27/07/2022 16:32 GMT+7

Trang bị 'loa phường' ở Hà Nội: Cần hỏi ý kiến người dân

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng Hà Nội cần có đánh giá tác động, lấy ý kiến của người dân về việc 'khôi phục loa phường', chứ không thể dựa vào ý chí chủ quan hay vì những thời điểm nhất định cần loa phường mà nghĩ lúc nào cũng có ích.

Trang bị loa phường ở Hà Nội: Cần hỏi ý kiến người dân - Ảnh 1.

Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục Bùi Hoài Sơn - Ảnh: Q.H.

Kế hoạch khôi phục loa phường của Hà Nội đã làm dấy lại cuộc tranh cãi nên khôi phục hay bỏ hoàn toàn loa phường do không còn phù hợp với thực tiễn và gây tiếng ồn trong đô thị.

Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Mục tiêu của loa phường là gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Đỗ Thị Lan - phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng lõm thông tin đến với người dân thì việc phát triển loa truyền thanh là cần thiết.

Cạnh đó trong các thời điểm cần thiết như đại dịch COVID-19 vừa qua hay trường hợp khẩn thì loa phát thanh đã phát huy được hiệu quả tốt trong tuyên truyền, thông tin đến người dân.

Tuy nhiên với Hà Nội, đa phần người dân đều không thích sự tồn tại loa phường. Bởi ban ngày mọi người đi làm nên hầu hết loa chỉ phát buổi sáng và buổi tối. Song mật độ dân cư cao, nhà cửa san sát, loa lắp ngay trước cửa nhà dân nên họ cảm thấy rất khó chịu.

Đặc biệt các gia đình có người cao tuổi, sức khỏe yếu hay có trẻ nhỏ mà cứ 5h sáng hay 21- 22h đêm loa phát, nói quá nhiều không phù hợp, làm phiền đến cuộc sống người dân.

"Ở TP.HCM hay nhiều nơi hiện nay họ thực hiện thông tin cho người dân qua mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook... vẫn đạt được hiệu quả tốt. Trong khi dù có thay đổi thế nào, đây vẫn là loa phát thanh và sử dụng giọng nói để phát trực tiếp.

Do đó Hà Nội cần xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng loa truyền thanh làm gì và phải có cơ chế để sử dụng cho phù hợp", bà Lan nêu và đề nghị cần phải hỏi, lấy ý kiến người dân ở các khu dân cư, tổ dân phố trước khi thực hiện.

Tiếng ồn loa phường gây ra như "rác âm thanh" đô thị

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, kể rằng trước đây gia đình ông ở khu tập thể và cảm nhận rất rõ tiếng ồn loa phường gây ra.

Ông Sơn nhận định tiếng ồn loa phường gây ra như "rác âm thanh" ở đô thị và các thông tin phát từ đây gần như không ai nghe bởi đa phần người dân đều biết hết, thậm chí còn biết sâu hơn.

Vị ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục nêu rõ thời gian COVID-19 vừa qua loa phường có phát huy tác dụng trong thông tin khi thực hiện giãn cách, mọi người đều ở nhà.

Tuy nhiên đó là trong thời điểm vô cùng đặc biệt, còn hiện tại mọi người đã quay lại cuộc sống bình thường rồi, loa phường liệu có cần thiết, nhất là khi ở Hà Nội các phương tiện thông tin rất nhiều và người dân không chỉ tiếp nhận thông tin qua đài, báo mà còn qua mạng xã hội.

"Khi khôi phục loa phường, chúng ta phải thấy các thách thức với loa phường, đồng thời xem xét loa phường phục vụ ai, mục đích là gì.

Bên cạnh đó cần đánh giá vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, nguồn lực duy trì, thông tin có thực sự cần thiết hay người dân không thể có được ở các nguồn khác...

Chúng ta cần đánh giá tác động xã hội, lấy ý kiến của người dân, chứ không thể dựa vào ý chí chủ quan hay vì những thời điểm nhất định cần loa phường mà nghĩ lúc nào cũng có ích.

Nếu không có đánh giá tác động sẽ nhận rất nhiều phản ứng, phản đối của người dân và còn gây lãng phí tiền của", ông Sơn nêu thêm.

Ở nơi loa được đánh giá cao

Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo UBND phường ở quận Hà Đông cho hay hệ thống loa truyền thanh vẫn hoạt động bình thường .

Theo vị này, thông thường loa phát theo tần suất 2 lần/tuần hoặc 5 lần/tuần. Thời gian phát vào 6h và 17h. Tuy nhiên, tùy mức độ cần thiết, tính cấp bách sẽ tăng thêm thời lượng phát hoặc phát đột xuất để thông tin kịp thời đến người dân.

Vị này cũng nhận định trong dịch COVID-19 vừa qua, loa phường hoạt động khá hiệu quả và nhận được sự đánh giá cao. Tuy vậy quá trình phát có tiếp nhận một vài ý kiến về việc loa phát thanh gây ảnh hưởng đến việc học của học sinh nên đã điều chỉnh cho phù hợp.

Một thành viên Ban quản trị chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay các tòa chung cư ở đây đều có hệ thống loa phát thanh do người dân tự bỏ tiền lắp.

Loa này do tổ dân phố hoặc ban quản lý sử dụng để thông báo các văn bản, chủ trương của phường, báo cháy, thu tiền điện, nước... Việc thông báo thực hiện vào buổi tối.

Ngoài ra cuối tuần thường dành 1 tiếng vào buổi tối để phát nhạc không lời cho người dân nghe.

Hà Nội khôi phục loa phường: Người dân chưng hửng vì Hà Nội khôi phục loa phường: Người dân chưng hửng vì '4.0 rồi mà?'

TTO - Để nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tại 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố...

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên