Phát biểu tại hội nghị, Phó tổng thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng kinh tế Satvinder Singh nhấn mạnh sự lạc quan về việc ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới trước năm 2030.
Nhiều triển vọng
Với tư cách một khối thống nhất, ASEAN đang là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức. Theo ông Singh, thứ hạng này hoàn toàn có thể cải thiện trước năm 2030 nếu những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi.
Các nghiên cứu cho thấy từ nay đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng trung bình của ASEAN rơi vào khoảng 4 - 5%.
Với tình hình địa chính trị hiện tại, không chỉ các doanh nghiệp phương Tây mà cả những doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang chuyển sự chú ý sang Đông Nam Á.
Họ mang công nghệ đến ASEAN, hợp tác với các doanh nghiệp trong khu vực để đưa hàng hóa của mình ra nước ngoài, qua đó giúp ASEAN hình thành một chuỗi cung ứng riêng cho thế giới.
ASEAN cũng đang trong quá trình thương lượng Hiệp định khung kinh tế số (DEFA) và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Khi được thông qua, DEFA sẽ là thỏa thuận về kinh tế số lớn nhất thế giới, bao quát mọi khía cạnh từ thanh toán số xuyên biên giới, thương mại số, an ninh mạng...
Một khi ASEAN hoàn thành xây dựng hệ sinh thái số này, ASEAN sẽ trở thành "lực lượng" còn đáng gờm hơn.
Phó tổng thư ký ASEAN khẳng định: "ASEAN sẽ trở thành lựa chọn mới mà thế giới đang tìm kiếm.
ASEAN mang đến cho thế giới một địa điểm nơi mọi doanh nghiệp công nghệ trên thế giới, dù đến từ Trung Quốc, Úc, Ấn Độ hay Hàn Quốc, cũng đều có thể đến và tận dụng hệ sinh thái của chúng ta.
Nếu tình hình kinh tế thế giới cải thiện và những thách thức do chia cách địa chính trị được quản trị, tôi không thấy lý do nào ngăn chúng ta trở thành nền kinh tế thứ tư thế giới vào năm 2030".
Tuy nhiên trước mắt ASEAN vẫn phải đứng trước bài toán khó đoán về tương lai địa chính trị thế giới năm 2025.
Tiến sĩ Piti Srisangnam, giám đốc điều hành Quỹ ASEAN (ASEAN Foundation), nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tăng cường giao thương nội khối và củng cố các doanh nghiệp có sự hiện diện trong toàn khu vực.
Ông Srisangnam cho rằng ASEAN hoàn toàn có thể tận dụng bối cảnh phi toàn cầu hóa và sự chia tách giữa các nền kinh tế lớn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trở thành trung tâm bền bỉ của thương mại toàn cầu.
Ông đặt câu hỏi: "Chúng ta cần ngồi lại và xem xét nghiêm túc những địa điểm chiến lược của mình. Làm sao để đưa những vị trí địa lý chiến lược này vào chính sách, vào các sáng kiến để đặt ASEAN vào tâm điểm? Nhất là khi chúng ta sẽ có một người như ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ.
Nhiều khả năng ông Trump sẽ chú ý đến cách vận chuyển hàng hóa qua các cửa ngõ hậu cần, cửa ngõ đường biển và các điểm nút quan trọng. ASEAN nằm ngay giữa điểm nút kết nối vịnh Bengal và Biển Đông.
Vậy chúng ta có thể biến địa điểm địa chính trị này quan trọng hơn, có sức mạnh thương lượng với các nước lớn như Trung Quốc, Canada và Mỹ lớn hơn như thế nào?".
Xây dựng doanh nghiệp tầm cỡ ASEAN
Chia sẻ về những cơ hội ASEAN cần nắm bắt, chủ tịch Hội đồng cố vấn doanh nghiệp ASEAN (ASEAN BAC) Tan Sri Nazir Razak đánh giá ASEAN đã có cái nhìn thực tiễn hơn về những điều mình có thể và không thể làm.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh ASEAN từng quá tham vọng với Hiến chương ASEAN (2007) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (2015).
"Với các nhà hoạch định chính sách, việc đề ra các chính sách quá xa vời sẽ để lại hậu quả khi doanh nghiệp chuẩn bị quá mức.
Khi ấy tôi điều hành Ngân hàng đầu tư CIMB và chúng ta đã trả giá khi chuẩn bị quá đà cho một ASEAN hội nhập sâu rộng. ASEAN giờ đây đã thực tế hơn rất nhiều", ông Tan Sri cho biết.
Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, ông đề xuất thúc đẩy khái niệm doanh nghiệp tầm cỡ ASEAN. Doanh nghiệp được công nhận mang tầm cỡ ASEAN có thể hưởng lợi lớn từ quy mô nền kinh tế khu vực như tự do luân chuyển nhân sự và hoạt động kinh doanh.
"Làm thế nào để các doanh nghiệp của chúng ta cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc có 1,5 tỉ khách hàng hay các doanh nghiệp châu Âu vốn đã hội nhập chặt chẽ? Cái chúng ta cần là cung cấp cho các doanh nghiệp nền kinh tế mang quy mô ASEAN.
Điều này cần được tiến hành từ cấp độ doanh nghiệp. Do đó chúng tôi khuyến nghị các quốc gia thành viên thiết lập một phân loại riêng dành cho các doanh nghiệp tầm cỡ ASEAN", ông Tan Sri khẳng định.
Bao trùm và bền vững
Chia sẻ bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz nhấn mạnh cần thiết nâng tầm sự bền vững, tính bao trùm của nền kinh tế ASEAN.
Trong đó việc phát triển tầng lớp trung lưu là một trong những trọng tâm hàng đầu. Tín hiệu đáng mừng là dự kiến đến năm 2030, quy mô tầng lớp trung lưu trong khu vực sẽ tăng 65%.
Ông Zafrul kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính và nguồn vốn, đơn giản hóa các khung pháp lý và có những ưu đãi phù hợp với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó phát triển bền vững cũng đóng vai trò lớn, yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ và khu vực tư nhân.
"Tôi hình dung ASEAN trong tư cách một nền kinh tế khu vực chứ không phải một phần của bất kỳ nước nào. Chúng ta muốn trở thành một khối kinh tế tầm cỡ toàn cầu. Tôi hy vọng những sáng kiến ASEAN và thỏa thuận kinh tế vùng sẽ giúp tôi chứng minh tầm nhìn đó", ông Zafrul tuyên bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận