11/11/2022 19:06 GMT+7

ASEAN hội nghị cấp cao với Trung Quốc, Hàn Quốc

NGỌC AN (từ Phnom Penh, Campuchia)
NGỌC AN (từ Phnom Penh, Campuchia)

TTO - ASEAN là ưu tiên cao trong chính sách láng giềng, với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, Thủ tướng Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN triển khai hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

ASEAN hội nghị cấp cao với Trung Quốc, Hàn Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng có bài phát biểu quan trọng trong các Hội nghị Cấp cao ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc - Ảnh: D.GIANG

Chiều 11-11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25, lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đánh giá cao việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cuối năm 2021 là dấu mốc lịch sử quan trọng.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc cũng đã thông qua Tuyên bố kỷ niệm 20 năm Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tái khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của DOC đối với hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, Tuyên bố chung về tăng cường phát triển chung và bền vững, Tuyên bố chung về hợp tác an ninh lương thực…

Nhấn mạnh ASEAN là ưu tiên cao trong chính sách láng giềng, với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, Thủ tướng Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN triển khai hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Theo đó, hai bên nhất trí sớm mở cửa, nối lại trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư, ổn định kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, thông quan hàng hóa, nỗ lực đàm phán nâng cấp Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc và phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị hai bên phối hợp thúc đẩy thương mại và đầu tư, mở cửa nền kinh tế, trong đó Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam cũng như của các nước ASEAN trung chuyển qua Việt Nam.

Tạo thuận lợi hơn nữa cho thông quan hàng hóa, đảm bảo thông suốt, đa dạng hóa các phương thức vận tải hàng hóa, góp phần duy trì ổn định chuỗi cung ứng và sản xuất, thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững.

Đồng thời, ASEAN và Trung Quốc cần phối hợp bảo đảm phục hồi hướng tới phát triển bền vững, trong đó mở rộng hợp tác phát triển xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao tính đa dạng, ổn định và bền vững hệ sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu…

ASEAN hội nghị cấp cao với Trung Quốc, Hàn Quốc - Ảnh 2.

Thủ tướng Lý Khắc Cường mong muốn cùng ASEAN triển khai hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện - Ảnh: D.GIANG

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 23, phát biểu thay mặt ASEAN trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên cần phối hợp để khôi phục hoàn toàn hợp tác.

Trong đó cần tập trung vào các lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, giao lưu nhân dân, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ, chuyển đổi số, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, đồng thời hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi cho số lượng lớn công dân sinh sống, làm việc và học tập tại mỗi bên.

Còn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh việc chia sẻ tầm nhìn và cam kết vì những mục tiêu chung thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và xây dựng trật tự, đề cao luật pháp quốc tế.

ASEAN đề nghị Liên Hiệp Quốc và các cơ quan chuyên môn tiếp tục hỗ trợ chuyên môn và nâng cao năng lực tự cường y tế dự phòng, hội nhập kinh tế khu vực, hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Nêu ra quan điểm tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN và Liên Hiệp Quốc cần phối hợp chặt chẽ thúc đẩy các giá trị hòa bình, tăng cường đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin và thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, thu hẹp khoảng cách phát triển…

Với Việt Nam, Thủ tướng đề nghị hỗ trợ trong tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị quốc gia, chuyên môn kỹ thuật để triển khai hiệu quả các cam kết chống biến đổi khí hậu, bảo đảm chuyển đổi năng lượng công bằng, hạn chế tác động tiêu cực đối với người lao động, người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.

Đóng góp của Việt Nam là câu chuyện phục hồi kinh tế lạc quan

Cũng tại buổi tiếp giáo sư Klaus Schwab - nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WEF tăng cường tư vấn cho Việt Nam về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô trong môi trường quốc tế nhiều biến động.

Đẩy mạnh kết nối Việt Nam với các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu là thành viên WEF; hỗ trợ đa dạng hóa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Trong khi đó, giáo sư Klaus Schwab cho rằng đóng góp của Việt Nam tại hội nghị sẽ mang đến câu chuyện phục hồi kinh tế lạc quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức. Chủ tịch WEF cũng nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ trong thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ liên quan tới các đề xuất và triển khai các dự án hợp tác thực chất...

Thủ tướng đề nghị Thái Lan nhanh cấp phép cho hoa quả Việt Nam Thủ tướng đề nghị Thái Lan nhanh cấp phép cho hoa quả Việt Nam

TTO - Thúc đẩy tăng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm vào các thị trường Thái Lan, Indonesia, Malaysia... là nội dung chính trong cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với một số nhà lãnh đạo các nước ASEAN.

NGỌC AN (từ Phnom Penh, Campuchia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên