Gò đất cao trong Dinh Độc Lập, nơi có ngôi nhà bát giác kiểu xưa, có thể là Đàn Xã Tắc Phiên An - Ảnh: PHÚC TIẾN
Đầu tiên, chúng ta đi thăm "ngôi đền cổ tích" - Gia Định Thành Thông Chí. Vào đây, ta sẽ gặp cụ Trịnh Hoài Đức, người lưu giữ dấu tích địa lý, lịch sử, phong tục của Nam Bộ thời kỳ trước khi Pháp xâm chiếm. Thuở ấy, Sài Gòn có tên là Trấn Phiên An, gồm hai huyện Bình Dương (chủ yếu là Q.1) và Tân Long (Q.5).
Cụ Trịnh kể, dân "hai huyện" quen nghề mua bán, phần đông là dân phố chợ. Nhà cửa đông đúc, hàng hóa tấp nập, thuyền buồm ra vào nhộn nhịp. Đặc biệt, "nhiều người thạo tiếng Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam" và cả tiếng Xiêm La (Thái) và Tây Dương (châu Âu).
Ngay từ thời đó, Sài Gòn đã là "chốn đô hội lớn nhất cả nước", vậy thì người dân ăn Tết phong lưu thế nào?!
Hát đuổi tà để "tống Cựu nghinh Tân"
Theo cụ Trịnh, ngay sát Tết, dân Phiên An có một tập tục "khá ồn ào". Đó là từ đêm 28 đến đêm 30, thường có những đoàn năm - mười người kéo đến các nhà "hào phú", vừa đi vừa đánh trống con vang rần.
Khi vào nhà, người dẫn đầu đoàn - gọi là Na Nhân (còn gọi là Nậu sắc bùa) sẽ dán bùa đuổi tà ma nơi cửa, rồi niệm thần chú. Sau đấy, họ nổi trống lên, hát những lời chúc mừng. Chủ nhà vui vẻ đem rượu khoản đãi và tiền thưởng cảm ơn đoàn khách văn nghệ "cây nhà lá vườn".
Cụ Trịnh nói tập tục này cũng nhằm "tống Cựu nghinh Tân" (tiễn Cũ, rước Mới). Xem ra chuyện này tương tự một tập tục ở nông thôn miền Bắc cổ xưa. Vào đêm 30, tại đấy cũng có các nhóm trẻ em nhà nghèo, đi đến các nhà giàu để hát đồng dao. Nổi bật là bài Súc sắc súc sẻ, rất ngộ nghĩnh và dễ thương.
Chợ Tết Sài Gòn 1957
"Chạp mộ" và rước Tổ tiên ăn Tết
Cuối năm, người Phiên An vừa lo "đuổi tà", vừa lo đón rước Tổ tiên về ăn Tết. Cụ Trịnh nói người Hoa có tục "tảo mộ" vào dịp lễ Thanh minh sau Tết nhưng người Việt lại đi thăm mộ trong tháng chạp, gọi là "chạp mộ". Dịp ấy, con cháu nhà nào cũng phải thăm nom, sửa sang các phần mộ của ông bà. Cụ Trịnh nói, tập tục của ta như thế là phải nghĩa hơn!
Kế đến, khởi đầu ngày mùng 1, theo đúng lệ, vào giờ Dần (3-5 giờ sáng), gia chủ phải thức dậy để thắp hương đèn và dâng trà, vái lễ trước bàn thờ Tổ tiên.
Sau đấy, con cháu quây quần lạy mừng người "trưởng thượng" (ông bà, cô bác, cha mẹ) và chúc tụng phước thọ, giàu sang. Cụ Trịnh kể, trong ba ngày Tết, vào sáng sớm và chiều tối, gia chủ đều bày cúng lễ vật gồm trái cây, bánh mứt. Có nhà còn bày cây mía đủ cả gốc ngọn, và treo các loại trái cây trên thân mía.
Họ cho rằng cây mía dùng làm gậy cho "ông bà ông vải" đi đường! Đến ngày mùng 3, gia chủ làm lễ tiễn Tổ tiên, có đốt vàng mã và đốt pháo. Không thấy cụ Trịnh nói người xưa có hay không tập tục đi "chúc Tết nhà quan" và biếu xén quà cáp. Phải chăng, đó chỉ là "hủ tục" sinh sau đẻ muộn thời nay?
Chơi Tết 7 ngày, không được đòi nợ!
Gần Tết, nhà nào ở Phiên An cũng may sắm áo quần mới, quét dọn nhà cửa, treo liễn mừng Xuân. Theo Cụ Trịnh, lúc này người lớn thường dặn con cháu khi nói và làm, phải cẩn thận để tránh gây điềm xui cho cả năm.
Vào "Ngày trừ tịch" (ngày 30), trước cửa mọi nhà đều dựng một cây tre, bên trên buộc ít giấy vàng bạc và một cái giỏ đựng trầu cau và vôi. Tập tục này gọi là "dựng Nêu", đến mùng 7 sẽ "hạ Nêu". Bằng hành động đó, gia chủ thể hiện mong muốn mời Tổ tiên, Trời đất, Thánh thần, Vong linh vô danh cùng chung vui Tết.
Trong bảy ngày Tết, bất kể là kẻ sang hèn hay lớn nhỏ, ai nấy đều vui chơi no say. Người nghèo nào cũng sắm sanh đủ lễ. Nhà nhà uống rượu nếp than, ăn bánh tét, cờ bạc vui chơi đủ trò. Khách đến chơi nhà đều được thết đãi rượu chè, bánh trái thoải mái.
Cụ Trịnh nhấn mạnh, trong mấy ngày Tết phàm những khoản nợ nần thiếu thốn đều không được đòi hỏi. Phải xong ngày hạ Nêu, chủ nợ mới được đòi!
Dân Phiên An thường đốt "pháo đồng", "pháo thiếc", vang rền khắp chốn. Ở nơi công cộng, ngoài chọi gà, hát bội, còn có trò chơi "đánh đu" các loại. Trong đó, loại đu bình thường là đu một người để giành khăn hay tiền trên điểm cao.
Kế đấy, có "đu tiên", gồm 8 cô gái xinh đẹp cùng đứng trên xích đu, nhún nhảy thật cao. Và rồi, còn có "đu rút" và "đu dàng xoay". Các trò đánh đu thường chơi từ mùng 1 đến tận ngày rằm tháng giêng mới mãn!
Lễ tế Trời và Thần Nông long trọng
Tạm biệt cụ Trịnh, chúng ta đi gặp cụ Trương Vĩnh Ký, nhà ở làng Nhơn Giang khu Chợ Quán (quận 5). Cụ Trương có một kho "chuyện đời xưa", nhất là phong tục Tết. Theo cụ Trương, Tết Sài Gòn có hai nghi lễ thiêng liêng, không phải tỉnh thành nào cũng có.
Trước nhất, đó là lễ tế Trời và Thần Nông ở Đàn Xã Tắc! Đàn là đài vuông xây bằng gạch (tượng trưng cho Đất), nằm trên gò đất cao hình tròn (tượng trưng cho Trời).
Hằng năm, vào tiết Lập xuân (đầu tháng hai âm lịch), vua và các quan đại thần đến Đàn Xã Tắc để dâng lễ cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Phong tục này có ở Việt Nam từ đời nhà Đinh, nhà Lê và chỉ diễn ra tại kinh đô.
Đời nhà Nguyễn, Đàn Xã Tắc đặt ở kinh đô Huế, tuy nhiên, vào năm 1823, vua Minh Mạng vẫn cho lập thêm ở Gia Định. Điều ấy chứng tỏ vùng đất phương Nam mà chốn đô hội là Sài Gòn, rất xứng đáng và rất cần thiết tiến hành nghi lễ quốc gia long trọng đó!
Cụ Trương nói dấu tích Đàn Xã Tắc hiện giờ nằm chung quanh Trường Lê Quý Đôn. Đến đấy, ta sẽ thấy một gò đất cao, bên trên có một ngôi nhà nhỏ kiểu xưa, hình bát giác. Gò đất nằm trong khuôn viên Dinh Độc Lập, đối diện với cổng chính Trường Lê Quý Đôn.
Nếu các nhà khảo cổ và sử học tìm được dấu tích Đàn Xã Tắc Phiên An thì nay mai thành phố có thể phục dựng một phong tục rất ý nghĩa về cả lịch sử và dân sinh. Ở Huế, những năm gần đây đã khôi phục Đàn Xã Tắc và tái hiện tế lễ hằng năm.
Lễ hội Tập trận oai phong
Hằng năm, sát ngày rằm tháng giêng, thành Phiên An còn có lễ hội Tập trận do quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt chủ trương. Theo Cụ Trương, vào sáng sớm hôm đó, quan Tổng trấn mặc "phẩm phục đại trào" bước vào hành cung trong thành (nơi vua ngự khi đi kinh lý) để bái vọng nhà vua.
Sau đấy, "quan Thượng" cho bắn ba phát "súng thần công" để phát pháo lệnh mở đầu ngày hội. Đoàn quân dẫn đầu bởi quan Thượng sẽ diễu hành từ thành ra phố, hướng về địa điểm Mô Súng (trường bắn, khu vực vòng xoay Công trường Dân Chủ hiện nay).
Tại đây, hàng ngàn quân lính, voi ngựa, đại pháo đã xếp hàng thứ tự để thao diễn trên một cánh đồng lớn, gọi là đồng Tập trận (chạy dài dọc đường Cách Mạng Tháng Tám lên đến khu vực Hòa Hưng). Xong cuộc tập trận trên bộ, sẽ có cuộc tập trận trên sông, ở bến chiến thuyền (khu vực Ba Son và Công trường Mê Linh).
Cùng với tập trận, còn có đấu quyền, đấu côn và đấu voi. Trong suốt ngày tập trận, dân chúng đều đốt pháo hưởng ứng. Cụ Trương nói, lễ Tập trận vừa mang tính tâm linh (xua đuổi tà ma) vừa mang tính chính trị (biểu dương lực lượng).
Theo Cụ Trịnh Hoài Đức, ở Sài Gòn xưa, kẻ sĩ trọng danh tiết, phong tục chuộng xa hoa. Cái nét hào sảng ấy có còn thấy qua Tết vào các thời kỳ tân tiến sau này chăng?
* Bài viết tham khảo tác phẩm Gia Định Thành Thông Chí tác của Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) và Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận của Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận