23/07/2013 11:23 GMT+7

Anh thợ máy vui vẻ

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Sau khi nghe câu chuyện một thợ bảo trì máy bị nhiễm HIV qua lời kể của phó giám đốc một công ty may mặc tại quận Tân Phú (TP.HCM), chúng tôi tìm cách liên lạc với anh.

Tại lễ tổng kết dự án “Hỗ trợ việc làm và dự phòng HIV nơi làm việc cho người có nguy cơ cao tại VN” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ (gọi tắt là dự án HIV nơi làm việc) diễn ra ở Hà Nội ngày 20-6, bà Phạm Hoài Giang, giám đốc dự án, vui mừng thông báo qua năm năm thực hiện chương trình, 1.200 người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV tại VN đã tìm được việc làm ổn định hoặc đạt được ước mơ tự kinh doanh.

Tuy nhiên anh liên tục từ chối vì không muốn khơi dậy quá khứ tăm tối. Mãi một tuần sau đó anh mới đồng ý gặp cùng lời nhắn: “Tôi hi vọng câu chuyện của mình sẽ giúp giảm bớt sự kỳ thị của cộng đồng đối với những người nhiễm HIV và có thể giúp ích những người đồng cảnh ngộ”.

RSYjlBz9.jpgPhóng to
Hiện nay không ít doanh nghiệp đã có chính sách nhân đạo nhằm tiếp nhận những đối tượng lao động nhiễm HIV - Ảnh: Minh Họa

Quá khứ đáng quên

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Anh Đức (tên tất cả nhân vật trong bài đều được thay đổi), 33 tuổi, nằm hút sâu trong một con hẻm nhỏ ở quận Tân Bình vào một buổi chiều tối khi anh đang chăm sóc con gái gần 3 tuổi vì vợ tăng ca chưa về. Hiện anh sống cùng mẹ già và vợ con.

Quyền lợi của người có H tại nơi làm việc

Theo đề nghị của ban chỉ đạo dự án HIV nơi làm việc, ban giám đốc công ty anh Đức đang làm đã ra quy định riêng về quyền lợi cho những người bị nhiễm HIV và người nghiện sau cai, bao gồm: mức lương hỗ trợ học nghề/tháng bằng 80% mức lương tối thiểu, được hỗ trợ lương ba tháng đầu bằng mức lương tối thiểu (nếu tiền lương sản phẩm thấp hơn lương tối thiểu), thời gian nghỉ không quá 2 ngày trong tháng của người nhiễm HIV vẫn được hưởng tiền chuyên cần, nghỉ 1/2 ngày đi lấy thuốc kháng HIV ARV vẫn được hưởng nguyên lương.

Đó là một người đàn ông nước da đen nhẻm, hơi gầy và đôi mắt sâu hút nhưng luôn ánh lên niềm lạc quan. Anh kể mình bắt đầu nghiện ma túy năm 18 tuổi. Đến năm 25 tuổi, thương mẹ già vất vả lại hay bị bệnh tim hành hạ, anh quyết tâm giũ bỏ quá khứ nghiện ngập khi quyết định làm công nhân cho một doanh nghiệp may mặc ở địa phương nhờ chính sách hỗ trợ việc làm cho những đối tượng sau cai nghiện. Trớ trêu thay, đúng lúc anh đang khao khát sống một cuộc đời có ích nhất thì lại nhận “bản án tử hình treo”.

Nhớ lại hôm nhận kết quả dương tính HIV từ một trung tâm xét nghiệm năm 2006, anh vẫn còn cảm thấy rờn rợn: “Đầu óc tôi trống rỗng. Một nửa chấp nhận, một nửa phó mặc cho số phận...”. Sau đó, anh giấu người thân chuyện mình bị bệnh vì sợ mẹ già sốc không sống nổi. Anh tiếp tục làm việc với ý nghĩ sống tới đâu hay tới đó, thậm chí còn không dùng thuốc đặc trị HIV ARV vì cho rằng mình còn khỏe mạnh. Cuộc đời anh cứ thế nhàn nhạt trôi qua cho đến khi anh tìm thấy “một nửa của mình” cũng là đồng nghiệp cùng công ty. Tuy vậy, thời điểm đó vợ anh không hề biết chồng mình đang nhiễm HIV. Theo lời anh, trong quan hệ vợ chồng, anh luôn cố gắng áp dụng các biện pháp an toàn để không lây bệnh cho vợ. Nhưng có một lần anh say rượu và quên dùng bao cao su. Sau đó vợ anh thông báo có thai khiến anh ngày đêm hoang mang không biết vợ con mình có bị lây nhiễm HIV hay không.

“Đứa con trời cho”

“Lúc đó, tôi cạo đầu khấn vái ông trời mong sao vợ con không bị lây bệnh. Lúc vợ thông báo có bầu, tôi đưa vợ đi bệnh viện xét nghiệm liền và bác sĩ bảo vợ con tôi không bị nhiễm. Sáu tháng sau, tôi dẫn vợ đi xét nghiệm lần nữa và thở phào nhẹ nhõm khi bác sĩ khẳng định vợ con tôi không bị” - anh Đức kể lại bằng giọng run run.

Trong khi trò chuyện với chúng tôi, lâu lâu anh lại xoa đầu, nựng nịu cô con gái với khuôn mặt xinh xắn, lanh lợi và tự hào khoe: “Đứa con ông trời cho tôi đó. Cô giáo khen bé hát hay múa đẹp. Có đứa con làm cho mình cảm thấy phải ráng sống”. Nhưng sau khi tổ chức tiệc thôi nôi cho bé, sức khỏe anh xuống đi trông thấy. Từ một thanh niên khỏe mạnh nặng gần 70kg, anh sụt còn 38kg chỉ trong vòng hai tháng. Gia đình sau đó đưa anh đi chạy chữa khắp nơi. Cuối cùng, gia đình đưa về nhà săn sóc với hi vọng anh sống được ngày nào hay ngày đó. Anh nằm một góc không nhúc nhích, lúc mê lúc tỉnh, chỉ có thể hút sữa và uống thuốc pha loãng giống như triệu chứng của người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Những người săn sóc anh tại nhà cũng lắc đầu nói chắc khó qua khỏi. Nhiều đồng nghiệp, lãnh đạo công ty tới thăm hỗ trợ tiền bạc thuốc men và động viên anh cố gắng vượt qua bệnh tật nhưng cũng không giúp anh khá hơn được chút nào. Tuy nhiên, đúng lúc anh suy kiệt, tuyệt vọng nhất thì đứa con gái nâng anh dậy. “Lúc nằm co lại, kê gối vào tường, mẹ và vợ ẵm con gái lại cho tôi xem. Nhìn thấy đứa con bé bỏng mà rơi nước mắt. Lúc đó tôi nghĩ nếu mình có mệnh hệ gì không biết con mình sẽ sống ra sao. Và đó là động lực khiến tôi tiếp tục sống” - anh nhớ lại.

Sau sáu tháng nằm một chỗ, anh Đức bắt đầu hồi phục nhanh chóng nhờ uống thuốc kháng HIV ARV đều đặn và ý chí sống mãnh liệt. Sự hồi phục kỳ diệu của anh cũng khiến nhiều bác sĩ điều trị cho anh bất ngờ.

Công việc mơ ước

Dù biết anh bị bệnh nhưng giám đốc công ty và các lãnh đạo khác không những tiếp nhận anh trở lại làm việc mà còn hỗ trợ anh tối đa. Anh Đức nói từ khi trở lại làm việc, anh không hề thấy có sự tị nạnh trong công việc. Thậm chí mọi người còn giành việc nặng, giao việc nhẹ cho anh làm. “Các lãnh đạo công ty luôn tạo điều kiện, đôi lúc mình cảm giác họ đối xử với mình có chút ưu ái. Công ty có những ưu đãi, chế độ riêng cho tôi mà vợ tôi không có. Môi trường làm việc vô cùng vui vẻ và hòa đồng” - anh hào hứng nói.

Nói về anh Đức, anh Nguyễn Thế Chương, đồng nghiệp cũng là bạn thân tại công ty, nhận xét: “Tôi rất khâm phục Đức vì dám nhìn sự thật và lo cho vợ con. Dù bệnh cỡ nào cũng ráng đi làm nuôi vợ, nuôi con”. Anh Đức được công ty tạo điều kiện cho học nghề sửa chữa máy và trở thành một thợ máy lành nghề với thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Anh khoe thông qua việc học hỏi những thợ máy khác, anh có thể sửa chữa được hầu hết máy móc, điện đóm trong công ty, ngoại trừ một số máy móc điện tử phức tạp như máy tạo khuy, nút thì chưa sửa được.

Trước khi chia tay chúng tôi, anh nói thành công lớn nhất trong cuộc đời anh là có một gia đình nhỏ để chăm sóc. Rồi anh mong ước mình có thêm sức khỏe để làm thêm việc phụ giúp gia đình cũng như sống lâu hơn để có thể nhìn thấy con gái trưởng thành. “Được chở vợ đi làm hằng ngày và chở con gái đi nhà sách mỗi cuối tuần là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi hiện giờ” - anh Đức trải lòng.

Nên có khu đặc trị HIV để giảm kỳ thị

Anh Đức cho biết ngoài các bác sĩ ở những bệnh viện chuyên tiếp nhận người HIV như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, anh rất ngại đến các bệnh viện khác vì sợ bị kỳ thị. Anh kể có lần cần khám bệnh liên quan tim và lao phổi nên buộc phải đến bệnh viện khác thì nghe những lời chói tai từ một số bác sĩ trẻ, chẳng hạn như “Hồi xưa chơi xì ke phải không?” hay “Chích xì ke thì bị bệnh này là phải”. Thậm chí có bác sĩ còn nói: “Bị bệnh HIV vào đây làm gì?”. Nhưng theo anh Đức, vẫn có bác sĩ thông cảm và ân cần hỏi han anh.

“Tôi nghĩ đừng nên kỳ thị người ta quá. Một khi người ta đã bước vô trị bệnh thì cũng là bệnh nhân như bao người khác và đã có ý muốn hướng thiện. Nên nhìn người ta với con mắt thiện cảm một chút. Tôi hi vọng có khu đặc trị HIV ở VN để những người bệnh như tôi bớt bị kỳ thị” - anh Đức gửi gắm nguyện vọng.

_______________

Kỳ tới: Cửa đời rộng mở

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên