17/02/2022 14:41 GMT+7

Ấp ủ biến lồng bè thành viện bảo tồn cá hiếm Mekong

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Ông Bảy Bon mừng rỡ khi giải phóng số cá tồn từ đầu mùa dịch, tung ra thị trường hàng trăm tấn chả cá thác lác. Người nông dân xuất sắc năm 2021 này còn ấp ủ biến 30 lồng bè giữa sông Hậu thành viện bảo tồn cá hiếm sông Mekong.

Ấp ủ biến lồng bè thành viện bảo tồn cá hiếm Mekong - Ảnh 1.

Ông Bảy Bon thành công trong việc nuôi cá Koi giữa dòng sông Hậu - Ảnh: CHÍ HẠNH

"Vốn là một kỹ sư ngành thủy sản nhưng khi học xong tui làm cán bộ hải quan tại Cà Mau. Được vài năm thì thấy không phù hợp, đành xin nghỉ và chọn sông Hậu làm nơi khởi nghiệp, nuôi cá. Vì nơi này có nhiều loại cá tự nhiên, sinh sản tốt, không thiếu oxy, nước sạch và xa đô thị" - ông Lý Văn Bon (thường gọi Bảy Bon, 61 tuổi, ngụ phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tâm sự.

Cách bờ sông Hậu chừng chục phút chạy đò, án ngữ ngay luồng nước xiết là 30 lồng bè nuôi cá của ông Bảy Bon. Nơi này nuôi khá nhiều loại cá đặc sản, cá hiếm sông Mekong như thác lác cườm, chạch lấu, cá hô, tra dầu… theo tiêu chuẩn VietGap.

Ngoài thu nhập từ cá, ông Bảy Bon còn bắt tay cùng người dân bản địa Cồn Sơn làm du lịch phục vụ du khách thập phương. Mỗi năm ông thu về hàng tỉ đồng.

Ấp ủ biến lồng bè thành viện bảo tồn cá hiếm Mekong - Ảnh 2.

Cá hô - một loài đặc sản quý của vùng Mekong được ông Bảy Bon nhân giống - Ảnh: CHÍ HẠNH

Dù có tuổi nhưng ông Bảy Bon có thân hình săn chắc, làn da rám nắng bởi ngày đêm dầm mưa dãi nắng chăm chút cho đàn cá. "Bão COVID-19 đi qua, hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, thị trường tiêu thụ khá tốt nên đầu ra khởi sắc.

Ban đầu tui chỉ làm 2 bè bằng gỗ, rộng chừng 100m2 nuôi cá điêu hồng. Thời sơ khai, công việc làm ăn thuận lợi nên dần dần số lồng bè ngày một nhiều hơn. Năm 2012, người ta cũng chạy theo nuôi điêu hồng quá nhiều nên loại cá này trở nên thừa, mất giá. Từ dạo ấy, tui chuyển sang nuôi các loại cá đặc sản, quý hiếm chuyên sống trên dòng Mekong" - ông chia sẻ.

Là người sở hữu số lồng bè nuôi cá với diện tích 7.000m2, hiện ông Bảy Bon nuôi hơn 10 loại cá đặc sản, quý hiếm. Trong đó loài có giá trị kinh tế cao phải kể đến như thác lác cườm, cá hô, cá trà sóc, cá mú nước ngọt, cá tra dầu, cá tra cờ, cá heo, chạch lấu... Nuôi theo quy trình VietGap, mỗi sản phẩm mang về cho ông từ 100.000 đến 400.000/kg bán sỉ.

Ấp ủ biến lồng bè thành viện bảo tồn cá hiếm Mekong - Ảnh 3.

Hiện ông Lý Văn Bon đang ấp ủ ý tưởng biến 30 lồng bè giữa sông Hậu thành viện bảo tồn cá hiếm sông Mekong - Ảnh: CHÍ HẠNH

Hàng năm, ông Bảy Bon tung ra thị trường trong nước, Nhật, Úc… khoảng 800 tấn cá. Mỗi tháng, ông còn kiếm thêm hàng chục triệu đồng từ việc cho du khách trải nghiệm chăm sóc, cho cá ăn, massage cá...

Ngoài làm kinh tế, ông Bon cũng khá có tiếng vì nhân giống được cá thác lác cườm, cá chạch lấu. Ông cũng rất mê và ôm mộng nghiên cứu nhân giống cá heo, loài đặc sản của vùng sông nước Mekong. Ông sở hữu chục con cá trê đuôi đỏ, một loài cá có tên khác là Hồng Vỹ chỉ sinh sống ở vùng Amazon, Nam Mỹ...

Bà Trần Thị Thiên Thư - phó chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ - cho biết ông là một nông dân tiêu biểu của thành phố với nhiều ý tưởng làm ăn rất nhạy bén, mới lạ mang lại thu nhập cao, tạo được công ăn việc làm cho người dân bản địa.

"Ông nhận được nhiều bằng khen của UBND TP Cần Thơ, Hội nghề cá Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, của Thủ tướng. Cuối năm rồi, ông là một trong 63 người nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021". Hiện, ông còn ấp ủ ý tưởng biến lồng bè của mình thành viện bảo tồn các loài cá quý hiếm, đặc sản của vùng sông nước Mekong" - bà Thư cho hay.

Campuchia đề cử 4 khu bảo tồn cá heo nước ngọt vào danh sách di sản Campuchia đề cử 4 khu bảo tồn cá heo nước ngọt vào danh sách di sản

Bốn khu bảo tồn được đề cử gồm khu bảo tồn cá heo Prek Kampi, Khu bảo tồn động vật hoang dã Prek Prasob, khu Di sản Thiên nhiên Phnom Tbeng và Khu Du lịch Thiên nhiên Tmat Boey.

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên