07/02/2017 16:00 GMT+7

Ăn mặc phản cảm: Chưa có quy định cụ thể

TS.LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH
TS.LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH

TTO - Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về việc xử phạt áp dụng cho việc ăn mặc phản cảm nơi công cộng. Do đó, tại thời điểm hiện nay, thì chưa có đủ căn cứ pháp lý để xử lý vấn đề này.

Ăn mặc hở hang khi
Ăn mặc hở hang khi vào chốn trang nghiêm - Ảnh Youtube

Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về việc xử phạt áp dụng cho việc ăn mặc phản cảm nơi công cộng.

Trước đây, tại Điều 10 Nghị định số 70/2010/NĐ-CP có quy định về vấn đề xử phạt liên quan đến nếp sống văn minh bao gồm xử phạt người không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót nơi công cộng, nhưng khi Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 70/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì đã không còn quy định hành vi vi phạm về nếp sống văn minh.

Do đó, tại thời điểm hiện nay, thì chưa có đủ căn cứ pháp lý để xử lý vấn đề ăn mặc phản cảm nơi công cộng.

Phải xác định thế nào là ăn mặc phản cảm

Điều đầu tiên, để có thể xác định được người có hành vi ăn mặc phản cảm thì cần phải xác định thế nào là ăn mặc phản cảm.

Dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội chỉ nêu các nội dung liên quan đến những điều Nên làm và Không nên làm mà không đưa ra bất kỳ khái niệm nào để xác định như thế nào là ăn mặc hở hang, phản cảm.

Pháp luật hiện hành cũng không có bất kỳ hướng dẫn nào về khái niệm ăn mặc hở hang. Để việc xử lý đúng quy định thì cơ quan ban hành cần phải đặt ra khái niệm hoặc các tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là ăn mặc hở hang, phản cảm, người có thẩm quyền không thể tiến hành xử lý, thông qua các đánh giá cảm tính cá nhân, điều này sẽ tạo sự không thống nhất trong việc vận dụng quy địn và gây ra các phản ứng trái chiều.

Bêu tên: Chưa phù hợp

Việc bêu tên người ăn mặc phản cảm trên các phương tiện thông tin đại chúng của TP.Hà Nội là chưa phù hợp. Điều này sẽ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, bao gồm quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Trong tình trạng hiện nay, có rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra do các vấn đề về tâm lý bị ảnh hưởng vì danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm.

Theo Khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội, đối tượng bao gồm các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội, có nghĩa là bao gồm cả người nước ngoài, người ngoài TP. Hà Nội.

Quy định này là không phù hợp, bởi lẽ ở các nước khác nhau, các khu vực khác nhau thì phong tục và cách ăn mặc có thể khác nhau và họ cũng không thể nắm rõ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội được, nếu quy định đối tượng điều chỉnh chung chung như vậy có thể dẫn đến phản ứng trái chiều.

Cơ quan có thẩm quyền cần xem xét đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp đối với từng đối tượng có đặc điểm khác nhau.

Để Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội có tính khả thi cao, có thể áp dụng có hiệu quả vào thực tế, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét xây dựng Quy tắc theo hướng là nhắc nhở, tạo thói quen tốt cho tổ chức, cá nhân, không nên tiến hành các biện pháp xử lý bằng cách bêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hướng đến mục đích là tuyên truyền pháp luật là quan trọng nhất. Vấn đề ăn mặc của người dân nên giải quyết theo hướng khuyến cáo, không phải bắt buộc được, chúng ta đang cố gắng xây dựng Hà Nội văn minh, nhưng lại hạn chế quyền của người dân thì việc này là đi ngược với mục đích xây dựng Hà Nội văn minh.

Ngoài ra, tôi cho rằng việc quy định về vấn đề ăn mặc này chỉ nên quy định ở các nơi thờ cúng, trang nghiêm, không thể quy định ở tất cả các nơi công cộng hoặc xem xét xây dựng theo hướng áp dụng các quy định, quy chế đã có của các nơi công cộng và tiến hành xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

 

TS.LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên