30/01/2014 16:06 GMT+7

"Anh đã về ăn Tết cùng gia đình"

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTXuân - “Giao thừa nào chúng tôi cũng bày bánh chưng, trà ngon lên bàn thờ anh. Nhưng chỉ đến khi tìm anh về đoàn tụ được với gia đình, chúng tôi mới thật sự đón một mùa xuân thanh thản, ấm lòng. Cả nhà đều cảm thấy anh đang quây quần cùng gia đình”.

Hồi tưởng quá trình 32 năm tìm kiếm người anh liệt sĩ để rồi có được đêm giao thừa đoàn tụ vào mùa xuân năm 2009, thầy giáo Nguyễn Sĩ Hồ xúc động nói.

j38RNRzR.jpg
Niềm xúc động của thầy Hồ (bìa trái) cùng thân nhân trong ngày đoàn tụ liệt sĩ - Ảnh nhân vật cung cấp

Thầy Hồ rưng rưng mở từng lá thư tìm kiếm liệt sĩ mang dấu bưu điện trên khắp mọi miền đất nước. Tôi đã gợi dậy bao kỷ niệm buồn vui trong ông. Từ TP.HCM, tôi về mảnh đất xanh tươi xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, Bình Dương, tìm ông không khó lắm. Hỏi người dân nào cũng ít nhiều biết ông: “Thầy Nguyễn Sĩ Hồ à? Nhà ấp Cổng Xanh ấy. Nhưng anh đã điện thoại chưa? Thầy đi tìm mộ liệt sĩ suốt, ít ở nhà lắm”. Nhiều người đã biết quá trình ông lặng lẽ tìm kiếm hàng ngàn liệt sĩ. Nhưng ít ai biết khởi đầu lại chính là việc ông tìm người anh về đoàn tụ với gia đình sau hàng chục năm vô vọng. Và chính cuộc tìm kiếm này đã mở đường cho ông tiếp tục cuộc hành trình đặc biệt dài đến tận bây giờ.

Tìm anh dài theo năm tháng

Thầy Hồ bùi ngùi kể quê mình ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Ngày người anh Nguyễn Đăng Khoa nhập ngũ tháng 12-1969, gia đình nuốt nước mắt hẹn ngày đoàn tụ dù lòng biết rằng chiến sĩ vào trận địa đâu hẹn được ngày về. Thời điểm lịch sử 30-4-1975, đất nước hòa bình, bóng anh vẫn biệt tăm. Cha già ở nhà thương nhớ con, suốt ngày đến các xóm làng nào có bộ đội trở về để hỏi tin con. Người biết loáng thoáng đã gặp anh ở trận địa đâu đó. Người lắc đầu. Tin anh vẫn mù xa...

“Mãi đến một ngày cuối năm 1977, gia đình tôi mới nhận tin anh đã hi sinh. Giấy báo tử chỉ ngắn gọn vài chữ không rõ ràng: hi sinh ngày 15-10-1972 ở mặt trận phía Nam” - ông Hồ kể cha mình nghẹn ngào chẳng thốt nên lời. Ông không còn nước mắt để khóc nữa! Vợ ông sớm tử biệt gia đình vì bom đạn. Người con trai giờ cũng nằm lạnh lẽo đâu đó ở chiến trường. Mùa xuân năm ấy, gia đình không có tết. Tâm nguyện đau đáu của người cha già là phải cố gắng tìm con về quê hương, đoàn tụ với gia đình dù chỉ là nắm xương phủ lá quốc kỳ.

Thế nhưng suốt hàng chục năm mỏi mòn tìm kiếm không thành công, gia đình đành phải chọn ngày 15-10 làm giỗ liệt sĩ Khoa theo giấy báo tử. Cứ mỗi khi có điều kiện, cha con thầy Hồ lại tiếp tục đi tìm nơi anh mình yên nghỉ. Nhắc nhớ lại những kỷ niệm này, ông Hồ vẫn không quên: “Cứ được ai cho biết chút thông tin gì đó nơi anh Khoa chiến đấu, hi sinh là chúng tôi lại tìm đến. Tất cả mộ bia ở các nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị, gia đình chúng tôi không bỏ sót một cái nào. Vẫn không thể tìm thấy dấu vết anh, chúng tôi chỉ đành nhủ lòng có lẽ hương hồn anh đang yên nghỉ đâu đó dưới lớp lớp mộ bia chiến sĩ vô danh”. Ước nguyện đưa con về đoàn tụ với gia đình vẫn biệt xa!

Về sau, thầy Hồ vào Bình Dương lập nghiệp, dạy học trường huyện Tân Uyên. Lần giở lại các kỷ niệm còn lại của liệt sĩ Khoa, ông tìm thấy một giấy khen anh mình gửi về có ghi thành tích chiến đấu “hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến dịch mở đường thắng lợi tại mặt trận B5”. Đặc biệt, giấy khen còn rõ bút ký của trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Ích của trung đoàn 271. Từ dấu vết này, ông Hồ truy cập vào website nhantimdongdoi.org và được hồi âm: trung đoàn 271 thuộc sư đoàn 5 đang đóng tại huyện Phú Giáo, Bình Dương.

0bxgyafx.jpg
Những lá thư thầy Hồ giúp tìm liệt sĩ - Ảnh: Quốc Việt

Hi vọng, thất vọng và đoàn tụ

Thắp nén nhang khấn vái hương hồn anh linh thiêng giúp em đưa về đoàn tụ với gia đình, ông Hồ đến trụ sở trung đoàn 271, xin được mở hồ sơ lưu số liệt sĩ của đơn vị hi sinh giai đoạn 1972-1975. Kết quả nhanh chóng đến không ngờ. Chỉ gần hai giờ sau, ông đã lần thêm được dấu vết anh mình hi sinh ngày 16-4-1973 tại Long An. Thông tin hoàn toàn khác hẳn với giấy báo tử gia đình ông được trao năm 1977 là hi sinh ngày 15 -10 -1972. Hóa ra lâu nay gia đình ông đã làm giỗ sai ngày cho liệt sĩ Khoa.

Không thể kìm được nước mắt khóc anh, thầy Hồ cùng người nhà xúc động đi tìm địa danh Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Hòa, Long An. Tuy nhiên, họ đã thất vọng khi được biết huyện Đức Hòa không có địa danh nào tên Mỹ Thạnh Đông. Chính xác nó là một xã gần thị trấn Đức Huệ, huyện biên giới tỉnh Long An. Sự việc càng rối rắm hơn khi hồ sơ lưu tại nghĩa trang liệt sĩ Đức Hòa cũng có tên Nguyễn Đăng Khoa, nhưng không tìm được mộ.

Ngược trở lại trung đoàn 271, thầy Hồ trình bày sự thất vọng với chỉ huy đơn vị và xin được một lần nữa lật tìm kỹ lại hồ sơ lưu. “Tôi đã mừng đến rơi nước mắt khi tìm thấy một quyển sổ ghi chép của đồng đội anh tôi ghi chi tiết nơi chôn cất tại xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ” - ông Hồ xúc động tâm sự sau nhiều sai, đúng, rồi thất vọng, gia đình lại tiếp tục về Long An. Tuy nhiên, họ đến xã Mỹ Thạnh Tây, sự thất vọng lại ập đến khi địa phương cho biết không có liệt sĩ nào như vậy còn chôn cất ở đây. Ông Hồ mệt mỏi, buồn bã, nhưng vẫn nuôi hi vọng trở lại văn phòng trung đoàn 271. Cố gắng lật tìm từng trang hồ sơ ố vàng, ông lại bất ngờ phát hiện thêm sơ đồ chôn anh mình cùng sáu đồng đội khác. Chi tiết khá rõ ràng với thông tin: 7 liệt sĩ hi sinh ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây, Đức Huệ, Long An, được chôn tại ấp Voi cùng xã.

Lại trở về Long An, thầy Hồ tìm gặp được ông Hai Cậy, nguyên huyện đội trưởng huyện Đức Huệ, là người chôn cất bảy liệt sĩ. Ông Hai Cậy kể rõ ràng bảy liệt sĩ này trên đường đi dự đại hội chiến sĩ thi đua thì rơi vào bãi phục kích đại đội thám báo 773 tiểu khu Hậu Nghĩa. Danh sách bảy liệt sĩ là Lê Văn Chung, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Đăng Khoa, Hà Duy Hưng, Trần Gia Long, Đặng Hồng Châu, Nguyễn Hữu Thư. Tất cả đều quê ở Hà Tĩnh và Nghệ An. Tuy nhiên, hành trình tìm anh khó khăn của gia đình vẫn chưa kết thúc khi họ lại phải ngậm ngùi đứng trước bảy mộ bia liệt sĩ vô danh. Nơi chôn cất các anh trên cánh đồng thời chiến không có bia mộ, nên khi quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Huệ đành phải gắn tấm bia liệt sĩ vô danh.

“Có người khuyên nên tìm đến nhà ngoại cảm để nhận liệt sĩ, nhưng chúng tôi đã cương quyết lắc đầu. Hành trình tìm anh của chúng tôi suốt hơn 30 năm không thể cuối cùng lại tự an lòng với giải pháp mơ hồ này”- thầy Hồ kể ông đã bàn với sáu gia đình liệt sĩ kia để lấy mẫu đối chứng xét nghiệm ADN. Hôm khai quật, xin mẩu xương liệt sĩ làm xét nghiệm, mọi người đều rưng rưng nước mắt: “Xin các anh hãy cố đợi ngày đoàn tụ với gia đình nhé!”. Ngày 22-12-2008, kết quả giám định gen của Viện Công nghệ sinh học VN được công bố chính xác tên các liệt sĩ cùng với gia đình mình.

Tâm sự tới đây, thầy Hồ lại rưng rưng nước mắt xúc động: “Chưa bao giờ gia đình chúng tôi lại đón mùa xuân ấm áp như năm ấy. Tất cả đều cảm nhận như hương hồn liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa đang về chung vui với gia đình. Cha già 87 tuổi không còn phải nối tiếp hành trình đằng đẵng hơn 30 năm đi tìm con. Quây quần bên mâm cơm chiều 30 Tết, cha tôi đã khóc và nói với cả nhà rằng giờ lòng ông thanh thản lắm rồi. Nếu một ngày được gặp lại con ở cõi xa xôi nào đó, ông cũng không còn gì phải ngậm ngùi!”. Cả đêm giao thừa năm ấy, cha già và anh em thầy Hồ không ai chợp mắt được. Họ cứ lặng nhìn di ảnh của con, anh trên bàn thờ nghi ngút khói hương...

Sau cuộc tìm anh thành công, thầy Nguyễn Sĩ Hồ lại tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm, đưa các liệt sĩ còn khuyết danh về đoàn tụ với gia đình. Ông đã đi gần hết nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước và mở cả trang web kết nối, tìm kiếm liệt sĩ. Đến nay, ông đã nhận được hơn 1.000 lá thư và hơn 1.000 cuộc điện thoại gia đình liệt sĩ cảm ơn sự giúp đỡ hiệu quả. Họ ở khắp miền quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái… Một số người đã xin kết nghĩa thầy Hồ làm anh, làm chú để cảm tạ nghĩa tình giúp đỡ đưa được liệt sĩ về đoàn tụ với gia đình.

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên