Nói ngược dòng ở đây là ở hai lý do chính. Đầu tiên, đây là chương trình đề cao vai trò của nhạc công, của ban nhạc, thay vì nhấn mạnh vào ca sĩ như thường thấy trên thị trường âm nhạc.
"Khi công chúng, truyền thông chỉ nhắc đến ca sĩ mà bỏ quên những người làm nhạc, chơi nhạc có nghĩa là đã gạt qua một yếu tố quan trọng cho sự thành công của những bài hát, đêm nhạc. Cũng như thế thì người chơi nhạc không còn hứng thú rèn luyện, theo nghề", nhạc sĩ Anh Quân từng chia sẻ.
Nghe Mỹ Linh hát Bèo dạt mây trôi cùng ban nhạc của Nguyên Lê
Điểm "ngược" thứ hai là The BandFest diễn ra ở nhà hát, chứ không phải các ban nhạc trình diễn ở sân khấu ngoài trời. Nhiều nhạc công, nghệ sĩ còn chưa tới 20 tuổi được đặt trong không gian vốn trang nghiêm của Nhà hát lớn.
Nói như nhạc sĩ Anh Quân, ở nơi vốn dành cho nhạc cổ điển, nhưng với The BandFest thì khán giả cứ thoải mái… nhảy múa theo tiếng nhạc.
Nếu cần kể thêm một điểm "ngược dòng" khác thì đó là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức này không có gắn bất kỳ logo tài trợ nào; có nghĩa là Anh Quân và Mỹ Linh "tay bo" tổ chức và theo Mỹ Linh là "chịu lỗ sâu".
Nghe Mỹ Linh hát Trên đỉnh phù vân cùng ban nhạc của Nguyên Lê
Với cuộc chơi vừa diễn ra, may cho nhà Mỹ Linh, khán phòng của Nhà hát gần như phủ kín, với giá vé bằng một nửa so với các đêm nhạc thông thường của các ca sĩ ở cùng địa điểm, tức từ 300.000 đồng đến 1.500.000 đồng/vé.
Giống như Lễ hội Âm nhạc Gió mùa của nhạc sĩ Quốc Trung, một lượng không nhỏ khán giả là người nước ngoài.
Mức chi phí ấy, trong điều kiện người theo dõi giới hạn (không quá 600 chỗ ngồi), The BandFest cho thấy đây là chương trình đáng để thưởng thức.
Với dáng dấp của "lễ hội âm nhạc", chương trình bao gồm nhiều "set" nhạc liên tiếp của các đại diện ban, nhóm nhạc.
Nhạc sĩ Anh Quân và hoa hậu Ngô Phuơng Lan (dẫn chương trình) - Ảnh: Minh Tâm
Ở phần đầu kéo dài khoảng 90 phút, The BandFest 2018 mang đến các phần trình diễn trẻ trung, sôi nổi của nhiều phong cách âm nhạc khác nhau như jazz, funk, rock…
Ngay khi xuất hiện, nhóm nhạc Jazz Glory gồm 6 thành viên Lê Minh Hiếu (trưởng nhóm, chơi trống), Dương Bảo Tín ((keyboard), Phạm Gia Khoa (bass), Trịnh Thi San (guitar), Lương Việt Tú (keyboard) và Lê Trần Phương Linh (ca sĩ) đã tạo thiện cảm với khán giả bằng sự tươi mới và có chút hồn nhiên, lúng túng.
6 thành viên của Jazz Glory - Ảnh: Minh Tâm
Ở độ tuổi còn rất trẻ, ban nhạc này đã bộc lộ hướng đi riêng rõ ràng khi chọn cách "trẻ hóa" cho dòng "nhạc già" (jazz) bằng lối chơi nhạc phóng khoáng, tự nhiên với cả những bản nhạc jazz kinh điển hoặc ca khúc tự sáng tác.
Ban nhạc trẻ này vừa trình diễn những bản nhạc jazz kinh điển vừa biến tấu một ca khúc Và thế là hết của Soobin Hoàng Sơn theo phong cách jazz/funk, với phần kế hợp của ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc. Ngoài ra, ban còn có hai màn kết hợp với nữ ca sĩ Thụy Điển Anna Hogberg.
PB Nation với Phúc Bồ và Hà Lê biểu diễn cùng Yellow Star Big Band - Ảnh: Minh Tâm
Phần xuất hiện tiếp nối của Yellow Star Big Band gợi liên tưởng đến bộ phim La La Land, ở đó nhạc jazz và mô hình "big band" theo kiểu cổ điển, thuần chuất là điều mà anh chàng mê jazz đắm đuối Sebastian luôn ước ao.
Không khí ở các Câu lạc bộ nhạc jazz ở Mỹ đã được 17 thành viên của Yellow Star Big Band tái hiện trên sân khấu Nhà hát lớn.
Bài hát Kiếp lẳng lơ với câu chuyện về "tự do yêu đương" của Thị Màu cho thấy sự chững chạc trong tư duy âm nhạc của các nhạc công, nhạc sĩ và ca sĩ ở ban nhạc rất đông thành viên này.
Tâm điểm của chương trình dồn vào sự xuất hiện của nhạc sĩ Nguyên Lê cùng ban nhạc với hai nghệ sĩ đến từ Đức (Benjamin Schatz, chơi piano) và Hàn Quốc (Hogyu Hwang, chơi bass).
Nghệ sĩ gạo cội trở về từ Pháp được dành toàn bộ nửa chương trình ở phần sau để chơi nhạc theo phong cách đậm chất jazz châu Âu với một số bản nhạc như ZigZag, Wingless Flight...
"Tôi hạnh phúc khi được trình diễn trước khán giả Việt Nam ở chương trình do Anh Quân và Mỹ Linh tổ chức", Nguyên Lê nói trên sân khấu.
Điểm đáng nói là giữ vai trò chơi trống trong ban nhạc của Nguyên Lê là chàng trai 19 tuổi Lê Minh Hiếu và anh đã thuyết phục được khán giả bằng rất nhiều tràng pháo tay tán thưởng.
Phần kết của chương trình là sự kết hợp của Nguyên Lê band và ca sĩ Mỹ Linh ở ba ca khúc Trên đỉnh Phù Vân, Bèo dạt mây trôi và Chiếc khăn piêu.
Như một cách thay đổi không khí, Nguyên Lê cùng các cộng sự và ca sĩ mang đến không gian của world music trong những bản phối có chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ Linh có sự kết hợp cùng Nguyên Lê (trước đó là ở chương trình Hanoi Duo); tuy nhiên, ở The BandFest 2018, Mỹ Linh như được thỏa sức vẫy vùng trong một không gian âm nhạc phù hợp với cô, có sự đầu tư kỹ càng về âm thanh.
Sự thăng hoa của Mỹ Linh trở thành cái kết đẹp cho cuộc chào sân của The BandFest 2018 (với ý định tổ chức thường niên). Chương trình khép lại bằng việc khán giả cùng đứng dậy dành sự tán thưởng cho các nghệ sĩ.
Âm nhạc không chỉ có "hát", đó là điều sự kiện The BandFest như muốn nói với công chúng và góp phần khẳng định vai trò của ban nhạc.
Vẫn còn sớm để nói về việc "các ban nhạc trẻ sẽ thay đổi diện mạo âm nhạc nước nhà" như khẳng định của nhạc sĩ Anh Quân mới đây; nhưng chúng ta có thể thấy rõ ở nhiều nước có nền âm nhạc phát triển thì âm nhạc không chỉ đồng nghĩa với ca sĩ hay bài hát, mà còn là sự thịnh hành của nhiều hình thức trình diễn đa dạng khác.
Ở Việt Nam không phải không có những ban nhạc hay và có tiềm năng, mà đơn giản là họ không có cầu nối với khán giả hoặc còn khu biệt trong những nhóm khán giả nhỏ. Đây là sự phí phạm về nhiều mặt và ở vai trò người nghệ sĩ, chúng tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải làm gì đó để thay đổi dần thực trạng này.
Nhà sáng lập The BandFest - nhạc sĩ Anh Quân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận