Có người bảo ông đã nâng tầm gu của khán giả hạng trung, cho họ chạm đến những tầng âm nhạc cao hơn. Có người lại bảo ông đã kéo tụt tiêu chuẩn của âm nhạc tinh hoa.
Dù thế nào thì cũng không ai phủ nhận được, 30 năm hoạt động của Andrea Bocelli kể từ năm 1994 với album đầu tay được chứng nhận bạch kim chỉ sau vài tuần, Il mare calmo della sera (Biển lặng ban chiều), đã đạt đến ngưỡng thành công khó tin.
Nhưng chẳng phải chính Bocelli từng trích lời châm biếm của Oscar Wilde: "Người ta sẽ thứ tha cho bạn bất cứ điều gì, ngoại trừ sự thành công?".
Andrea Bocelli hát trong đêm Phục sinh 12-4
Là ca sĩ opera nhưng nhắc đến Bocelli thì hẳn ai cũng nhớ ngay tới... Time to Say Goodbye một bản nhạc không phải opera, chỉ là pop mang hơi hướm opera.
Giai điệu xa vắng như một con tàu trôi khuất vào đường chân trời của nhà soạn nhạc Francesco Sartori cùng giọng hát u buồn êm ả mà không vương chút sầu muộn hay bịn rịn của Bocelli khiến cho Time to Say Goodbye neo mãi vào trái tim người nghe.
Và ai đã xem (chứ không chỉ nghe) bản song tấu kinh điển ca khúc này của Bocelli cùng Sarah Brightman thì sẽ không thể nào không nhớ đến dáng vẻ bình thản, hơi cúi đầu, hát mà như không hát của Bocelli, tương phản với một Sarah Brightman linh động, luôn ngẩng cao đầu khoe gương mặt bừng sáng, mỗi khi lên quãng cao thì dang tay để phô hết vẻ kiều diễm, thi thoảng lại dựa vào ngực Bocelli.
Vấn đề là họ dùng micro để hát. Ca sĩ opera mà lại dùng micro. Như thế là đã sai ngay từ đầu. Là phá tan những tiêu chuẩn cơ bản nhất của opera, bất chấp việc khi hát những bản opera thực thụ thì Bocelli cũng không dùng micro.
Chẳng cần biết một số nhà chuyên môn không ngần ngại gọi âm nhạc của Bocelli là "mấy con cua giả ở cửa hàng thực phẩm".
Thế nhưng chẳng lẽ Luciano Pavarotti, giọng tenor xuất sắc của thế kỷ 20, lại nhìn nhầm người ư?
Không chỉ là hơn 30 năm trước, Pavarotti nghe cuộn băng của Bocelli liền nhường cơ hội thu âm cho Bocelli mà đến đám cưới của mình, Pavarotti cũng rủ Bocelli qua hát góp vui. Đến khi Pavarotti mất, vợ ông lại mời Bocelli hát tiễn đưa linh cữu.
Hãy nghe thử bản song ca Notte 'e piscatore, một ca khúc Neapolitan được viết riêng cho hai danh ca. Giọng ca Pavarotti chói chang như ánh dương quang, giọng ca của Bocelli mềm dịu như ánh trăng sáng.
Có một khoảnh khắc, khi Bocelli hát đến những câu như "Và trăng biết ta khao khát bao nhiêu về mặt trời. Ta thiết tha chờ, ngày ấy đến...", Pavarotti hơi gục đầu xuống, đôi mày chau lại như đã chìm trong tiếng hát của Bocelli.
Giây phút ấy, ta hiểu vì sao gia đình Pavarotti muốn Bocelli là người tiễn ông bằng âm nhạc. Mà có khi đó là tâm nguyện của chính Pavarotti?
Vẫn còn video ngày Bocelli hát bản thánh ca Ave Verum Corpus trong lễ tang của Pavarotti tại nhà thờ.
Nghe tiếng ca của Bocelli lúc đó, ta thật tin rằng khi chàng Patroclus tử tận thì người anh hùng Achilles thương tiếc bên thi thể bạn tri giao cũng sâu sắc đến thế là cùng.
Có khác chỉ ở chỗ Achilles thương tiếc trong khổ đau và nước mắt, còn Bocelli thương tiếc trong một ánh sáng trong trẻo, đầy hy vọng.
Andrea Bocelli vừa có chuỗi hòa nhạc ba ngày Teatro del Silenzio kỷ niệm 30 năm sự nghiệp. 30 năm, và vẫn chưa đến lúc nói lời tạm biệt.
Nói không ngoa là một nửa giới âm nhạc tới mừng ông. Nếu có thêm 30 năm nữa, có lẽ sự nghiệp Bocelli vẫn sẽ không kém huy hoàng. Có người sẽ cảm thấy rất vô lý, thậm chí rất bực bội, bực bội vì một ca sĩ opera lại hát Perfect với Ed Sheeran.
Sao nỡ đem dao mổ trâu đi mổ gà, đem tinh hoa opera ra làm nền cho một ca khúc đại chúng tỉ view? Có lẽ vẫn sẽ có người không bao giờ thứ tha cho Bocelli.
Nhưng sau rốt, ai còn sống mà đủ tư cách để đánh giá thứ âm nhạc đã từng khiến người khác muốn nó là bạn đồng hành sang bên kia thế giới?
Mất đi thị lực từ khi còn là một thiếu niên, Bocelli dường như lại nhìn thấy điều gì đó nhiều hơn chúng ta, một điều gì đó vượt qua những ranh giới thông thường mà người ta hay cất đặt: tinh hoa/bình dân, opera/pop, thậm chí là sự sống/cái chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận