12/12/2016 07:57 GMT+7

Áp thấp gây gió giật cấp 8 ở Trường Sa, Nam Bộ mưa kéo dài

M.ANH - QUANG KHẢI
M.ANH - QUANG KHẢI

TTO - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 7g sáng nay 12-12, tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bến Tre khoảng 300km về phía đông đông nam.

Sơ đồ dự báo hướng đi áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
Sơ đồ dự báo hướng đi áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9. 

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10km. Đến 7g sáng 13-12, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. 

Trong 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đổi hướng di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10km. 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Sóc Trăng (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-3 mét. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió giật mạnh cấp 6-7. 

Ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Tổng lượng mưa từ nay đến hết ngày 13-12 ở Quảng Ngãi đến Bình Thuận 100-150mm, khu vực Nam Bộ 50-100mm. Trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có khả năng xuất hiện lũ kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Chiều 11-12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM có công điện khẩn về cảnh báo, ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.

Công điện yêu cầu UBND huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP và các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các điểm xuất bến, các khu neo đậu tàu thuyền từng xã - thị trấn.

Chính quyền huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè kiểm tra dân cư sống ven sông, ven biển, vùng trũng thấp, nhà tạm bợ, lồng bè nuôi trồng thủy sản để chuẩn bị sơ tán khi có lệnh.

Các lực lượng, đơn vị tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia khi cần thiết...

Nam bộ vào mùa khô vì sao vẫn có mưa, áp thấp?

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới (trước đó là vùng thấp này) nối với trục rãnh thấp là nguyên nhân gây mưa tại Nam bộ những ngày qua. Trong đó, trận mưa ngày 10-12 tại TP.HCM có vũ lượng lên đến 70mm (trạm Tân Sơn Hòa, Q.Tân Bình).

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận định do bị ảnh hưởng bởi hình thế thời tiết như trên nên mưa ở Nam bộ xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Một số nơi có mưa vừa đến mưa to, dự báo tổng lượng mưa của đợt này từ 100-200mm, có nhiều nơi nhiều hơn.

Nhiều nơi ở Nam bộ ban ngày trời khá nhiều mây mù, độ ẩm cao nên hiện tượng sương mù tiếp tục xuất hiện.

Nam bộ đã vào mùa khô nên việc liên tục xuất hiện mưa trái mùa, áp thấp nhiệt đới được xem là bất thường. Tuy nhiên hiện tượng này đã được dự báo từ trước.

Theo ông Nguyễn Kiệt - trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ: do vừa kết thúc hiện tượng El nino chuyển sang La nina nên từ tháng 11, các mô hình dự báo đã nhận định mùa mưa, bão kết thúc muộn, khả năng sẽ xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới những tháng cuối năm 2016, thậm chí đầu năm 2017.

Một cán bộ dự báo khác của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cũng nhận định bình thường ở thời điểm này trục rãnh thấp lùi sâu về khu vực phía nam nhưng hiện tại nó vẫn hiện diện trên khu vực Nam bộ. Chính trục rãnh thấp này tạo điều kiện mây đối lưu phát triển tạo ra mưa dông cục bộ, khi kết hợp với áp thấp nhiệt đới làm cho mưa nhiều hơn.

Riêng về áp thấp nhiệt đới, theo vị này, hiện tại do không khí lạnh liên tục tăng cường làm cho nhiệt độ mặt nước biển thấp, không đủ năng lượng làm cho nó mạnh lên thành bão nhưng sẽ gây thời tiết xấu trên biển và đất liền.

Do mưa nhiều và tác động nhẹ của không khí lạnh nên nhiệt độ tại Nam bộ những ngày qua dù giảm không sâu nhưng vẫn tạo cảm giác mát mẻ. Cụ thể nghi nhận nhiệt độ ngày 11-12, tại Nam bộ nhiệt độ thấp nhất ở Phước Long (Bình Phước) ở mức 21 độ C.

Tại TP.HCM nhiệt độ thấp nhất là 23 độ C (trạm Nhà Bè), nhiệt độ cao nhất cũng chỉ mức 30-31 độ C. Nền nhiệt độ này vẫn còn duy trì đến kết thúc mưa ở Nam bộ sau ngày 13-11.am bộ vào mùa khô vì sao vẫn có mưa, áp thấp?

M.ANH - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên