08/08/2024 11:41 GMT+7

ASEAN, nền kinh tế đang lên

Theo phó tổng thư ký Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ông Satvinder Singh, ASEAN đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, tiến từ vị trí thứ năm hiện nay.

ASEAN, nền kinh tế đang lên- Ảnh 1.

Tàu container cập cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tại hội nghị "Tầm nhìn 2045: Kỷ nguyên ASEAN" diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào hôm 6-8, ông Singh nhấn mạnh GDP của ASEAN đã tăng 51%, từ 2.500 tỉ USD năm 2015 lên 3.800 tỉ USD vào năm 2023, và điều này là minh chứng cho sự phát triển kinh tế ấn tượng của khu vực.

Những con số biết nói

Trong năm 2023, thương mại khu vực ASEAN cũng tăng từ 2.300 tỉ USD vào năm 2015 lên 3.500 tỉ USD. Đáng chú ý, thương mại nội khối đạt khoảng 800.000 tỉ USD - con số cao hơn giá trị thương mại giữa ASEAN với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ.

Ông Singh cũng chỉ ra một nét độc đáo trong sự phát triển của ASEAN, khi đây là khu vực có độ "mở" lớn, kết nối với các nhóm kinh tế khác trên thế giới, thay vì thường chỉ giao thương với nhau như Liên minh châu Âu hay Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ. ASEAN hiện là điểm đến lớn nhất cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Nam bán cầu với tổng giá trị khoảng 230 tỉ USD.

Theo dự báo, chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty có lượng khí thải carbon thấp và các hoạt động có giá trị cao sẽ tập trung tại các nước ASEAN. Các ngành như chất bán dẫn, nông nghiệp, thiết bị dữ liệu, khoáng sản và các ngành công nghiệp kim loại sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể.

Chuyển đổi công nghệ và các công nghệ tiên tiến như 5G, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật sẽ tạo ra thêm 8.000 tỉ USD cho khu vực.

ASEAN, nền kinh tế đang lên- Ảnh 2.

Tiềm năng của khu vực

Sự đi lên của Đông Nam Á diễn ra vào thời điểm thế giới ngày càng chứng kiến xu hướng bảo hộ. Nhiều doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường. Thuế quan tăng cao đối với Trung Quốc cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm, trong khi chi phí đầu vào như lương của người lao động cũng tăng.

Theo một nghiên cứu mới do Angsana Council, công ty tư vấn Bain & Co. của Mỹ và Ngân hàng DBS của Singapore thực hiện, Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI trong thập niên tới nhờ vào gia tăng dân số và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nghiên cứu cho thấy GDP của sáu nền kinh tế chủ chốt (ASEAN-6) dự kiến sẽ tăng trung bình 5,1% hằng năm cho đến năm 2034, vượt qua mức tăng trưởng dự kiến của Trung Quốc là từ 3,5% đến 4,5%.

Trong số các quốc gia, Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu với mức tăng 6,6%, tiếp theo là Philippines với 6,1%, trong khi Singapore - nước chậm nhất trong số sáu nước - dự kiến đạt mức 2,5%.

Ông Charles Ormiston, chủ tịch Angsana Council, đã chỉ ra rằng động lực chính của ASEAN-6 đến từ tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và các công ty đa quốc gia đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cần nói tới xu hướng đầu tư vào ASEAN của Trung Quốc. Nước này đang trên đường trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực, trong khi đang là đối tác thương mại lớn nhất.

"Không chỉ các nhà đầu tư phương Tây tại Trung Quốc mà các nhà đầu tư Trung Quốc hiện cũng đang tìm cách chuyển vốn ra nước ngoài để tránh các hạn chế về thuế quan và các mối lo ngại về an ninh", ông Ormiston nhận định.

Theo Ban Thư ký ASEAN, Mỹ là nguồn FDI lớn nhất của khu vực vào năm 2022 với 37 tỉ USD, chiếm 16,5% tổng số, trong đó phần lớn khoảng 20 tỉ USD đổ vào các ngành sản xuất và tài chính. Trừ các khoản đầu tư trong nội bộ ASEAN, Nhật Bản đứng thứ hai với 27 tỉ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 15 tỉ USD.

Trong số các ngành tăng trưởng mới, Thái Lan và Indonesia đang nổi lên như các trung tâm khu vực cho chuỗi cung ứng xe điện. Malaysia, Singapore và Việt Nam đang mở rộng sản xuất chất bán dẫn trên các phần khác nhau của chuỗi giá trị, trong khi khu vực này nói chung đang hưởng lợi từ sự bùng nổ đầu tư vào trung tâm dữ liệu.

ASEAN đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, với tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư mạnh mẽ. Tuy nhiên, khu vực cũng đối mặt với những thách thức về lực lượng lao động và sự cần thiết phải chuyển dịch sang năng lượng xanh.

Để đạt được mục tiêu này, ASEAN cần tiếp tục duy trì cam kết mở cửa thương mại và đầu tư, đồng thời đẩy mạnh cải cách và đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động.

Động lực tăng trưởng mới của ASEAN

Bên cạnh các ngành công nghiệp - sản xuất truyền thống, hiện nay kinh tế số cũng đang trở thành động lực tăng trưởng chính của ASEAN.

Theo số liệu từ Diễn đàn tương lai ASEAN 2024 diễn ra vào tháng 4 tại Hà Nội, doanh thu kinh tế số năm 2023 của ASEAN ước đạt 100 tỉ USD và sẽ tăng gấp 10 lần trong 7 năm tới, cho thấy tiềm năng lớn của khu vực trong bối cảnh khối này đang hướng tới hoàn tất hiệp định kinh tế số vào năm 2025.

Hiệp định khung ASEAN về kinh tế số (DEFA) dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025, nhiều khả năng đây sẽ là hiệp định kinh tế số tầm khu vực đầu tiên trên thế giới.

ASEAN cần tận dụng cạnh tranh Mỹ - TrungASEAN cần tận dụng cạnh tranh Mỹ - Trung

Sáng 5-7, khoa quan hệ quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia chủ đề “Cạnh tranh Mỹ - Trung và tác động đến khu vực Đông Nam Á”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên