11/11/2017 11:22 GMT+7

APEC 2017, cơ hội đón dòng đầu tư mới

NGỌC AN ghi
NGỌC AN ghi

TTO - Ngày 10-11 có lẽ là một trong những ngày "nóng" nhất của Tuần lễ APEC, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo đến từ những nền kinh tế lớn thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...

APEC 2017, cơ hội đón dòng đầu tư mới - Ảnh 1.

Sự kiện APEC 2017 với người dân Việt Nam cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Bởi sau APEC, thế giới sẽ nhìn Việt Nam với con mắt khác hơn, hấp dẫn hơn và vị thế cao hơn.

Việt Nam sẽ có cơ hội để đón dòng đầu tư, thương mại tốt hơn từ các nền kinh tế thành viên APEC sau sự kiện quan trọng này.

Tuy nhiên, hai bài phát biểu quan trọng của hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Hội nghị doanh nghiệp APEC đã đặt ra nhiều vấn đề đáng lưu tâm về chiến lược toàn cầu hóa của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn có tác động rất lớn đến Việt Nam. 

Hội nhập sẽ là xu hướng tất yếu mà các nước lớn hướng đến, nhưng mỗi nước với chiến lược riêng sẽ lựa chọn con đường riêng trong tiến trình toàn cầu hóa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh đến thông điệp "không để nước Mỹ bị lợi dụng, đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết" trên cơ sở tìm kiếm các đối tác mạnh, làm ăn theo cách công bằng. 

Trong khi đó, định hướng thúc đẩy một nền kinh tế mở được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra dựa trên cơ sở "phân chia lao động và định hình chuỗi giá trị" gắn với thúc đẩy sáng tạo, kết nối mà Diễn đàn hợp tác "Vành đai, Con đường" đặt ra hồi tháng 5-2017.

Chắc chắn từ những chính sách của nước lớn sẽ tác động đến kinh tế thế giới. Có thể một trật tự mới sẽ được hình thành và thiết lập không chỉ trên thế giới, mà còn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trật tự này sẽ có tác động không nhỏ đến 21 nền kinh tế thành viên APEC và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Xuất khẩu của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC hiện chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Bảy nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là cán cân thương mại của Việt Nam với các nước trong APEC luôn thâm hụt.

Đó là bài toán cần phải suy nghĩ trong hội nhập toàn cầu. Nếu vẫn mãi gia công, thiếu sự đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh thực chất, gắn với xu thế thay đổi nhanh của toàn cầu sẽ rất khó để tham gia chuỗi giá trị. 

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, các chuỗi giá trị mới được hình thành, nhưng Việt Nam lại yếu trong chuỗi này.

Việt Nam phải khéo léo vận dụng theo xu thế thế giới, có chính sách mạnh dạn và cụ thể hơn để tiếp cận những xu hướng phát triển thế giới. Gắn với đó, cần phải đẩy mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng đi vào thực chất, tái cơ cấu những lĩnh vực còn yếu kém, cải cách bộ máy hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Đặc biệt, cần giảm sự phiền hà, nhũng nhiễu, có các chính sách hỗ trợ đi vào thực chất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực nhằm tận dụng tốt cơ hội của hội nhập và bắt nhịp với xu thế thay đổi của thế giới.

NGUYỄN ĐÌNH LƯƠNG 

(nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ)

NGỌC AN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên