Nhưng có lần chúng tôi ngồi trong quán ăn, không nghe thấy tiếng còi hú gì, đột nhiên chiếc điện thoại iPhone của ngài Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch kêu vang tiếng còi hú.
Sau tiếng còi hú là thông báo mà tôi tạm dịch là "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Tên lửa Nga đang bắn vào thành phố, tên lửa Nga đã cách Lviv 10km, yêu cầu đồng bào vào nơi trú ẩn, không đi ra ngoài đường!".
Rồi mấy đêm sau, giữa đêm khuya, khi chúng tôi đang ngủ, điện thoại của Đại sứ và cán bộ Sứ quán lại hú ầm ĩ cùng thông báo: "Tên lửa Nga đang bắn vào thành phố, đồng bào chú ý...".
Đại sứ Thạch giải thích với chúng tôi: "Chỉ sau một tháng chiến tranh, Bộ Thông tin và truyền thông Ukraine đã làm ngay ra một cái app điện thoại để mọi người dân cài đặt. Ai sống ở thành phố nào thì chọn thành phố đó, định vị tự động cũng được hoặc tự chọn. Khi có báo động tên lửa, cấp cứu hoặc điều gì khẩn cấp, sẽ có còi hú tự động/thông báo qua app này".
App hoạt động như loa thông báo kiểu cũ, nhưng "loa" này đều nằm trong điện thoại của mỗi người, thật tiện và hiệu quả.
Những ngày qua, người dân Hà Nội "bàn ra tán vào" về việc thành phố quyết định đưa hệ thống loa phường hoạt động trở lại sau mấy năm bỏ vì loa phường đã hoàn tất sứ mệnh của một thời.
Có rất nhiều ý kiến đóng góp, trong đó chiếm phần lớn là các ý kiến không đồng ý do loa phường không cung cấp được những thông tin hữu ích, gây ô nhiễm âm thanh với người dân.
Cá nhân tôi có khá nhiều thời gian sống ở vùng ngoại ô Hà Nội, quê nội tôi ở vùng Thanh Chương (Nghệ An) khiến tôi có nhiều trải nghiệm về việc tiếp cận thông tin của người dân.
Có thể thấy rất rõ ở những khu dân cư nội thành, người dân tiếp cận nhanh hơn với các tiến bộ công nghệ, nhiều người có tuổi cũng có thể dễ dàng làm quen với các thiết bị thông minh, truy cập Internet để cập nhật thông tin mới nhất.
Nhưng ở các vùng ngoại thành, các vùng quê, nhiều người cao tuổi gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, cập nhật thông tin.
Trong trường hợp đó, hệ thống loa phường xã với thông tin cập nhật hữu ích cho họ. Song với nhiều vùng nông thôn giờ đây cũng đã khác, nhiều gia đình đều có điện thoại, vai trò của loa phường xã không còn thiết yếu với nhiều người như xưa.
Tôi cho rằng việc Hà Nội đưa vào hoạt động lại hệ thống loa phường thì nên linh hoạt. Chỉ duy trì hệ thống loa vật lý ở một số thôn, xóm thực sự cần thiết, và chỉ nên lắp tại những địa điểm công cộng quan trọng như nhà ga, quảng trường và các khu vực thường có thể có những cuộc tập trung đông người để thông báo những thông tin khẩn cấp.
Nên học theo cách ở Ukraine làm một cái "app loa phường" cài đặt trên điện thoại, để thông tin/báo động, tiêm chủng, mất điện, mất nước... để người dân có thể nghe lại và theo dõi bất cứ lúc nào bên người.
Đây là cách làm rất hiệu quả, vừa tiện cho các cấp chính quyền, người làm quản lý khi gửi các thông báo cần thiết; vừa tiện cho nhân dân, những người muốn nghe thì bật lên, những người không cần thiết có thể tắt đi.
Ở phường nào, thành phố nào thì bật/chọn địa điểm đó, để biết thông báo ở nơi đó. Khi có các sự kiện quan trọng, nguy hiểm như dịch bệnh, động đất, núi lửa, biểu tình, lũ lụt... thì luôn có thông tin cập nhật cho nhân dân.
App này chắc chắn rẻ hơn nhiều hệ thống loa thực tế mà thuận tiện hơn rất nhiều, vẫn đảm bảo thông tin xuyên suốt và phù hợp với công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ mà Hà Nội đang nỗ lực chuyển đổi thành một thành phố thông minh, hòa bình và thân thiện với người dân như mong ước của tất cả chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận