19/01/2020 19:44 GMT+7

Anh lái tàu tiễn em ra biển quê hương

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Chuyến tàu có vị khách đặc biệt: trung úy Nguyễn Đình Nhật, người em trai kém 4 tuổi của thượng úy Nguyễn Đình Đức.

Anh lái tàu tiễn em ra biển quê hương - Ảnh 1.

Thượng úy Đức (phải) truyền đạt kinh nghiệm đi biển cho em trai của mình - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Rời cảng căn cứ Long Sơn (Vũng Tàu), con tàu 263 đưa đoàn công tác số 2 thuộc Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân thăm, tặng quà, chúc Tết cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các tàu trực, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc cùng cơ quan dân - chính - đảng huyện Côn Đảo.

Tự hào chứ! Đâu dễ gia đình nào có hai anh em phục vụ được trong một ngành, rồi có dịp hội ngộ trên một chuyến tàu cuối năm như thế này. Giờ gặp nhau thì vui nhưng chắc khi lên lô sẽ có buồn một chút.

Trung úy Nguyễn Đình Nhật

Thuyền phó trẻ, thượng úy trẻ Nguyễn Đình Đức, 29 tuổi, trông chững chạc với nước da bánh mật, nét mặt cương nghị, rắn rỏi, được thành viên trong đoàn đặc biệt chú ý. Không chỉ vì ánh mắt nụ cười tươi vui thường trực mà còn vì câu chuyện thâm tình đặc biệt.

Chuyến tàu có vị khách đặc biệt: trung úy Nguyễn Đình Nhật, người em trai kém 4 tuổi của thượng úy Nguyễn Đình Đức. Trung úy Nhật theo tàu 263 ra nhận nhiệm vụ với cương vị là phó chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12 tại bãi Tư Chính. 

"Bất ngờ, vui và tự hào lắm" - thượng úy Đức chia sẻ khi biết được trên chuyến tàu mà mình cầm lái có em trai mình. Đây là lần đầu tiên hai anh em được đi cùng chuyến với nhau dù đã nhiều năm phục vụ trong ngành hải quân.

Công việc trên tàu cứ cuốn đi cho đến cuối buổi chiều thứ hai của hải trình, hai anh em mới có dịp tranh thủ gặp nhau. Một cái ôm thân tình giữa biển cả bao la của hai anh em đã chạm đến trái tim mọi người. Kinh nghiệm đi biển, cách rèn luyện sức khỏe, ý chí... từ người anh trai từng trải được truyền lại cho người em khi con tàu 263 đang lướt mình trên những con sóng lớn.

"Những câu chuyện đời lính, tinh thần, phong thái đầy chất lính của sự khỏe khoắn, dứt khoát, sống vì người khác của cha đã đưa tôi đến với ngành hải quân" - anh Đức kể. Rồi lời kể với những băn khoăn, đau đáu về biển đảo của Tổ quốc cũng từ cha đã khiến em trai anh, trung úy Nhật hôm nay quyết định theo chân anh trai. Xuân mới, nhiệm vụ, trọng trách mới sẽ cuốn lấy những chàng trai của biển cả...

Chuyến ra lô (DK1/12) lần này của trung úy Nhật dự kiến kéo dài gần một năm. Và dù đã tham gia nhiều chuyến tàu "đi đi, về về" Vũng Tàu - DK1 nhưng chuyến đi lần này với anh Nhật có một cảm xúc thật đặc biệt. Được hỏi về dự định tương lai mình, cả hai anh em đều bày tỏ mong muốn tiếp tục được làm việc, và cống hiến nhiều hơn nữa cho lý tưởng mình đã chọn.

Khi tàu 263 đến nhà giàn DK1/12, trên boong tàu, anh Đức chỉ có thể nói với đến em trai rằng hãy cố giữ gìn sức khỏe. Ở dưới, trung úy Nhật nghiêm trang chào mọi người trên tàu bằng kiểu chào người lính rồi dứt khoát từng động tác lao mình xuống biển cả. Anh bơi nhanh về phía chân nhà giàn, nơi có những đồng đội đang đợi anh. Tràng vỗ tay của mọi người trên tàu không ngớt.

Từ Trường Sa: 'Hãy luôn an tâm về chúng tôi'!

Anh lái tàu tiễn em ra biển quê hương - Ảnh 3.

Những người lính trên đảo chìm Đá Thị chuẩn bị bàn thờ đón Tết Nguyên đán 2020 - Ảnh: M.LĂNG

Những ngày cận Tết ở quần đảo Trường Sa - nơi cách đất liền hơn 300 hải lý - có gì đặc biệt? Trung tá Nguyễn Quốc Tuấn, chính trị viên phó đảo Song Tử Tây, nói: "Ở đây dù xa gia đình, xa quê hương, không có điều kiện để làm nhiều thứ đầy đủ như trong đất liền nhưng bằng những món quà, tình cảm của nhân dân cả nước gửi ra từ cây quất, lá dong... bọn mình vẫn tổ chức Tết cổ truyền đầy đủ như trong đất liền, cũng mổ heo, gói bánh chưng, làm bàn thờ, đón giao thừa, đi chúc Tết, đi chùa đầu năm".

Ba năm liền ăn Tết ở đảo Song Tử Tây, thượng tá Bùi Thanh Tùng tâm sự: "Tết ngoài đảo có cái rất khác là không có tiếng xe cộ ồn ào, không có pháo hoa. Lúc nào cũng nghe tiếng gió và tiếng sóng biển, kể cả trong đêm 30 làm cho khoảnh khắc giao thừa có cái đặc trưng rất khác so với đất liền".

Anh lái tàu tiễn em ra biển quê hương - Ảnh 4.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết gói bánh chưng đón Tết - Ảnh: M.L.

Không có đất, không có cây ăn trái như đảo nổi, những người lính đảo chìm vẫn cố gắng "xoay xở" để có được mâm ngũ quả và bàn thờ ngày Tết với trái cây, bánh chưng, nước ngọt, bánh kẹo, mứt và chậu quất, chậu lan được đất liền gửi ra. 

"Dù đảo nhỏ, chật nhưng anh em cũng gói bánh chưng, quây quần bên nhau tạo không khí cho vui" - thiếu tá Lê Văn Dương, chỉ huy trưởng đảo Đá Nam, cho hay.

Năm nay sẽ là cái Tết thứ ba đại úy Vũ Quang Khắc - chính trị viên đảo Đá Thị - đón Tết ở quần đảo Trường Sa. 

"Đảo chìm chật chội, khó khăn hơn trong việc tổ chức đón Tết nhưng bộ đội mà, khó khăn nào cũng khắc phục được. Chúng tôi ngoài này luôn vững vàng, lạc quan, vui vẻ. Bộ đội ăn Tết xa nhà là chuyện bình thường. 

Ở ngoài này, đảo là nhà, biển cả là quê hương mà. Ăn Tết ở nhà, ở quê hương mình vui chứ. 

Anh em cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị chúc người dân cả nước trong đất liền đón một cái Tết Nguyên đán thật đầm ấm, vui vẻ và hãy luôn an tâm về chúng tôi", chính trị viên đảo Đá Thị mỉm cười bảo.

Rưng rưng với những lá thư từ đất liền...

linh dao

Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết gói bánh chưng đón Tết - Ảnh: M.L.

"Tất cả chúng cháu viết lá thư này với mong muốn sẻ chia phần nào vất vả, nhọc nhằn lẫn hiểm nguy mà các chú đang ngày đêm gánh chịu nơi đầu sóng ngọn gió, cương quyết bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc..." - đó là lời tâm tình mà Lăng Thị Luyến, học sinh Trường THCS Minh Lập (tỉnh Thái Nguyên), viết trong lá thư tay gửi đến cán bộ chiến sĩ đang công tác tại tiểu đoàn DK1 nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

"Không ở bên gia đình, người thân nhưng các chú đừng buồn nhé. Bởi có một điều quý giá hơn cả là tình cảm và tấm lòng của nhân dân Việt Nam luôn luôn dành trọn cho các chú. Chúng cháu cảm ơn các chú đã mang cuộc sống bình yên cho mọi miền Tổ quốc dù bản thân ngày ngày hứng chịu đầy sóng gió. Cảm ơn các chú rất nhiều!" - Luyến đề ở cuối thư.

"Không rảnh thì thôi chứ rảnh là lại lấy chúng ra đọc và lần nào đọc, lòng cũng đầy cảm xúc đến rưng rưng" - thượng úy Đặng Văn Mạnh chia sẻ.

CÔNG TRIỆU

Thiệp xuân ra đảo Trường Sa Thiệp xuân ra đảo Trường Sa

TTO - Hàng ngàn tấm thiệp chúc tết chan chứa yêu thương do các bạn học sinh tự tay làm, đã vượt hơn 300 hải lý đầy sóng gió cuối năm để đến với những người lính ngày đêm bảo vệ biển đảo Tổ quốc và những em bé - công dân đặc biệt ở quần đảo Trường Sa.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên