cấp trong Chính phủ Indonesia, cho biết một cuộc họp tương tự như Diễn đàn cảnh sát biển ASEAN sẽ là "cơ hội tuyệt vời để lực lượng tuần duyên ASEAN và các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải đối thoại và hợp tác với nhau".

Tuy nhiên, cho đến nay Indonesia vẫn chưa tiết lộ nghị trình cuộc họp cũng như vẫn chưa có quốc gia nào trong 5 quốc gia ASEAN được mời chính thức xác nhận tham gia cuộc họp vào tháng 2 sắp tới.

Tuần duyên "đa năng"

Với một số học giả Đông Nam Á, tạo dựng và củng cố sự gắn kết giữa các nước trong khu vực có ý nghĩa quan trọng trước nguy cơ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị thách thức. Giải quyết IUU được xem là cách xây dựng lòng tin giữa các bên và để làm được điều đó, không thiếu giải pháp cho 6 nước kể trên.

Ngoài Bộ Quy tắc ứng xử cho các tình huống ngoài dự định trên biển (CUES), xây dựng một nền tảng đảm bảo an ninh hàng hải chung và hiệp hội quản lý nghề cá khu vực là điều cần thiết để các nước ASEAN ven Biển Đông có được niềm tin lẫn nhau.

Đối với các nước bên ngoài khu vực, những cơ chế hợp tác về tuần duyên là cơ hội để tăng cường hiện diện tại khu vực mà không gây ra căng thẳng. Tuần duyên Mỹ gần đây cũng đã bắt đầu triển khai đến tây Thái Bình Dương cùng với hải quân nước này, trong đó có các đợt băng qua eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc tức giận.

Tuần duyên Mỹ cũng hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương, vốn là những nước có thỏa thuận an ninh với Washington, trong việc bảo vệ tài nguyên biển và chống IUU.

Rõ ràng, tuần duyên là lực lượng phù hợp và ít gây căng thẳng hơn tàu hải quân dù rằng thông điệp của việc cử tàu chiến là mạnh mẽ hơn. Với việc đa số các nước Đông Nam Á đều có đan xen hoạt động kinh tế với Trung Quốc, những nước bên ngoài cử tàu hải quân đến khu vực có thể đặt bên nhỏ hơn vào thế khó xử.

Quan trọng nhất, một tàu tuần duyên vẫn có thể thách thức yêu sách lãnh hải của Trung Quốc quanh các thực thể nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, vừa có thể tham gia chống IUU - điều mà tàu hải quân không làm được - nhưng vẫn góp phần duy trì trật tự dựa trên luật lệ.

Cân nhắc phản ứng từ Trung Quốc

Giới phân tích tin rằng các nước nhận lời mời từ Indonesia sẽ phải cân nhắc toàn diện về các phản ứng có thể có từ Trung Quốc.

Những câu hỏi đặt ra bao gồm liệu Bắc Kinh có thể xem đây là một tập hợp đối đầu với họ hay không. Việc xây dựng chương trình nghị sự cho cuộc họp như Indonesia đề xuất cũng là điều đáng theo dõi.

Viết trên báo Straits Times của Singapore, tiến sĩ Ian Storey - một người nghiên cứu về an ninh khu vực - nhận định nhiều khả năng hội nghị sẽ chỉ thảo luận về cách tăng cường năng lực giám sát hàng hải, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nghề cá.

Việc hội nghị này tác động ra sao đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc cũng sẽ rất đáng theo dõi.

Đô đốc Mỹ: Tuần duyên Mỹ sẽ chống lại 'tác nhân xấu' tại châu Á Đô đốc Mỹ: Tuần duyên Mỹ sẽ chống lại "tác nhân xấu" tại châu Á

TTO - Đô đốc Linda Fagan, phó tư lệnh Tuần duyên Mỹ, nhấn mạnh lực lượng này sẽ mở rộng sự hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm chống lại "tác nhân xấu", bao gồm các hành vi bắt nạt trong hoạt động đánh bắt cá.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên