05/08/2013 07:02 GMT+7

Ấn Độ tranh cãi về tỉ lệ dân nghèo

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TT - Kết quả vừa công bố về thành tựu giảm nghèo nhanh chóng của Chính phủ Ấn Độ từ năm 2004 đã gây bất đồng giữa hai đảng lớn nhất nước này.

KNmYRJVO.jpgPhóng to
Dân thành phố Allahabad ở phía bắc Ấn Độ chạy lũ lụt hôm 1-8 - Ảnh: Reuters

Không chỉ thế, kết quả gây tranh cãi này còn châm ngòi cho cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai nhà kinh tế người Ấn nổi tiếng thế giới đến từ Đại học Harvard và Columbia về hiệu quả của chương trình giảm nghèo của chính phủ đương nhiệm.

Trong báo cáo công bố ngày 22-7, Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ (IPC) cho biết tỉ lệ người nghèo ở nước này đã giảm từ 37,2% (407,1 triệu người) vào năm tài khóa 2004-2005 xuống còn 21,9% (269,3 triệu người) tính đến hết năm tài khóa 2011-2012. Tuy nhiên kết quả tích cực này khiến đảng đối lập Bharatiya Janata (BJP) nghi ngờ về tính chính xác của nó.

Các con số bị chỉnh sửa?

"Chính phủ sắp gây hại cho nền kinh tế và cho cả người nghèo, vì một khi các cải cách về giảm nghèo của họ gần như đang đứng yên, thì lấy đâu ra ngân sách cho các cải cách về y tế, giáo dục và lương thực sắp tới?"

Trích bài viết của ông Bhagwati

Từ khi lên nắm quyền năm 2004, Đảng Quốc đại và Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) đã thực thi nhiều chính sách “vì người nghèo”, và tỉ lệ giảm nghèo này “là minh chứng cho hiệu quả của các chính sách ấy” - Reutes dẫn lời phát biểu của ông Bhakta Charan Das, người phát ngôn Đảng Quốc đại và UPA.

Chỉ còn cách cuộc tổng tuyển cử chưa đầy một năm (tháng 5-2014), cả hai đảng đều tranh thủ sự kiện này để thu hút thêm số phiếu từ dân nghèo, bởi việc Ấn Độ có thật sự đạt được thành tựu giảm nghèo như công bố hay không sẽ quyết định con đường lèo lái đất nước sắp tới.

Theo Reuters, Đảng BJP muốn tập trung cải cách theo hướng ưu tiên tăng trưởng, đồng nghĩa với việc cắt giảm chi tiêu công, trong khi Đảng Quốc đại cho rằng chính sách trợ cấp và phúc lợi của mình những năm qua đã giúp hàng triệu dân chúng thoát nghèo và muốn đi tiếp con đường này.

Nhiều người cho rằng các con số đã được “chỉnh sửa để trở nên đẹp hơn” trong khi BBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng kết quả thành công đạt được là nhờ IPC đã áp dụng “mức nghèo” quá thấp trong cuộc điều tra của mình.

Theo BBC, trong khi Ấn Độ vẫn chưa thống nhất được chuẩn nghèo để áp dụng cho các thống kê, kết quả đẹp mà Chính phủ Ấn có được là do sử dụng tiêu chuẩn có từ cách đây 40 năm. Cụ thể, người dân ở nông thôn kiếm được ít hơn 27 rupee (0,45 USD), và người sống ở thành thị kiếm không quá 32 rupee (0,52 USD) một ngày sẽ được xem là “sống dưới mức nghèo”. Tiêu chuẩn này được xây dựng dựa theo lượng calorie tối thiểu mà một người tiêu thụ hằng ngày, BBC cho biết.

Tuy nhiên, do cách tiêu hóa thức ăn và bài tiết của con người ngày nay đã thay đổi, tiêu chuẩn này không còn phù hợp và “chúng ta cần phải tính toán một mức nghèo mới chính xác hơn” - nhà kinh tế học Y.K. Alagh nói với BBC.

Hai giáo sư bất đồng

Bình luận về kết quả giảm nghèo của chính phủ, Amartya Sen - nhà kinh tế người Ấn Độ đoạt giải Nobel năm 1998 và hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard (Mỹ) - khẳng định đây là “một thành tựu”, dẫu “không vẻ vang gì bởi mức nghèo quá thấp”, theo Reuters. Giáo sư Sen được cho là người ủng hộ đương kim Thủ tướng Manmohan Singh, và có ảnh hưởng lớn đến các chương trình về việc làm và lương thực của Đảng Quốc đại.

Trong khi đó, đồng hương của ông, ông Jagdish Bhagwati - giáo sư kinh tế và luật tại một trường nổi tiếng không kém Harvard là Đại học Columbia - viết trong một bài báo rằng “Sen chỉ là kẻ bao biện cho các chính sách phúc lợi tốn kém của Đảng Quốc đại”. GS Bhagwati tỏ ra gay gắt: “Sen không những nhận định sai mà còn tạo ra mối nguy hiểm cho các chính sách kinh tế sắp tới của Ấn Độ”.

Bình luận về các cặp tranh luận giữa hai đảng và hai nhà kinh tế, báo The Economics Times ngày 31-7 cho rằng nhiều người đã lầm khi đánh đồng cuộc tranh cãi giữa Sen và Bhagwati là có cùng lý do chính trị hướng đến cuộc tổng tuyển cử năm sau như giữa Đảng Quốc đại và BJP. “Sen chẳng phải là người của đảng cầm quyền, và Bhagwati cũng không phải người của phe đối lập” - báo này viết.

The Economics Times nhận định cả hai phe đều thống nhất về những tiến triển của chính sách giảm nghèo, và khác biệt duy nhất giữa đôi bên chỉ là “mức độ hiệu quả của các chính sách”, không phải như truyền thông đã thổi phồng.

Đảng Quốc đại đang lên kế hoạch cung cấp thức ăn giá rẻ cho khoảng 800 triệu dân sắp tới, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách đã cán mức 5% GDP, theo Reuters.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên