03/03/2021 04:59 GMT+7

ASEAN lên tiếng với Myanmar: Cần trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi

D.KIM THOA - BÌNH AN
D.KIM THOA - BÌNH AN

TTO - Buổi sáng 2-3, làn sóng tuần hành phản đối đảo chính lại bùng lên tại Myanmar sau khi tòa án cáo buộc thêm tội với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Những tội danh mới có thể kéo dài thêm án tù sẽ áp với bà Suu Kyi.

ASEAN lên tiếng với Myanmar: Cần trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi - Ảnh 1.

Biển người tham gia biểu tình chống đảo chính quân sự ở Yangon ngày 2-3-2021 - Ảnh: Reuters

Cảnh sát Myanmar lại nổ súng để giải tán đám đông người biểu tình tại nhiều khu vực ở thành phố Yangon, trung tâm thương mại của Myanmar. Ở thị trấn Kalay, 3 người biểu tình bị thương nặng vì đụng độ với cảnh sát.

Bắn từ "thắt lưng trở xuống"

Trong một động thái nhằm xoa dịu chỉ trích từ trong nước và quốc tế, quân đội Myanmar đã ban hành lệnh cấm sử dụng súng bắn đạn thật đối với người biểu tình.

"Đối với các phương pháp được sử dụng để giải tán đám đông, lực lượng an ninh được chỉ đạo không sử dụng đạn thật" - hãng tin Bloomberg ngày 2-3 dẫn lại bản tin qua Đài Phát thanh và truyền hình quốc gia Myanmar (MRTV).

Hãng tin Mỹ khẳng định các lực lượng an ninh vẫn được phép tự vệ khi bị đe dọa tính mạng song chỉ được bắn người biểu tình "từ thắt lưng trở xuống", nhưng lại không nêu rõ cảnh sát tự vệ bằng đạn thật hay đạn cao su.

Lệnh cấm này có vẻ như bị lực lượng an ninh vi phạm cùng ngày. Cụ thể, nguồn tin từ nhóm cứu thương tại chỗ xác nhận với Hãng tin AFP rằng lực lượng an ninh Myanmar đã bắn đạn thật vào những người biểu tình phản đối đảo chính trong ngày 2-3 tại thị trấn Kalay (phía tây bắc Myanmar) làm ba người bị thương nặng.

Ngoài nghi vấn dùng đạn thật, chính quyền quân sự Myanmar đang dựa đáng kể vào công nghệ để theo dõi và trấn áp người biểu tình. Theo báo New York Times (NYT), quân đội Myanmar đang dùng các thiết bị tinh vi như máy bay không người lái (drone, do Israel sản xuất) để giám sát, thiết bị bẻ khóa điện thoại iPhone có nguồn gốc châu Âu và phần mềm Mỹ để đột nhập các máy tính và thu thập dữ liệu.

Báo NYT đã tiếp cận được hàng trăm trang chứng từ chi tiêu ngân sách của Chính phủ Myanmar trong hai tài khóa gần nhất do Tổ chức Justice For Myanmar Myanmar (Công lý cho Myanmar) cung cấp và nhận thấy đã có lượng mua vào rất lớn các thiết bị/phần mềm công nghệ do thám mới nhất được sử dụng ở cấp độ quân đội.

ASEAN bàn giải pháp

Ngày 2-3, các quốc gia thành viên ASEAN đã thúc giục quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi của Myanmar, dừng sử dụng vũ khí sát thương nhắm vào người biểu tình phản đối đảo chính quân sự và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, theo Hãng tin Reuters.

Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN đã dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM) theo hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị IAMM đầu tiên kể từ sự kiện quân đội Myanmar đảo chính hôm 1-2.

Hội nghị dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình đang diễn ra tại Myanmar, trong đó các ngoại trưởng chia sẻ mối quan tâm và quan điểm của mình đối với các diễn biến gần đây tại Myanmar và vai trò của ASEAN trong vấn đề này. Các ngoại trưởng cũng có cuộc trao đổi với một đại diện của phía quân đội Myanmar qua video.

Theo tạp chí Nikkei Asia, các ngoại trưởng ASEAN đã kêu gọi kiềm chế và đối thoại bên trong Myanmar để giải quyết khủng hoảng. ASEAN hiện có nguyên tắc "không can thiệp". Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên như Indonesia, Malaysia và Singapore đã bày tỏ quan ngại sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

Phát biểu sau hội nghị ngày 2-3, Ngoại trưởng Retno Marsudi của Indonesia nói rằng phải khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. "Việc liên lạc nội bộ giữa các bên liên quan ở Myanmar luôn là phương án tốt nhất, nhưng Indonesia tin rằng ASEAN cũng sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại nếu được yêu cầu" - bà Marsudi nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein của Malaysia ra tuyên bố tương tự và kêu gọi trả tự do ngay cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. "Chúng tôi vẫn tin chắc rằng giải pháp cho thế bế tắc chính trị ở Myanmar là một quá trình do nội bộ dẫn dắt" - ông nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan của Singapore thúc giục các đối tác bên ngoài của ASEAN không áp biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng vì sẽ làm tổn hại dân thường Myanmar.

Việt Nam kêu gọi kiềm chế tối đa

Ngày 2-3, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đứng đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM) theo hình thức trực tuyến. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại hội nghị Phó thủ tướng cho rằng tình hình bạo lực và căng thẳng gia tăng ở Myanmar đã ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định không chỉ của Myanmar mà cả khu vực.

Phó thủ tướng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động bạo lực, bảo đảm an toàn cho người dân, tổ chức đối thoại hòa bình nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường. Ông đề nghị ASEAN phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò và sử dụng hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác hiện có nhằm giúp Myanmar ổn định tình hình.

Quân đội Myanmar ra lệnh Quân đội Myanmar ra lệnh 'không dùng đạn thật' bắn người biểu tình

TTO - Chính quyền quân sự Myanmar đã lùi bước trước những sức ép và chỉ trích của cộng đồng quốc tế sau các vụ cảnh sát xả súng trực tiếp vào đám đông biểu tình khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương ngày 28-2.

D.KIM THOA - BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên