08/12/2021 19:05 GMT+7

Áp lực chống dịch COVID-19 khiến ‘mua sắm mỗi ông một kiểu’

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phòng, chống COVID-19.

Áp lực chống dịch COVID-19 khiến ‘mua sắm mỗi ông một kiểu’ - Ảnh 1.

Ngành y tế nhận được nhiều chia sẻ từ Quốc hội về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Quochoi.vn

Không "tách" được viện phí thì ngân sách chi trả

Chiều 8-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Giải trình về những khó khăn trước yêu cầu bóc tách viện phí điều trị bệnh COVID-19 và bệnh nền, người đứng đầu ngành y tế cho biết có những thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh dẫn đến số lượng người bệnh phải điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tăng mạnh.

"Nhân viên y tế không thể có thời gian để thực hiện việc lập các biểu mẫu, hồ sơ thống kê chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên không thể thực hiện việc bóc tách chi phí điều trị bệnh COVID-19 do ngân sách nhà nước chi trả và chi phí khám bệnh, chữa bệnh nào điều trị bệnh nền hoặc bệnh khác do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Hơn nữa, nhiều người bệnh khi nhập viện không mang giấy tờ tùy thân, không mang theo tiền hoặc nhiều người bệnh vào nằm điều trị rồi đến lúc tử vong cũng không thể liên hệ với người nhà nên không thể thực hiện việc thu viện phí.

Vì những lý do trên, Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí theo quy định tại nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15, cho phép bổ sung quy định trường hợp không bóc tách được chi phí thì ngân sách sẽ chi trả toàn bộ. 

Đồng thời cho phép Chính phủ quyết định việc sử dụng kinh phí từ nguồn quỹ dự phòng của Quỹ bảo hiểm y tế để cùng với nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 trên nguyên tắc bảo đảm an toàn.

"Chúng tôi nhất trí với Bộ Y tế trình theo hướng ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực tế khám chữa bệnh COVID-19. Đối với bệnh khác, trong trường hợp không bóc tách được thì sẽ chi trả toàn bộ", Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng bày tỏ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng chia sẻ là các bác sĩ không thể tự ngồi tách ra phần nào là COVID, phần nào là của bệnh nền.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng không nên giao Chính phủ quyền điều hòa giữa ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế. "Trường hợp nào không tách được thì mới chi bằng ngân sách, không thể lấy từ bảo hiểm y tế đưa vào ngân sách, tức là không tách được thì ngân sách nhà nước sẽ chi trả", ông nói.

Áp lực chống dịch COVID-19 khiến ‘mua sắm mỗi ông một kiểu’ - Ảnh 2.

Ông Vũ Văn Họa phát biểu tại một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều vướng mắc trong mua sắm thiết bị

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ với những khó khăn, áp lực của cán bộ, nhân viên ngành y trong công tác phòng, chống dịch. "Có rất nhiều lực lượng, cán bộ cơ sở tham gia chống dịch bây giờ cũng bức xúc lắm, nhiều đồng chí "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" cũng muốn thôi không làm nữa", ông Phương nói.

Trong công tác mua sắm thiết bị y tế, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa nêu tình trạng vừa qua "mua sắm mỗi ông một kiểu, vì dịch lúc đó mua được là mua thôi". Thậm chí, rà soát sơ bộ hiện tại "có tới gần 50 văn bản liên quan đến con COVID-19".

Ông Họa kể là khi trao đổi với lãnh đạo TP.HCM, Đồng Nai thì biết rằng trong lúc dịch diễn biến căng thẳng phải mua trang thiết bị bằng mọi giá để có, nếu cứ "áp thước" vào thì rất khó. Vì vậy, nếu bây giờ thực hiện kiểm toán cũng phải rất cân nhắc, đồng thời muốn mời một số ủy ban của Quốc hội cùng tham gia để đánh giá đúng thực trạng vấn đề.

"Chúng tôi biết có nhiều khoản kinh phí chuyển từ Mặt trận Tổ quốc về Bộ Y tế không chi tiêu được vì vướng cơ chế chính sách mua bán thiết bị y tế", Phó tổng Kiểm toán Nhà nước nói thêm.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh là Chính phủ, Thủ tướng cần có quyết sách mạnh mẽ hơn bởi "Quốc hội đã trao quyền rồi". Nghị quyết của Quốc hội cho phép trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể áp dụng khác quy định của luật. Vì vậy Bộ Tài chính cần xem xét để có hướng dẫn cụ thể cho việc này.

Thủ tướng: Chuẩn bị phương án phòng chống dịch, phù hợp biến chủng Omicron Thủ tướng: Chuẩn bị phương án phòng chống dịch, phù hợp biến chủng Omicron

TTO - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên