12/11/2022 07:57 GMT+7

ASEAN cần củng cố đoàn kết, tự cường

NGỌC AN (từ Phnom Penh)  - NGUYÊN HẠNH
NGỌC AN (từ Phnom Penh) - NGUYÊN HẠNH

TTO - Cần phát huy tinh thần "Tư duy cộng đồng, Hành động cộng đồng" để chủ động ứng phó mọi thách thức, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển bền vững, củng cố đoàn kết tự cường để ứng phó với các vấn đề nóng đang nổi lên.

ASEAN cần củng cố đoàn kết, tự cường - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 tại Phnom Penh ngày 11-11 - Ảnh: Reuters

Đó là thông điệp được lãnh đạo các nước ASEAN nêu ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 diễn ra ở Phnom Penh (Campuchia) hôm 11-11.

Thời điểm bất định nhất

Ngày 11-11, lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thống nhất hiệp hội cần đảm bảo lập ra mốc thời gian và thước đo cụ thể để thực hiện kế hoạch hòa bình đã đạt được với chính quyền quân sự Myanmar.

Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi các quốc gia thành viên cảnh giác và khôn ngoan trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị.

"Chúng ta đang ở thời điểm bất định nhất và cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực này phụ thuộc vào trí tuệ và tầm nhìn của chúng ta", ông Hun Sen nhấn mạnh.

Trong tuyên bố chung ngày 11-11, ASEAN cho biết các ngoại trưởng của khối đã được giao trọng trách triển khai nhiệm vụ trên, giúp thực thi Đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar. Bên cạnh đó, ASEAN đã đồng thuận về nguyên tắc trong việc thừa nhận Timor-Leste là thành viên thứ 11 của nhóm. Timor-Leste cũng sẽ được trao quy chế quan sát viên tại các cuộc họp cấp cao của ASEAN.

Cũng trong ngày 11-11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các thành viên ASEAN hợp tác cùng nhau và tránh để khu vực bị chia rẽ trong bối cảnh các cường quốc cạnh tranh ngày một gay gắt. Ông Lý nhấn mạnh điều này có nghĩa ASEAN phải luôn cởi mở và hòa nhập trong việc thu hút các đối tác bên ngoài, đồng thời các thành viên của khối cần phải đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.

Thủ tướng Singapore cũng lưu ý rằng tình hình cạnh tranh địa chính trị trên thế giới đang rất phức tạp, bao gồm cả xung đột Nga - Ukraine. "Chúng ta nên tiếp tục hối thúc các bên tham chiến và các cường quốc nhanh chóng tìm ra một giải pháp hòa bình", ông kêu gọi.

Thông điệp của Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trọng tâm của tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 cần lấy người dân làm trung tâm, dành sự quan tâm thỏa đáng tới mọi nhóm xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bảo đảm thụ hưởng công bằng của mọi người dân.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi ASEAN cần mở cửa mạnh mẽ thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, cùng nhau tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Gắn với tăng cường hợp tác phát triển chính phủ số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xã hội số, để đưa chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thực sự trở thành động lực phát triển mới ở khu vực.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng cho rằng cần tăng cường phối hợp với các đối tác trong nỗ lực chung đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển. Đặc biệt với vấn đề nóng, Thủ tướng cho rằng cần bản lĩnh, khéo léo, hài hòa và cân bằng trong ứng xử.

Trong đó, với vấn đề Myanmar, Thủ tướng cho rằng cần đề nghị các bên liên quan tại Myanmar thể hiện trách nhiệm, hợp tác thiện chí để thúc đẩy thực hiện hiệu quả, toàn diện Đồng thuận 5 điểm.

Còn về xung đột Nga - Ukraine, Thủ tướng nhấn mạnh cần đề cao ý nghĩa và giá trị của hòa bình, khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chính là nguyên tắc nền tảng của đời sống quan hệ quốc tế, là điều kiện tiên quyết cho kiến tạo hòa bình và an ninh quốc tế.

Tiến sĩ Sarah Teo (Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore):

Cần thể hiện giá trị của ASEAN

Điều quan trọng nhất tại thời điểm này đối với ASEAN là giải quyết các thách thức đối với sự gắn kết nội bộ. Điều này sẽ bao gồm các phản ứng của ASEAN đối với cuộc khủng hoảng Myanmar. Tôi nghĩ một bước tiến mà các nước có thể làm là bổ nhiệm một đặc phái viên chuyên biệt của ASEAN về Myanmar, tức là người đó không phụ thuộc vào việc nước nào đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Trước sự trỗi dậy của các nhóm chuyên biệt (các nhóm chỉ gồm một số nước có cùng chí hướng về một vấn đề, ví dụ QUAD, AUKUS - PV), ASEAN nên tìm cách khác biệt hóa bản thân và vai trò của mình với những nhóm này. Điều này sẽ giúp nhấn mạnh rằng trong chủ nghĩa đa phương khu vực, ASEAN có thể thực hiện được những chức năng mà không một bên nào khác làm được, để các đối tác đối thoại tiếp tục thấy được giá trị của ASEAN.

ASEAN đã ký quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Úc và Trung Quốc vào năm ngoái. Và một trong những mục đích chính khi ký quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ trong dịp này là để chứng minh rằng ASEAN tiếp tục cởi mở và sẵn sàng can dự với tất cả các đối tác đối thoại trong bối cảnh khu vực căng thẳng.

DUY LINH ghi

Indonesia muốn tiếp tục loại Myanmar khỏi các cuộc họp ASEAN Indonesia muốn tiếp tục loại Myanmar khỏi các cuộc họp ASEAN

TTO - Tổng thống Joko Widodo của Indonesia, nước sẽ giữ vai trò chủ tịch ASEAN năm 2023, đề xuất mở rộng việc loại Myanmar khỏi các cuộc họp của nhóm trong khi các lãnh đạo ASEAN thúc đẩy thực hiện kế hoạch hòa bình với mốc thời gian cụ thể.

NGỌC AN (từ Phnom Penh) - NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên