05/12/2019 12:53 GMT+7

Ấn Độ trả giá đắt môi trường vì phát triển công nghệ thần tốc

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Sau nhiều năm phát triển như vũ bão, trở thành một trong những động lực lớn của nền kinh tế 3.000 tỉ USD của Ấn Độ, những thành phố trung tâm công nghệ của nước này đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về quá tải dân số, ô nhiễm không khí ...

Ấn Độ trả giá đắt môi trường vì phát triển công nghệ thần tốc - Ảnh 1.

Ô nhiễm ở thành phố Gurgaon - Ảnh: AFP

Như vô số người khác, Megha Mathur di cư lên TP Gurgaon ở phía bắc New Delhi để tìm một công việc trong lĩnh vực công nghệ. Và cô sớm nhận ra mình không thể chịu nổi cuộc sống ở đây khi mỗi ngày phải dùng app để kiểm tra chất lượng không khí trước khi ra đường.

"Sống như vậy gây rất nhiều lo sợ và căng thẳng dù có rất nhiều cơ hội tốt về việc làm" - đài CNN dẫn lời cô Mathur, 27 tuổi, chia sẻ.

Trong hai thập kỷ qua, Gurgaon và Bangalore đã bùng nổ trở thành hai trung tâm công nghệ của Ấn Độ thu hút hàng triệu người đổ về tìm việc.

Tuy nhiên, tình hình tại những thành phố này cho thấy vấn đề nan giải mà Ấn Độ đang phải đối mặt: sự phát triển thần tốc đang hủy hoại môi trường nghiêm trọng.

"Bạn sẽ cảm thấy mình lúc nào cũng như sống trong một bãi chiến trường của xây dựng" - Sanjay Gupta, lãnh đạo công ty khởi nghiệp EnglishHelper ở Gurgaon nói. Điều này dẫn đến cuộc khủng hoảng chất lượng không khí và y tế. Vấn đề được thể hiện rõ nhất trong mùa đông khi ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn khi kết hợp giữa khói bụi nội thành với khói đốt rẫy của nông dân các vùng lân cận.

Với lượng dân số và xe cộ tăng mạnh, hệ thống giao thông tại những thành phố công nghệ này cũng là cơn ác mộng. Giao thông "đóng góp" đến 40% khí thải độc hại các thành phố ở Ấn Độ trong những năm qua.

"Điều đáng lo ngại nhất là dường như không có giải pháp tức thời nào. Cả thành phố giống như xây dựng cho 10 người và chúng ta nhét vào đó 10.000 người vậy" - Mahesh Pratap Singh, nhân viên một công ty ở Gurgaon chia sẻ.

Ngoài ra, các thành phố này cũng chịu một vấn đề chung là thiếu nước khi nhu cầu nước cao hơn nhiều khả năng đáp ứng của nguồn nước ngầm.

Với mục tiêu phát triển hơn nữa lĩnh vực sản xuất và công nghệ để xóa nghèo, Ấn Độ sẽ tiếp tục xây dựng nhiều nhà máy, văn phòng, có thêm xe cộ… Quốc gia 1,3 tỉ dân này đặt ra những mục tiêu tham vọng như sử dụng 40% năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào 2030. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn là một trong những nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và hơn một nửa năng lượng vẫn là từ nhiệt điện than.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào việc góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường. "Chúng ta đang ở giai đoạn cần đưa ra những lựa chọn thay thế ở quy mô lớn mà mọi người có thể chấp nhận nhận" - anh Singh nói.

Tuy nhiên, anh Aditya Ghosh, lãnh đạo công ty OYO, cho rằng các công ty chỉ có thể thực sự bắt đầu thay đổi để bảo vệ môi trường "khi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi và chi phí công nghệ để thực hiện điều đó giảm xuống".

Hàn Quốc tạm đóng 15 nhà máy nhiệt điện than để hạn chế ô nhiễm Hàn Quốc tạm đóng 15 nhà máy nhiệt điện than để hạn chế ô nhiễm

TTO - Hàn Quốc sẽ tạm ngưng hoạt động của 15 nhà máy, tương đương 1/4 tổng số nhà máy nhiệt điện than của nước này, từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020 để hạn chế ô nhiễm không khí.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên